Bản in
KH&CN đóng góp quan trọng trong phòng chống dịch Covid – 19
Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang đóng vai trò quan trọng giải quyết những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực y tế và y dược học, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ngày càng bám sát các yêu cầu thực tế, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhìn lại quá trình phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, có thể thấy nhiều kết quả KH&CN đã trực tiếp góp phần vào thành công của công tác phòng, chống dịch.

Nhiều kết quả quan trọng thực hiện trong thời gian ngắn

Tháng 12/2019, dịch Covid-19 khởi nguồn với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Bộ KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Bộ KH&CN diễn ra mới đây, Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y (HVQY) chia sẻ, ngay từ những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ KH&CN đã triệu tập, huy động lực lượng lớn các nhà khoa học, Viện nghiên cứu, Trường đại học và các Doanh nghiệp tham gia vào việc nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chỉ trong thời gian rất ngắn, với tinh thần quyết liệt, làm việc không kể ngày đêm của các nhà khoa học, nhiều kết quả KH&CN đã trực tiếp góp phần vào thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta.

Bộ đã phê duyệt 10 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, đã phân lập, nuôi cấy thành công SARS-CoV-2. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu về dịch tễ học, vi rút học do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur tp Hồ Chí Minh thực hiện. Kết quả nghiên cứu này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam là 1 trong 3 nước đầu tiên trên Thế giới phân lập, nuôi cấy thành công chủng vi rút này. Việc nuôi cấy thành công SARS-CoV-2 đã cung cấp vật liệu cho việc nghiên cứu sản xuất KIT chẩn đoán, vắc xin phòng Covid-19.

Cùng với đó, nghiên cứu sản xuất thành công bộ KIT realtime RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2. Đây là kết quả của đề tài do HVQY chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống Covid-19, trong lúc trên Thế giới chưa có nhiều nước sản xuất được bộ KIT này. Chỉ trong thời gian 01 tháng (bình thường phải mất 30-36 tháng mới có thể có sản phẩm), với sự nỗ lực rất lớn của HVQY, Công ty Việt Á, ngày 07/3/2020, bộ KIT đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, sau đó được Vương quốc Anh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE). Đến nay, đã cung cấp cho cả nước hàng triệu test, và tặng các nước bạn như Lào, Campuchia, Hungary, Indonesia...

Về nghiên cứu sản xuất vắc xin, chỉ sau 06 tháng, được Bộ KH&CN giao chủ trì đề tài nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19, với sự cố gắng rất lớn, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược (Nanogen), sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý, các Viện nghiên cứu, nhà khoa học, Trường đại học, đến nay sản phẩm vắc xin đầu tiên Nanocovax phòng Covid-19 đã được phép thử lâm sàng giai đoạn 1 trên người. Trong khi đó thời gian bình thường để sản xuất 1 loại vắc xin phải cần từ 10 đến 15 năm. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về công nghệ sản xuất vắc xin của Việt Nam, khi vắc xin của Việt Nam là 1 trong 50 vắc xin trên thế giới được phép thử lâm sàng trên người. Hiện nay, việc thử nghiệm vắc xin đang được tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt tại HVQY. Nếu thuận lợi, cuối năm 2021 vắc xin này có thể được sử dụng để phòng Covid-19.

Cũng theo GS.TS. Đỗ Quyết, sau 05 tháng triển khai, đến nay Nanogen đã sản xuất thành công kháng thể đơn dòng kháng SARS-CoV-2. Trên cơ sở đó, Nanogen đã bào chế được 03 dạng sản phẩm: Thuốc tiêm, thuốc xịt mũi họng và thuốc nhỏ mắt. Cả 03 sản phẩm đã được nghiên cứu, thử nghiệm theo quy trình nghiêm ngặt và đang tiến hành các thủ tục để thử lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19.

Với vai trò đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện nhũng người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế...

Cùng với đó, hỗ trợ binh chủng Hóa học nghiên cứu, chế tạo các trang thiết bị khử khuẩn tiêu độc cỡ lớn, có thể tiêu độc, khử trùng trên diện rộng. Ngoài ra, Bộ KH&CN còn hỗ trợ một số nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo Robot vận chuyển trong khu cách ly; sản xuất KIT realtime RT-LAMP, đặc điểm hệ gen người Việt Nam mắc bệnh Covid-19; Tổng hợp các công bố khoa học quốc tế mới nhất về SARS-CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng, chống dịch; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch với 102.300 khẩu trang nano, 22.525 khẩu trang N95 và 960 bộ quần áo bảo hộ y tế trang bị cho cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai; huy động hiệu quả mạng lưới đại diện KH&CN tại các nước để cung cấp thông tin về cách thức kiểm soát dịch bệnh, cũng như tìm hiểu các nghiên cứu mới liên quan đến phát hiện, chuẩn đoán và điều trị cho người bị Covid-19 của nước sở tại nhằm kết nối các nhóm nghiên cứu trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ sản phẩm phòng, chống dịch; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…);…

“Kích hoạt” tinh thần sáng tạo

Để có được những thành công nói trên, có rất nhiều nguyên nhân. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Bí thư, Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có những chỉ đạo rất quyết liệt và kịp thời đối với ngành KH&CN ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch. Thực hiện ý kiến chỉ đạo, cùng với sự năng động, sáng tạo và nỗ lực không ngừng, ngành KH&CN đã tích cực huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN khẩn trương triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phòng, chống dịch theo phương châm “chống dịch như chống giặc".

Chia sẻ về nguyên nhân thành công, GS.TS. Đỗ Quyết cho rằng, chúng ta đã thành công một cách rất Việt Nam, rất riêng. “Vai trò, tính chủ động, tính sáng tạo, tính sớm, tính quyết liệt của Bộ KH&CN đã được nhắc nhiều trong thời gian qua, tôi muốn nhấn mạnh một điều, đó là Bộ KH&CN đã rất thành công trong việc kích hoạt tiềm năng của cơ sở nghiên cứu. Bộ giao cho 4-5 đơn vị cùng sản xuất kit xét nghiệm. Chúng tôi buộc phải thực hiện theo đúng lệnh của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, chạy ngày chạy đêm để trong 01 tháng có sản phẩm”, GS.TS. Đỗ Quyết nhấn mạnh.

Cùng với đó là sự đầu tư lâu dài, bài bản, đúng hướng, có hiệu quả cho KH&CN. Thực tế, HVQY đã được Bộ KH&CN đầu tư nhiều nhiệm vụ KH&CN liên quan sản xuất KIT; Công ty Việt Á đã được Bộ đầu tư các dự án sản xuất KIT chẩn đoán; Công ty Nanogen đã được hỗ trợ nghiên cứu công nghệ protein tái tổ hợp. Những kết quả nghiên cứu trước đó đã tạo nền tảng về KH&CN cho những thành công nhanh chóng vừa qua.

Sản phẩm KIT realtime RT-PCR xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y thực hiện trong một tháng kể từ khi được đặt hàng

Chia sẻ về điều này, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt cho rằng, thành công này dựa trên nền tảng đã có, liên kết chân kiềng giữa Bộ KH&CN – HVQY– Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã được hình thành trước đó. Khi có việc cần thì chỉ cần khớp vào là có thể vận hành, vì vậy mà trong vòng 1 - 2 tuần nhóm có được sản phẩm. Một điều quan trọng thực sự, đó là sự quyết liệt và tạo điều kiện của Bộ KH&CN. Nếu thực sự Bộ KH&CN không tạo điều kiện, không quyết liệt thì liên kết này cũng sẽ khó.

Một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên thành công nữa là chúng ta có đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, đã được đào tạo thông qua các nhiệm vụ KH&CN được Bộ KH&CN giao chủ trì hoặc tham gia thực hiện. Các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại hóa. Cũng phải kể đến sự tham gia rất tích cực, quyết liệt của các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt là các doanh nghiệp theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”; sự phối hợp rất chặt chẽ của các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu.

Bằng sự năng động sáng tạo, với tinh thần chống dịch như chống giặc, có thể nói các sản phẩm KH&CN được tạo ra đạt chất lượng cao và đi vào phục vụ công cuộc phòng, chống dịch. Các sản phẩm rất đa dạng với sự tham gia phối hợp của nhiều Bộ, ban ngành, các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực dịch tễ học, virus học, sinh học phân tử, chế tạo máy, công nghệ thông tin… Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phòng, chống dịch Covid-19 cũng như kết quả nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian ngắn vừa qua cho thấy sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và xã hội, các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các "bài toán" của đất nước, giải quyết nhu cầu, bài toán cụ thể, cấp thiết của xã hội.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên