Bản in
Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 108/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (nhiệm vụ lập Quy hoạch).

Phù hợp điều kiện phát triển

Mục tiêu của việc lập Quy hoạch nhằm tiếp tục hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước, khắc phục những thiếu sót, bất cập và hạn chế trong hoạt động quy hoạch thời kỳ trước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đồng thời xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong từng ngành, lĩnh vực; đề ra định hướng và phương án phát triển cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực.

Quyết định nêu rõ, quan điểm lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện phát triển của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội.

Quy hoạch được lập theo hướng tổng thể, tích hợp các hợp phần, bảo đảm tính thống nhất, liên kết có hệ thống giữa các đối tượng của quy hoạch; theo hướng phát triển bền vững, hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội - môi trường với phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và phát triển nguồn nhân lực.

Việc lập quy hoạch bảo đảm tính linh hoạt, liên ngành, đi trước một bước về phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chuyên gia gắn với công nghiệp hóa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn, an ninh, hợp tác và hội nhập quốc tế.

Bảo đảm tính khoa học

Theo đó, nguyên tắc lập quy hoạch bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, tính dự báo, tiết kiệm, tính khách quan, công khai, minh bạch, khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, xây dựng các phương án, định hướng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực của quốc gia; xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước.

Bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực

Yêu cầu về nội dung chính của quy hoạch gồm: Quan điểm phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chung đến năm 2030, tầm nhìn 2050; mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực: y tế, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác; định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo;...

Nội dung khác của nhiệm vụ lập Quy hoạch là xây dựng 5 hợp phần quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: 1- Hợp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lập; 2- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành y tế do Bộ Y tế tổ chức lập; 3- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập; 4- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập; 5- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức lập.

Nội dung chính của các hợp phần quy hoạch bao gồm: quan điểm, mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chung, mục tiêu cụ thể; định hướng phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; danh mục chương trình, dự án quan trọng, ưu tiên; giải pháp, nguồn lực thực hiện;...

Nhiệm vụ lập Quy hoạch cũng yêu cầu về rà soát, đánh giá quy hoạch thời kỳ trước: Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu liên quan đến quy hoạch;  phân tích, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; tổng hợp đánh giá hiện trạng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; yêu cầu về dự báo triển vọng, nhu cầu phát triển và nguồn nhân lực trong thời kỳ quy hoạch.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai tổ chức lập quy hoạch theo Nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Các bộ, cơ quan được giao tổ chức lập hợp phần quy hoạch có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định hợp phần quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp để tích hợp vào Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Các bộ, cơ quang ngang bộ có liên quan và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan được giao tổ chức lập hợp phần quy hoạch trong quá trình lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bài, ảnh: Bảo Chi