Bản in
Cần có cơ chế thí điểm cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Sự xuất hiện của mặt hàng thuốc lá thế hệ mới đặt ra yêu cầu phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như trật tự quản lý nhà nước.

Thuốc lá thế hệ mới tràn lan chưa được kiểm soát

Mới đây, Tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, cùng với việc tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Buổi Tọa đàm được kỳ vọng để các nhà quản lý, các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực này đưa ra các ý kiến đa chiều để các Bộ, ngành liên quan tham khảo nhằm sớm tham mưu cho Chính phủ xem xét, ban hành khung pháp lý nhằm điều chỉnh loại hình sản phẩm nà, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, lành mạnh thị trường, tránh thất thu cho Nhà nước.

Hiện các tiêu chuẩn về thuốc lá ở Việt Nam đều mới chỉ được áp dụng cho sản phẩm thuốc lá truyền thống. Mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới) hiện chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật cũng như chính sách quản lý của các bộ ngành.

Thời gian qua, trên thị trường Việt Nam xuất hiện mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng với nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về việc cấm hay cho phép lưu hành mặt hàng này. Sự xuất hiện của mặt hàng này có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như đặt ra yêu cầu phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như trật tự quản lý nhà nước.

Thực tế cho thấy, hút thuốc lá là một trong những tác nhân gây hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, cùng với sự vận động của xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều loại hình thuốc lá mới đã ra đời. Tại Việt Nam, sản phẩm này đã xuất hiện ở nhiều kênh khác nhau, từ các cửa hàng truyền thống đến các website thương mại điện tử, các mạng xã hội. Hiện nay, các sản phẩm này đều được nhập lậu và kinh doanh bất hợp pháp tại Việt Nam và tần suất cũng như số lượng thu giữ qua các vụ buôn bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang tăng dần lên. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đang gặp lúng túng trong việc xử lý vì sản phẩm này chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cần có khung pháp lý

Tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, sự xuất hiện của mặt hàng thuốc lá thế hệ mới có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như đặt ra yêu cầu phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như trật tự quản lý nhà nước.

Tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó các quy định về cai nghiện thuốc lá, về cấm hút thuốc lá nơi công cộng… Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu hiện đang áp dụng cho các loại thuốc lá điếu truyền thống. Đối với thuốc lá thế hệ mới, do có nhiều sự khác biệt về đặc tính sản phẩm cũng như cơ chế hoạt động so với thuốc lá điếu truyền thống, do đó cần nghiên cứu kỹ để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.

Theo bà Liên thuốc lá nói chung và thuốc là điện tử, thuốc lá làm nóng nói riêng vừa là một loại hàng hóa trong sản xuất và kinh doanh, vừa là loại sản phẩm có tác động, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó, việc quản lý đối với loại sản phẩm này phải bảo đảm cả hai yêu cầu: quản lý đối với hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh và quản lý theo các yêu cầu, điều kiện chặt chẽ để giảm thiểu và ngăn chặn những ảnh hưởng, tác hại tới sức khỏe và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Như vậy, bên cạnh các nghiên cứu, đề xuất dưới góc độ quản lý ngành, lĩnh vực về sản xuất và kinh doanh hàng hóa, thì cần phải có những nghiên cứu, đề xuất của cơ quan y tế dưới góc độ quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo bà Trần Tuyết Trang, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm mới chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách quản lý của các Bộ, ngành. Do đó cần thiết thực hiện nghiên cứu xây dựng ban hành khung chính sách quản lý các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam.

Ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn Nông nghiệp Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Tháng 3 năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn gửi Văn phòng chính phủ liên quan đến báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả nghiên cứu và chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới. Sau khi nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ nhất trí và đề nghị cần sớm rà soát, xây dựng văn bản pháp luật, chính sách quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ở Việt Nam cho phù hợp".

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà bỏ qua giai đoạn thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Bởi lẽ, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và các cơ quan quản lý. 

Việc thí điểm sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và cơ sở chính xác để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của việc hợp pháp hóa dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm. Từ đó sẽ giúp xây dựng một khung pháp lý phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và đảm bảo dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá.

Bài, ảnh: PV