Bản in
Thí nghiệm 30 bộ giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại Bạc Liêu
Tại Bạc Liêu, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) đã thí nghiệm 30 bộ giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ngày 4/9, tại khóm 1, phường Láng Tròn (TX Giá Rai, Bạc Liêu) Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - Đại học Cần Thơ phối hợp với Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Bạc Liêu và Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu cùng 50 nông dân trong và ngoài tỉnh... tham dự buổi hội thảo đánh giá bộ giống lúa.

Các đơn vị tổ chức đã chọn khóm 1, phường Láng Tròn để thực hiện thí nghiệm trên diện tích 750m2 trong vụ hè thu 2020.

Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL chọn 30 giống lúa để thực hiện thí nghiệm (26 bộ giống lúa phát triển và 4 giống đối chứng gồm: IR64, IR50404, OM5451 và giống lúa địa phương).

Thời gian gieo mạ 10/5/2020, mạ được làm theo phương thức mạ khô mạ được cấy lúc 15 ngày tuổi. Tất cả các giống lúa trên được bón phân theo công thức: 80N + 40P2O5 + K2O, thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD), 03 lần lặp lại.

Diện tích mỗi ô là 8m2, với khoảng cách 20 x 20, cấy 1 tép/bụi. Thời gian sinh trưởng, diễn biến chiều cao cây và số chồi từ 14 ngày sau khi cấy đến 49 ngày sau khi cấy, sâu bệnh hại, thành phần năng suất và năng suất thực tế được theo dõi và đánh giá.

Các giống lúa được trưng bày tại hội thảo

Về tình hình sâu bệnh, các bộ giống trên xuất hiện sâu cuốn lá giai đoạn 14, 28 và 40 ngày sau khi cấy. Đối với bệnh đạo ôn thì các giống đều biểu hiện kháng rất tốt, không xuất hiện rầy nâu trong giai đoạn thực hiện thí nghiệm.

Sau khi đi quan sát cánh đồng thí nghiệm, nhiều nông dân tham gia hội thảo đã đánh giá rất cao các giống lúa, trong đó là các đặc tính giống được quan tâm nhiều về khả năng đẻ nhánh và số bông, số hạt trên bông, dạng hình cây lúa.

Kết quả đánh giá chọn giống, đa số nông dân đã chọn 3 giống lúa triển vọng về tiềm năng năng suẩt cao như: Giống số 3 (L123-2), Số 24 (L72-3) và Số 10 (L188-2).

Nông dân khảo sát các bộ giống lúa

Tại buổi hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Quang Tín, Đại học Cần Thơ cho biết: Tất cả các giống (dòng) lúa thí nghiệm do nông dân các tỉnh ĐBSCL chọn lọc từ nguồn vật liệu do Dự án Crop Trust cung cấp. Các giống đã được Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam đánh giá kháng tốt với bệnh đạo ôn và rầy nâu. Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đánh chịu hạn tốt và chịu mặn nhẹ tại vùng tôm - lúa. Các giống lúa triển vọng đã chọn tại hội thảo cần được khảo nghiệm rộng nhiều vùng trong tỉnh.

Hoạt động “Chọn giống có sự tham gia của Nông dân tại Tổ Giống Nông Phát” đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra những giống lúa thích nghi tốt ở địa phương và góp phần đảm bảo an ninh nguồn giống lúa cho sản xuất nông nghiệp tại cộng đồng.