Bản in
Xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ vững mạnh trong ngành năng lượng hạt nhân
Hội nghị khoa học và công nghệ (KH&CN) hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) lần thứ VI với 63 báo cáo giới thiệu tại Hội nghị. Đây là một sự kiện khoa học quan trọng có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy KH&CN, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình.

Từ ngày 08-09/10, tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Viện Năng lượng nguyên tử (NLNTVN) và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành NLNT lần thứ VI.

Về phía Đoàn khối các cơ quan Trung ương có đồng chí: Bùi Hoàng Tùng - Ủy viên Ban thường vụ, Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương; Nguyễn Xuân Bách – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt  Nam; đại diện: Ban Thanh niên Công nhân và đô thị Trung ương Đoàn, Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Công an, Công ty Cổ phần Công nghệ vi sinh nông nghiệp NAMIBIO. Về phía Bộ KH&CN có đồng chí: Lê Vũ Tiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Trần Xuân Bách – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Bùi Tuấn Thành – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN. Về phía đơn vị tổ chức có: Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam Trần Chí Thành; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam Phạm Quang Minh cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện NLNT Việt Nam. Hội nghị có sự hiện diện của các vị chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực NLNT: GS.TS. Trần Đức Thiệp, TS. Hoàng Anh Tuấn, TS. Võ Văn Thuận.

Các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm nghiên cứu tại Hội nghị

Tham gia Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành NLNT lần thứ VI có sự góp mặt của 63 báo cáo viên đến từ các đơn vị trực thuộc Viện NLNT Việt Nam: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Trung tâm Chiếu xạ Hà nội. Ngoài ra, Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của nhiều báo cáo viên trẻ đến từ các đơn vị ngoài Viện như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam Trần Chí Thành đánh giá việc tổ chức Hội nghị ngày một tốt hơn về quy mô và chất lượng. Các báo cáo trình bày tại Hội nghị cho thấy cán bộ trẻ đang hướng tập trung nghiên cứu tới các vấn đề quan trọng, trong đó có việc chuẩn bị nguồn lực, kỹ thuật để xây dựng lò nghiên cứu hạt nhân mới thay thế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, xây dựng mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ trên toàn quốc, y học hạt nhân, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa.

Kể từ năm 2010, Viện NLNT Việt Nam đã 5 lần tổ chức thành công Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành NLNT. Hội nghị được tổ chức hai năm một lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành NLNT Việt Nam. Hội nghị là nơi trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm cũng như sự hợp tác nghiên cứu giữa các cán bộ trẻ thuộc các đơn vị trong và ngoài Viện NLNT Việt Nam nhằm xác định phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ nghiên cứu cần thiết, góp phần xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ trong ngành năng lượng hạt nhân ngày càng vững mạnh.

Năm 2020, qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của Hội đồng khoa học, Hội nghị đã chọn được 63 báo cáo, trong đó có 38 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại 2 Tiểu ban chuyên môn và 25 báo cáo dán bảng (Posters).

Mở đầu Phiên toàn thể ngày 08/10, TS. Lê Xuân Chung, Nghiên cứu viên chính Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã trình bày Tóm tắt các kết quả gần đây trong nghiên cứu vật lý hạt nhân cơ bản của Việt Nam và cơ hội nghiên cứu thực nghiệm tại Viện NLNT Việt Nam. Bài báo cáo trình bày một số thành tựu trong nghiên cứu Vật lý hạt nhân cơ bản của Việt Nam, tóm tắt các kết quả quan trọng nhất về mặt thực nghiệm. Các vấn đề Vật lý và những điều kiện cần thiết thực hiện thí nghiệm được thảo luận. Ngoài ra, báo cáo trình bày một số kết quả nổi bật trong nghiên cứu lý thuyết. Mối quan hệ qua lại giữa nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm sẽ được thảo luận dọc theo bài báo cáo. Đặc biệt, bài báo cáo sẽ trình bày dự án thực nghiệm đầu tiên sử dụng máy gia tốc pelletron tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cùng kết quả sơ bộ ban đầu. Dự án này nhằm mục đích đo tiết diện phản ứng 10B (alpha)13C với chùm alpha có năng lượng từ 0.85-1.4 MeV.

Các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm các giống đậu tương đột biến cho năng suất chất lượng cao của Viện Di truyền Nông nghiệp 

Đến từ Viện Nghiên cứu hạt nhân, TS. Phạm Thành Minh, Nghiên cứu viên đã trình bày về vấn đề Nghiên cứu điều chế thuốc phóng xạ 32 P-chromic phosphate trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ứng dụng trong điều trị ung thư. Theo báo cáo, thuốc phóng xạ dạng hạt keo 32P-Chromic phosphate được tổng hợp trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt bằng sử dụng phương pháp tin học để nghiên cứu tối ưu hóa các thông số thí nghiệm tổng hợp và được kiểm chứng bằng kết quả nghiên cứu thực nghiệm. Hiệu suất tổng hợp và độ tinh khiết hóa phóng xạ được kiểm tra bằng phương pháp sắc ký giấy với hệ máy tự chụp Cyclone. Độ sạch hạt nhân được kiểm tra trên hệ phổ kế beta Aloka. Độ vô khuẩn thực hiện bằng phương pháp thử vô khuẩn. Nội độc tố vi khuẩn được thực hiện trên máy Endosafe-PTS 100 (Portable Test System, PTS). Kết quả đã tổng hợp được keo phóng xạ 32P-Chromic phosphate đạt hiệu suất tổng hợp (86,3%), các chỉ tiêu về độ sạch hạt nhân (99,9%), độ tinh khiết hóa phóng xạ (99,5%), nội độc tố vi khuẩn (0,066 EU/ml/kg) và sản phẩm đạt vô khuẩn. Như vậy, keo phóng xạ 32P-Chromic phosphate đảm bảo được chất lượng theo các tiêu chuẩn của dược điển Mỹ 35 trong ứng dụng điều trị ung thư.

Cùng với đó, tại Phiên toàn thể của Hội nghị đã có 3 bài trình bày của các diễn giả khách mời là các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đến từ các Viện nghiên cứu và các đơn vị trong Bộ KH&CN như: Truy xuất nguồn gốc và triển vọng nào để ứng dụng công nghệ hạt nhân, TS. Trần Quang Khải, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Công cụ hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, tạo lập, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, TS. Bùi Tiến Quyết, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ; Vai trò của phát triển doanh nghiệp KH&CN trong hội nhập quốc tế, Lương Tuấn Minh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN.

Ngoài phiên toàn thể, Hội nghị sẽ có hai phiên báo cáo chuyên đề và triển lãm giới thiệu các sản phẩm, kết quả nghiên cứu.

Bảo Chi