Bản in
Quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân
Hơn 10 năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được tích cực xây dựng, ban hành và thực hiện, góp phần quyết định trong việc đưa công tác quản lý và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, an ninh vật liệu hạt nhân vào nề nếp. Các sự cố mất an toàn, an ninh đối với nguồn phóng xạ đã kịp thời được phát hiện và xử lý. Nhận thức và hành động của các cơ sở tiến hành công việc bức xạ trong việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh đã được cải thiện đáng kể.

Trong khuôn khổ Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần 4 tổ chức tại thành phố Ninh Bình, chiều ngày 14/10/2020 đã diễn ra Phiên họp toàn thể với chủ đề “Quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân.” Phiên họp do ông Dương Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục ATBXHN và ông Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử VN (NLNT) làm đồng chủ toạ.

Mở đầu phiên họp, ông Đinh Ngọc Quang, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục ATBXHN đã trình bày báo cáo về “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về an toàn, an ninh trong tình hình mới”.

Ông Đinh Ngọc Quang cho biết, kể từ sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 31/NQ-QH14 ngày 25/11/2016 về việc dừng chủ trương thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chúng ta có thêm thời gian để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về an toàn bức xạ; đồng thời nghiên cứu, soạn thảo các quy định về quản lý an toàn lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới trong khuôn khổ Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân.Trong giai đoạn 2017-2019, Cục ATBXHN đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Quyết định của Thủ tướng về Kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia, Thông tư quy định về an ninh nguồn phóng xạ, Thông tư sửa đổi thông tư liên tịch về an toàn bức xạ trong y tế,… và đã ban hành được nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị bức xạ trong y tế, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và bảo đảm an toàn trong chiếu xạ y tế. Đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Là cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn bức xạ, hạt nhân, hoạt động cấp phép về an toàn bức xạ, hạt nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Cục ATBXHN. Nói về hiện trạng công tác cấp phép về an toàn bức xạ và hạt nhân, ông Nguyễn Ngọc Huynh, Cục ATBXHN cho biết, thời gian qua, Cục ATBXHN đã thực hiện tốt hoạt động cấp phép theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các ứng dụng NLNT đi vào hoạt động hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và hoạt động cấp phép đã đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay của các ngành nghề kinh tế - xã hội, đặc biệt khi các nhu cầu về tự động hóa, tối ưu hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh ngày càng tăng, nhu cầu về áp dụng các ứng dụng NLNT ngày càng nhiều và tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện nay, theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đặt ra các yêu cầu cơ quan quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì nhiều thách thức mới sẽ đặt ra với công tác cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể: vừa phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa phải bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, môi trường và cộng đồng xã hội. Yêu cầu này đặt ra thách thức với cơ quan quản lý trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời phải nâng cao chất lượng thẩm định, tăng cường kiểm tra thực tế, tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp phép cũng như việc tăng cường công tác kiểm tra, báo cáo định kỳ trong công tác này.

Tại Phiên họp các đại biểu cũng đã được nghe tham luận về công tác thanh tra chuyên ngành ATBXHN giai đoạn 2018-2020; công tác đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ và những người làm việc trong lĩnh vực bức xạ; năng lực kỹ thuật bảo đảm công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân của Cục ATBXHN. Báo cáo về công tác thanh tra, báo cáo nêu bật những kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử do Cục ATBXHN và các Sở KHCN địa phương tiến hành trong giai đoạn 2018-2020. Đồng thời Báo cáo đánh giá các kết quả đạt được, các hạn chế tồn tại trong thời gian qua và đề xuất một số định hướng cho hoạt động thanh tra ATBXHN trong giai đoạn tới.

Kết thúc phiên họp, đại diện Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, Cục ATBXHN đã trình bày về Công tác phối hợp, triển khai Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá học, bức xạ và hạt nhân ở cấp tỉnh (QĐ104/QĐ-TTg về CBRN). Báo cáo nhấn mạnh một số khó khăn trong việc triển khai Quyết định 104/QĐ-TTg tại địa phương bao gồm chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan phối hợp liên ngành là Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn và từ các bộ chủ quản; sự chồng chéo nhất định giữa các văn bản về cùng một hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố; cần thêm hướng dẫn về nội dung và thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố CBRN cấp tỉnh; thiếu nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao. Một số hoạt động đề xuất triển khai thời gian tới tại địa phương là xây dựng và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố CBRN cấp tỉnh; kiện toàn Ban chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn địa phương; xây dựng lực lượng ứng phó sự cố CBRN tại địa phương.

Lê Hà