Bản in
Khoa học và công nghệ: Đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp
Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang có những đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2020, các Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen,... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19.

Đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2020 và triển khai công tác năm 2021 của Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết,  đối với lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2020, từ kết quả nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 210 giống mới (trong đó giống cây trồng: 157 giống, giống thủy sản 12 giống; giống cây lâm nghiệp 22 giống và giống vật nuôi: 19 giống), 131 Tiến bộ kỹ thuật mới (trồng trọt là 71 TBKT, Chăn nuôi 26 TBKT, Lâm nghiệp 17 TBKT; Thủy lợi 2 TBKT, thủy sản 15 TBKT), 81 sáng chế/giải pháp hữu ích đã được công nhận; nhiều công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; 1889 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, 4324 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và nhiều giải thưởng cao quý như VIFOTEC, Bông lúa vàng, Techmart, Châu Á Thái Bình Dương, v..v..

Nhờ có đầu tư khoa học chọn lọc và cải tiến quy trình chăn nuôi, đến nay, các giống gà nội có năng suất trứng, thịt được cải thiện đáng kể. Các dòng gà lông màu cải tiến có chất lượng thịt thơm ngon, năng suất trứng và thịt cao hơn gà lông màu truyền thống từ 30 - 35%, đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường cả nước.

Ngoài ra, đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất nhiều loại vắc xin phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm như vắc xin Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, vắc xin dịch tả lợn đông khô, vắc xin dịch tả lợn nhược độc đông khô phòng bệnh dịch tả cho lợn sau cai sữa; vắc xin kép nhược độc tụ huyết trùng và phó thương hàn lợn đông khô; vắc xin xoắn trùng vô hoạt dạng nước phòng bệnh xoắn trùng cho trâu, bò, lợn; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò; vắc xin kép nhược độc tụ huyết trùng và phó thương hàn lợn đông khô; vắc xin  viêm gan vịt-ngan nhược độc đông khô…. 

Mô hình sản xuất rau sạch tại Hải Phòng

 

Làm chủ được công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính, rô phi toàn đực; giống rô phi đỏ thế hệ G5 tăng trưởng nhanh trong môi trường lợ mặn. Ứng dụng hệ thống tuần hoàn trong phát triển công nghệ nuôi tôm hùm, cua lột bằng thức ăn công nghiệp trong bể đạt hiệu quả cao, bền vững môi trường. Xây dựng được công nghệ nuôi thương phẩm một số đối tượng như cá nheo mỹ, cá rô đồng, cá chẽm; sản xuất giống một số đối tượng giá trị kinh tế cao, như: rươi, trùng huyết, tôm tít có khả năng chuyển giao ngay vào sản xuất. 

Ứng dụng hiệu quả KH&CN vào trồng trọt, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống; tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp, nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây ăn quả đạt giá trị kinh tế cao như cam, quýt và bưởi. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao ngày càng gia tăng, từng bước nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”…

Tăng cường hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp

Chia sẻ về việc thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, vấn đề tri thức hóa người nông dân là yêu cầu quan trọng và cấp thiết. Lý giải rõ hơn về điều này, ông Lê Minh Hoan cho biết cần phải đưa tri thức đến với hàng chục triệu hộ nông dân "đừng để người nông dân bị bỏ lại phía sau, bị cô lập trong “ốc đảo” trên con đường phát triển".

Cũng theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, người nông dân không thụ động tiếp nhận, không chỉ được hướng dẫn cách ứng dụng KH&CN, mà chính bản thân họ có thể tham gia, cung cấp kinh nghiệm bản địa, kiến thức thực tế cho doanh nghiệp và những người am tường KH&CN về những cách thức sản xuất hợp lý hơn, tiết kiệm, ít tốn đầu vào, mang lại sản phẩm chất lượng tốt, sạch, an toàn và đáng tin cậy hơn cho người tiêu dùng. Khi đó, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.

Trong điều kiện khó khăn, để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ KH&CN cùng Bộ NN&PTNT cần quan tâm tới việc nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN, giải quyết các khâu then chốt phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Cải tiến công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Tìm hiểu nhu cầu, phát triển thị trường KH&CN trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030 phục vụ phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Xây dựng Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ cơ cấu lại ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030. 

Bài, ảnh: Diệu Huyền