Bản in
Dấu ấn nổi bật của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam năm 2020
Trong năm 2020, mặc dù gặp những khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cũng như thúc đẩy ứng dụng, sản xuất, dịch vụ, trong đó tiếp tục ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp.

Nhiều đóng góp cho khoa học và kinh tế xã hội

Tại lễ tổng kết hoạt động năm 2020 của VINATOM diễn ra vào chiều ngày 30/12/2020, Phó Viện trưởng VINATOM Trần Ngọc Toàn đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật về hoạt động nghiên cứu, triển khai và dịch vụ của Viện trong năm 2020. 

Số lượng công bố quốc tế của VINATOM tiếp tục tăng lên, trong năm 2020 toàn Viện có 91 công trình (trong đó 68 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI có chỉ số ảnh hưởng - Impact Factor cao), tăng lên khoảng 28% so với năm 2019 (có 71 công trình quốc tế, 57 công trình ISI), và tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2016. Hình 2 thể hiện số công trình công bố quốc tế liên tục tăng lên trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua. Nhiều công trình nghiên cứu của các cán bộ trong Viện đã được công bố ở các tạp chí quốc tế có uy tín như Physical Review Letters, Physics Letters B, Physical Review C, Physical Review D, Nuclear Physics A, Nuclear Science and Engineering, Nuclear Engineering and Design, Nuclear Engineering and Technology, Journal of Environmental Management, Polymer, …

Doanh thu sản xuất dịch vụ trong toàn Viện năm 2020 tiếp tục tăng lên so với 2019 (liên tục tăng trong suốt thời kỳ 2016-2020), đạt ước tính khoảng 319,86 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực: sản xuất dược chất phóng xạ, dịch vụ chiếu xạ, dịch vụ an toàn bức xạ, kiểm tra đánh giá không phá huỷ, dịch vụ phân tích, đánh giá môi trường, đào tạo nhân lực..

Cùng với đó, sản xuất dược chất phóng xạ đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong nước cho chẩn đoán và điều trị ung thư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và không nhập khẩu được dược chất từ nước ngoài (do không có các chuyến bay).

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM nhấn mạnh, thành công nổi bật trong năm 2020 của VINATOM là Lò hạt nhân Đà Lạt đã vận hành gần 4300 giờ, tăng 48% so với năm 2019 (gấp 3 lần so với trung bình trong giai đoạn 2010-2019) để sản xuất dược chất phóng xạ, đáp ứng nhu cầu (80-100%, thời điểm Quý II đáp ứng 100%). Viện đã cung cấp hơn 1.300 Ci các loại đồng vị phóng xạ, trong đó 977 Ci sản xuất trên lò phản ứng Đà Lạt (tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2015-2019) và xuất khẩu được 6,0 Ci sang Campuchia để giúp nước bạn dùng trong các cơ sở y học hạt nhân. Để đạt được kết quả này, đội ngũ cán bộ vận hành lò đã nỗ lực với các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phân tích và tính toán lại, đưa ra các quy trình sản xuất đồng vị mới. Điều này chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ các vấn đề về khoa học, kỹ thuật và công nghệ để sản xuất các loại dược chất cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu khi có lò nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất dược chất tại lò hạt nhân Đà Lạt đã nâng cấp (với kinh phí tự có) để lần đầu tiên có được chứng chỉ GMP của Bộ Y tế (tháng 6/2020) và visa lưu hành dược chất phóng xạ (trước đây chỉ có giấy phép và xin thủ tục gia hạn hàng năm). Kết quả vận hành lò liên tục để sản xuất dược chất đáp ứng nhu cầu trong nước cũng là kết quả cao nhất từ trước đến nay, kể từ khi bắt đầu vận hành lại lò Đà Lạt ngày 20/03/1984. Đặc biệt, giá thành dược chất từ lò Đà Lạt chỉ khoảng ¼ giá dược chất nhập khẩu, đã thực sự hỗ trợ tốt cho những bệnh nhân bị ung thư.

Báo cáo tổng kết của Viện cũng cho biết, chiếu xạ kiểm dịch phục vụ xuất khẩu hàng hoá tiếp tục giữ vai trò quan trọng và tăng lên trong năm 2020, trong đó dây chuyền chiếu xạ Đà Nẵng tiếp tục vận hành tốt phục vụ chiếu xạ xuất khẩu. Đặc biệt, 2 trung tâm trực thuộc Viện là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ đã hỗ trợ, chia sẻ cùng đất nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh chưa có tiền lệ như: Chiếu xạ miễn phí các dụng cụ y tế và khẩu trang kháng khuẩn, thiết bị bảo hộ... bên cạnh việc vận hành an toàn và tăng thời lượng chiếu phục vụ xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu góp phần vào nguồn thu ngoại tệ cho đất nước trong bối cảnh thế giới cách ly trên diện rộng tại một số thời điểm.

VINATOM cũng đã đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt chú trọng việc mua nguồn Cobalt-60 cho Việt Nam từ Ấn Độ. Phối hợp giữa hai bên trong việc sử dụng tàu quân sự Ấn Độ để vận chuyển thành công nguồn Cobalt-60 về Việt Nam cho các đơn vị trực thuộc Viện. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã nâng cấp dây chuyền sản xuất dược chất và đã nhận được chứng chỉ GMP của Bộ Y tế cho phép sử dụng dược chất FDG-18 phục vụ chẩn đoán ung thư ở các bệnh viện khu vực Hà Nội.

Việc đưa kỹ thuật hạt nhân đánh giá không phá huỷ vào các công trình công nghiệp đã được đẩy mạnh đưa doanh số dịch vụ và đào tạo của lĩnh vực này tiếp tục tăng lên trong năm 2020. Trong lĩnh vực này, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã triển khai thành công kỹ thuật hạt nhân và tiếp tục cung cấp dịch vụ khảo sát thành phần thép carbon trong mối hàn thép không gỉ của dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau khi sự số nổ đường ống trong khi nhà máy vận hành thử chưa tìm được phương pháp và kỹ thuật đáp ứng để tìm ra nguyên nhân mặc dù đã thuê các đối tác quốc tế. Việc này đã làm lợi cho nhà máy hàng chục tỷ đồng do nhà máy có giá trị khoảng 9 tỷ USD, nếu chậm hoạt động 1 tháng là thiệt hại hàng chục triệu USD.

VINATOM đã thực hiện tốt các đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình KC.05/16-20. Trong đó có những đề tài quan trọng như tính toán phát tán phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc (sự cố giả định) trong môi trường không khí và môi trường biển; nghiên cứu tính toán để mở kênh nghiên cứu mới tại lò phản ứng Đà Lạt; chế tạo thành công buồng Gamma cho Viện Di truyền nông nghiệp, chế tạo các dược chất phóng xạ mới phục vụ điều trị ung thư. Bắt đầu triển khai ứng dụng sản phẩm công nghệ bức xạ và vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp hữu cơ (triển khai tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quãng Ngãi, Cà Mau), đạt một số kết quả khả quan. Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã trúng thầu Quốc tế, đã và đang thực hiện Hợp đồng “Cung cấp nhân lực, thiết bị, chất đánh dấu khảo sát khí condensate mỏ Sư tử trắng” với Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC). Hợp đồng này kéo dài trong 2 năm, được thực hiện từ tháng 10/2020.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của VINATOM

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất và dịch vụ khác của các đơn vị trực thuộc Viện như đo kiểm soát liều cá nhân, đào tạo cấp chứng chỉ an toàn bức xạ, chuẩn và kiểm tra kiểm định chất lượng thiết bị, kiểm tra và chuẩn liều các máy xạ trị, phân tích mẫu... đã được triển khai tốt và góp phần đưa ứng dụng NLNT vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tháo gỡ khó khăn về dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân quốc gia

VINATOM triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (RCNEST) trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 75/QĐ-TTg ngày 19/11/2018 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Hiện nay Dự án đang trong giai đoạn thu xếp nguồn vốn thực hiện Nghiên cứu khả thi (FS). Tại lễ tổng kết, các nhà khoa học, chuyên gia đã bày tỏ tâm huyết, sự quan tâm và mong muốn RCNEST sớm đi vào hoạt động.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã đánh giá cao những nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của VINATOM. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết sẽ cùng với Viện tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang gặp phải để thúc đẩy dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân quốc gia. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, sau nhiều năm chuẩn bị cho dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân quốc gia, VINATOM đã hội tụ nhiều năng lực. Trong quá trình sắp tới, Bộ KH&CN sẽ cùng VINATOM xem xét, bàn thảo để đi đến tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến triển của dự án.

Được biết, hiện nay VINATOM tiếp tục xây dựng dự án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Đến nay, Mạng lưới đã dần được hình thành, đã lắp đặt đưa vào vận hành và quản lý mạng lưới quan trắc phóng xạ bao gồm 11 trạm thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ và 01 Trung tâm điều hành (tại Hà Nội) thông qua các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, dự án tăng cường trang thiết bị, sản phẩm từ đề tài thuộc Chương trình KC.05, nhiệm vụ môi trường, nhiệm vụ/đề tài cấp Bộ và viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Viện đã bước đầu xây dựng được một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, chuyên nghiệp trong lĩnh vực quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi trường. Hiện nay, Viện đang cùng với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện dự án trang bị các thiết bị đo phóng xạ trong môi trường khí và môi trường nước do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Để có thể đạt được những kết quả thành công ngoài mong đợi trong tình hình khó khăn như năm 2020 vừa qua do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của VINATOM đã nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ chuyên môn và tích cực triển khai tốt các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các lĩnh vực khác nhau để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bài, ảnh: Lê Hà