Bản in
Trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam
"Sáng tạo và cống hiến là những điểm nhấn quan trọng nhất thông qua các hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam. Những tư liệu của khu trưng bày này cũng làm nổi bật lên những phẩm chất đáng quý của các nhà khoa học Việt Nam qua các thời kỳ. Đó là tình yêu đất nước, sự đam mê, vượt lên gian khó, hoàn cảnh… để làm khoa học".

"Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến"

Với chủ đề 'Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến', ngày 29/8, tại Huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức khai trương phòng trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam.

Đến dự có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và các đại biểu là khách quý từ trung ương và địa phương…

Đây là cuộc trưng bày đầu tiên về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam, được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 do Bộ KH&CN bảo trợ. Trong 75 năm qua, các nhà khoa học Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đã có cống hiến to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trải qua những giai đoạn khó khăn gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, sau đó cuộc sống thiếu thốn về mọi mặt trong thời bao cấp, thời bị cấm vận, các nhà khoa học vẫn không ngừng sáng tạo và cống hiến.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về KH&CN là các giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta trao tặng cho các tác giả, đồng tác giả công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế, xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, là kết quả của sự dầy công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước đã tiến hành tổ chức xét và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN 5 lần vào các năn 1996, 2000, 2005, 2010 và 2016. Đến nay đã có hàng trăm công trình, cụm công trình được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN.

Dựa trên nguồn tư liệu hiện có do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam dày công sưu tầm, trưng bày này giới thiệu 14 công trình khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh.
 
Đây là cơ hội để tìm hiểu sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời có thể hiểu vì sao họ lại có thể thành công được trong mọi hoàn cảnh như vậy.
 
Đam mê, vượt lên gian khó, hoàn cảnh… để làm khoa học
 
Thông qua những câu chuyện và hiện vật trong trưng bày, công chúng hiểu biết hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta. Chẳng hạn như: GS. Đặng Văn Ngữ nghiên cứu điều chế penicillin ở rừng núi Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp và bất chấp nguy hiểm vào miền Nam điều trị sốt rét cho thương bệnh binh; Những sáng tạo trong phương pháp cắt gan của GS. Tôn Thất Tùng đã làm rạng danh nền y học Việt Nam; những phát minh mang tính lý thuyết trong lĩnh vực toán học, vật lý, cơ học của GS. Hoàng Tụy, GS. Nguyễn Đình Tứ và GS. Nguyễn Văn Đạo khiến các nhà khoa học quốc tế trong chuyên ngành phải nể phục…
 
Đó còn là những câu chuyện về sự say mê với thiên nhiên, cây cỏ, động vật của GS. Thái Văn Trừng, GS. Đào Văn Tiến, GS. Đỗ Tất Lợi để có được những công trình khoa học để đời của họ; hoặc những hành trình gian khổ kéo dài nhiều năm, khám phá đất đá để thành lập những tấm bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản, bản đồ đất Việt Nam.
 
 
Khu trưng bày triển lãm.
 
Cuộc trưng bày này cũng giới thiệu về sự đột phá trong tư duy, sáng tạo ra những công trình ngăn sông mang lại lợi ích cho người nông dân và giúp tiết kiệm nhiều tỉ đồng cho ngân sách nhà nước; về hành trình từ một người soát vé đến một đạo diễn chèo và nâng nghệ thuật chèo lên tầm lý luận khoa học; về sự tận tâm, tận tụy của các bác sĩ cả đời gắn bó với kính hiển vi hay chiếc ống nghe để nghiên cứu giải phẫu bệnh và cứu chữa cho người bệnh.

Với chủ đề "Khoa học: Sáng tạo & Cống hiến", cuộc trưng bày 14 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này thông qua ngôn ngữ bảo tàng đã phản ánh khá sinh động một phần lịch sử khoa học Việt Nam sau năm 1945.

PGS. Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhận định, những câu chuyện giới thiệu trong trưng bày là “rất đời và rất người” chứ không chỉ là những công thức dài ngoằng, những thuật ngữ khoa học cao siêu và khó hiểu.

Trưng bày không chỉ nói về các giá trị của công trình hay nhóm công trình khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà chính là lao động sáng tạo của các nhà khoa học dẫn đến giải thưởng cao quý đó, những câu chuyện làm khoa học của họ; cả những suy tư rất đời thường mà họ đã tâm sự một cách chân thành nhất”.
 
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ghi nhận và đánh giá cao ý tưởng của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Hoạt động của Trung tâm mang ý nghĩa nhân văn rất lớn và có vai trò quan trọng trong việc truyền tới các thế hệ tương lai về một thời các nhà khoa học đã sống và cống hiến cho đất nước.

Khu vực trưng bày 14 công trình khoa học tiêu biểu là minh chứng sinh động về đóng góp của ngành khoa học Việt Nam, từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ, hay những năm thời kỳ bao cấp, khó khăn, đến khi đất nước đổi mới.

"Sáng tạo và cống hiến là những điểm nhấn quan trọng nhất thông qua các hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam. Những tư liệu của khu trưng bày này cũng làm nổi bật lên những phẩm chất đáng quý của các nhà khoa học Việt Nam qua các thời kỳ. Đó là tình yêu đất nước, sự đam mê, vượt lên gian khó, hoàn cảnh… để làm khoa học" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức lễ khai trương Tòa nhà Quyển sách mở - nơi lưu trữ di sản của các nhà khoa học và đưa những di sản đó đến với công chúng.
 
Bài, ảnh: PV