Bản in
Cục Công tác phía Nam: 40 năm xây dựng và phát triển
Khu vực phía Nam là địa bàn chiến lược và năng động. Những lợi thế về địa lý, chính trị, tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn lực dồi dào là những điểm nổi bật của khu vực. Thực tế khách quan dẫn đến cơ hội tận dụng nguồn lực và phát triển mạnh mẽ trong việc chuyển hóa và gắn kết các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) vào phát triển xã hội. Điều này cho thấy vai trò quan trọng và thiết yếu của Cục Công tác phía Nam (CTPN) trong các hoạt động kết nối, tuyên truyền và lan tỏa thông tin KH&CN

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh như trên tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Cục CTPN diễn ra ngày 04/01/2021 tại TP. Hồ Chí Minh.

Vai trò “đại sứ” với thành tựu nổi bật

Tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục CTPN Phạm Xuân Đà cho biết, Cục CTPN tiền thân là “Văn phòng Bộ phận miền Nam”  thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đặt tại TP. Hồ Chí Minh, được thành lập theo Quyết định số 105-QĐ ngày 29/3/1980. Bốn mươi năm qua, Cục CTPN đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong quá trình phát triển Nhưng với tinh thần làm việc hăng say, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ của Cục CTPN qua các thời kỳ, Cục CTPN đã không ngừng vươn lên đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Trong công tác quản lý nhà nước về KH&CN, Cục CTPN đã tích cực tiến hành điều tra, khảo sát nắm bắt thực tiễn hoạt động KH&CN khu vực phía Nam, tổng hợp thông tin và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Lãnh đạo Bộ tình hình hoạt động các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ tại khu vực. Cục đã tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, chính sách và biện pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN cho vùng kinh tế năng động phía Nam. Cùng với đó, Cục đã đề xuất và phối hợp triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia, chương trình nông thôn miền núi tại phía Nam.

Cục trưởng Cục Công tác  phía Nam Phạm Xuân Đà chia sẻ tại buổi Lễ

“Cục CTPN có vai trò như “đại sứ” nhằm kết nối, phối hợp với các Sở KH&CN, viện, trường, doanh nghiệp nhằm đưa nhanh các chủ trương, chính sách KH&CN đến với cơ sở. Với tầm quan trọng của KH&CN là động lực phát triển, là quốc sách hàng đầu, Cục CTPN đã kết nối triển khai các hoạt động quản lý tại vùng kinh tế năng động nhất cả nước - TP. Hồ Chí Minh”, ông Phạm Xuân Đà cho hay.

Hiện nay, Cục CTPN đang đẩy mạnh việc kết nối, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo đến với viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Thí điểm triển khai cơ chế chính sách về hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia, phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, an toàn giao thông; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ thành lập 30 doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực quản trị tài sản trí tuệ, tham gia các chương trình KH&CN quốc gia do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý như Chương trình Năng suất chất lượng, Chương trình quản trị tải sản trí tuệ.

Trong công tác triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, Cục CTPN đã tích cực tham gia và hoàn thành: nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư với Trung Quốc, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ; hoàn thành nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Tham gia góp ý cho Bộ KH&CN xây dựng “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2014 - 2019.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trao Bằng khen cho Cục CTPN

Với những kết quả đạt được, Cục CTPN đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác giai đoạn 2006–2008; Huân chương lao động hạng 3 cho thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2008 đến năm 2012; Cờ thi đua của Bộ KH&CN tặng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2011; Cờ thi đua của Bộ KH&CN tặng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN năm 2020 về thành tích trong hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, góp phần vào sự phát triển của Bộ KH&CN.

Nguyên Cục trưởng Cục CTPN Bùi Văn Quyền cho biết: 40 năm xây dựng và phát triển, trải qua các thời kỳ, thực hiện các nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, Cục CTPN đã có những bước đi thăng trầm từ những ngày đầu còn nhiều gian khó. Trong suốt 40 năm qua, Cục CTPN đã nỗ lực gặt hái nhiều thành công được Lãnh đạo Bộ ghi nhận. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, đóng góp công sức, trí tuệ của tập thể cán bộ Cục CTPN và đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ KH&CN để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tại buổi Lễ, đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ khẳng định rằng, thời gian qua, Cục CTPN đã thực hiện tốt vai trò “đại sứ” kết nối, phối hợp với các Sở KH&CN nhằm đưa các chủ trương, chính sách KH&CN đến với cơ sở. Đặc biệt, Cục CTPN đã thể hiện tốt vai trò làm đầu mối liên kết vùng, kết nối các sở KH&CN phía Nam nhằm đẩy mạnh các hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và của từng địa phương nói riêng.

PGS.TS. Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Cục CTPN đã phát huy tốt vai trò đầu mối của Bộ KH&CN thực hiện công tác quản lý nhà nước về KH&CN, là “cánh tay nối dài” của Bộ KH&CN tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, Cục CTPN đã làm tốt vai trò là đầu mối tổ chức các nhiệm vụ thí điểm triển khai cơ chế chính sách về KH&CN tại khu vực phía Nam, kết nối, phối hợp với các sở KH&CN, viện, trường, doanh nghiệp để đưa nhanh các chủ trương, chính sách KH&CN đến với cơ sở.

Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên gia, cố vấn cao cấp của Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ, Viện trưởng Viện KH&CN Bùi Văn Ngọ cho biết, hiện nay, Viện đã và đang triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm phục vụ tự động hóa, cơ khí hóa nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian qua, Viện đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của Cục CTPN. Ông Nguyễn Thể Hà bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Cục CTPN nói riêng và của Bộ KH&CN nói chung để triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển của Viện, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát huy vai trò đầu mối kết nối, lan tỏa KH&CN

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Khu vực phía Nam là địa bàn chiến lược và năng động của một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Khu vực phía Nam chiếm 23% diện tích và 37 % dân số cả nước với 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thu hút 57,5% FDI của cả nước. Những lợi thế về địa lý chính trị cộng thêm tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn lực dồi dào là những điểm nổi bật của khu vực. TP. Hồ Chí Minh cũng là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước, là nơi kết nối với thị trường nước ngoài thông qua cảng biển, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, khu vực phía Nam còn có hàng nghìn km đường thủy nội địa, giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải rộng khắp khu vực. Thực tế khách quan dẫn đến cơ hội tận dụng nguồn lực và phát triển mạnh mẽ trong việc chuyển hóa và gắn kết các hoạt động KH&CN vào phát triển xã hội. Điều này cho thấy vai trò quan trọng và thiết yếu của Cục CTPN trong các hoạt động kết nối, tuyên truyền và lan tỏa thông tin KH&CN.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt biểu dương tinh thần xung kích và nhiệt huyết của tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Cục phía Nam trong những năm vừa qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực như liên kết và kết nối các tổ chức trong và ngoài nước về hoạt động chuyển giao KH&CN; phối hợp các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học khu vực, quốc gia và quốc tế; tổ chức các khóa tập huấn về hoạt động quản lý KH&CN, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; tham gia các hoạt động chương trình KH&CN quốc gia do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý.

Trong thời đại KH&CN phát triển với tốc độ rất nhanh và sự thay đổi nhanh chóng các học thuyết kinh tế phát triển xã hội, Cục CTPN giữ vai trò quan trọng, là cánh tay nối dài nhằm cụ thể hóa các định hướng của Bộ KH&CN tại khu vực phía Nam. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ tin tưởng, với thế mạnh trong công tác địa phương về nhân tố con người, thực tiễn xã hội và khối lượng thông tin lớn về khu vực sẽ giúp Cục CTPN tiếp tục triển khai thành công các hoạt động quản lý được phân quyền từ Bộ KH&CN, tiếp tục hỗ trợ và thông tin về các chương trình hoạt động từ Bộ KH&CN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan các gian hàng

Để Cục CTPN thực sự phát huy vai trò là đầu mối triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn phía Nam, là địa bàn kinh tế năng động nhất của đất nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt gợi mở một số vấn đề để Cục CTPN triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể:

Cục CTPN cần chủ động đánh giá thực tiễn triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ trong việc đề xuất, tham mưu Lãnh đạo Bộ xây dựng, triển khai các chính sách nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của KH&CN phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Cục CTPN phát huy vai trò đầu mối để liên kết các tỉnh trong vùng hoặc các tiểu vùng để triển khai các nhiệm vụ KH&CN chung, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam mà đầu mối chính là TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, Cục CTPN phải chủ động hơn nữa phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cũng như các đơn vị của Bộ trong việc thúc đẩy sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở các tỉnh phía Nam, tăng cường năng lực kết nối với không chỉ Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia mà còn với các Hệ sinh thái trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ mong muốn Cục CTPN chủ động nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ phổ biến, cung cấp thông tin cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học để giai đoạn tới huy động được nhiều hơn lực lượng khoa học tham gia các chương trình quốc gia, giải quyết các bài toán lớn của đất nước. Hơn nữa, lãnh đạo Bộ mong tiếp tục nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ nhiều hơn từ lãnh đạo các sở, ngành, các tổ chức KH&CN địa phương các trường đại học, viện nghiên cứu trong công tác phối hợp, nhằm giúp cho Cục hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước, Bộ KH&CN giao phó trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: Đăng Minh