Bản in
Bài 2: Tiêu chuẩn Việt Nam thúc đẩy hội nhập toàn cầu
Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, tiêu chuẩn đóng vai trò thúc đẩy mọi hoạt động, lĩnh vực trong nền kinh tế. Tiêu chuẩn quốc gia luôn đồng hành, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế làm cho mọi hoạt động giao thương, chứng nhận, công nhận được thuận lợi, dễ dàng. Hiện nay, Việt Nam có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia khá đầy đủ, tương đương chuẩn mực trong khu vực. Điều này mang lại nhiều lợi ích, là chìa khóa để Việt Nam hội nhập quốc tế.

“Chìa khóa” hội nhập

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động năng suất chất lượng, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được giao chủ trì Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. 

Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đến nay có 12.000 Tiêu chuẩn Việt  Nam; tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt khoảng 56%; với 800 quy chuẩn Việt Nam tập trung vào sản phẩm hàng hóa có khả năng mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Trong đó lĩnh vực có tỉ lệ hài hòa với quốc tế cao nhất là lĩnh vực điện, điện tử và cơ khí có tỉ lệ hài hòa hơn 80%.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khu vực Châu Á cũng như Đông Nam Á khẳng định Việt Nam là nước đi đầu trong thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức đánh giá sự phù hợp như chứng nhận, giám định, công nhận liên tục phát triển và luôn luôn đứng trong top đầu Đông Nam Á hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nhìn trên bình diện chung chúng ta thấy rằng chất lượng hàng hóa Việt Nam có những sự thay đổi, bước tiến, ở một chừng mực nào đó cũng rất đáng ghi nhận sản phẩm Made in Viet Nam. Thậm chí trong một số loại hàng hóa cũng là sản phẩm được đánh giá có chất lượng cao trong thị trường toàn cầu. Với vai trò là cơ quan xây dựng một môi trường thông qua việc ban hành các chính sách để thúc đẩy chất lượng ngày càng cao của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, điều đó cho thấy Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có đóng góp khá tích cực.

Là thành viên của ISO, ITU, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thế giới mạnh mẽ hơn. Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, tiêu chuẩn đóng vai trò thúc đẩy mọi hoạt động, lĩnh vực trong nền kinh tế. Tiêu chuẩn quốc gia luôn đồng hành, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế làm cho mọi hoạt động giao thương, chứng nhận, công nhận được thuận lợi, dễ dàng. Do đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. 

Ông Adrian Goh, Giám đốc Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) khu vực Châu Á cho biết, Việt Nam là thành viên rất tích cực của ISO tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn ở rất nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, môi trường tới thành phố thông minh. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam hiện cũng đã áp dụng quy trình xây dựng và phát triển tiêu chuẩn giống với quy trình tại ISO. Hiện Việt Nam cũng đang thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn về đô thị thông minh, sản xuất thông minh, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiêu chuẩn quốc tế mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội. Việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế là chìa khóa để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công. Nhiều chương trình tiêu chuẩn hóa cấp nhà nước, ngành và đặc biệt tại các doanh nghiệp đã được thực hiện n hằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy vai trò quan trọng của tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đánh giá cao về hệ thống văn bản về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, vì bất kì một sản phẩm nào sản xuất ra đều phải được áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Các tiêu chuẩn này cũng được thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn, hội nhập với kinh tế thế giới thì mình cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn. 

Nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn hóa

Tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần rất quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hóa hiện nay của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng tới việc áp dụng các tiêu chuẩn vào quá trình sản xuất, chưa nhận thức được vai trò của tiêu chuẩn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời kì hội nhập mở cửa cho hàng hóa xuất khẩu nhưng cũng là rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Hội nhập càng sâu rộng thì rào cản kỹ thuật càng tinh vi, phức tạp và càng khó cho các doanh nghiệp. 

Công tác xây dựng tiêu chuẩn phải thay đổi để thích ứng trong thời kỳ mới

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, quá trình xây dựng tiêu chuẩn là quá trình ngoài việc chia sẻ, hấp thu tri thức, các công nghệ, các bên liên quan thì cũng phải đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan mới ban hành ra được tiêu chuẩn. Do vậy, để thực hiện đảm bảo các việc này, vừa có kiến thức kỹ năng tri thức tốt nhất trong tiêu chuẩn cũng như đạt được sự đồng thuận, để ngắn thời gian thì cũng không dễ dàng. Do đó chúng ta phải có hạ tầng của Việt Nam để thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn để thúc đẩy việc chứng nhận, thừa nhận, đưa tiêu chuẩn gần hơn với cộng đồng. Để nhận biết được sản phẩm hàng hóa này phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó đem lại lòng tin cho người tiêu dùng. 

Giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tăng cường đầu tư và vươn đến tiêu chuẩn quốc tế là chìa khóa để doanh nghiệp thành công. Vì vậy, phải nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của doanh nghiệp là giải pháp quan trọng. Đồng thời, thực hiện Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao tiêu chuẩn, cải thiện cơ sở kỹ thuật cho các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ, trước tiên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với các bên liên qua để thúc đẩy lựa chọn các nhóm tiêu chuẩn cốt lõi, chủ lực cần phải tập trung xây dựng. Thứ hai là thúc đẩy nhanh hơn việc này gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, gắn kết trường đại học với viện nghiên cứu để ra được các tiêu chuẩn có giá trị và thúc đẩy cho cộng đồng. 

Hoạt động tiêu chuẩn hóa có lịch sử hơn 5000 năm và nó luôn đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển của xã hội, từ chỗ phát triển tự phát đến phát triển có tổ chức, với sự ra đời của hàng trăm tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực, quốc gia và với sự tham gia của  hàng triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới. Như tại Anh, lợi ích kinh tế do tiêu chuẩn tạo ra mang lại tăng trưởng hang năm 8,2 tỷ USD trong GDP. Trong khi tại Canada, việc sử dụng các tiêu chuẩn tạo ra hơn 91 tỷ USD vào nền kinh tế từ năm 1981. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tiêu chuẩn Pháp (AFNO), các công ty tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa có doanh thu hàng năm tăng thêm 20%. Hiện tại, Việt Nam có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia khá đầy đủ, hài hòa với chuẩn mực quốc tế, khu vực, làm cơ sở hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu cao hơn, công tác xây dựng tiêu chuẩn phải thay đổi để thích ứng trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: Lê Hà