Bản in
KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực địa phương
Rất nhiều công việc, địa phương đã thể hiện tính chủ động, đi đầu giải quyết, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất khi dịch Covid-19 được khống chế

Gắn với sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế

Những năm qua, các địa phương đã nỗ lực xây dựng, cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; 

 
tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế… KH&CN ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương. 
 
Theo báo cáo của các địa phương và tổng hợp từ các đơn vị thuộc Bộ, năm 2019, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ các địa phương triển khai được gần 200 nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình như: Chương trình nông thôn miền núi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gene, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở hữu trí tuệ, cấp thiết phát sinh ở địa phương,…
 
Các nhiệm vụ tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. 
 
Hầu hết các nhiệm vụ được triển khai đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và vùng, đều là những nội dung cần quan tâm hỗ trợ ở quy mô quốc gia, chính vì thế kết quả nghiên cứu đã gắn sát với thực tiễn, có khả năng ứng dụng ngay trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, nâng cao được giá trị của các sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, một số sản phẩm tiếp tục mang lại giá trị kinh tế cao nhờ được hỗ trợ đồng bộ theo chuỗi, giá trị thương hiểu sản phẩm ngày càng được nâng cao, được coi là sản phẩm chủ lực của tỉnh và Vùng như: chè hoa vàng, hà thủ ô (Cao Bằng); chè (Thái Nguyên); nhãn, xoài, rau ở Sơn La, cam, quýt (Hòa Bình, Hà Giang); thủy - hải sản (Phú Yên; Khánh Hòa; Cà Mau; BR-VT...), sản phẩm tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long...
 
Mở rộng liên kết theo chuỗi
 
Các địa phương vẫn tiếp tục dành khoảng 70% kinh phí sự nghiệp KH&CN từ ngân sách nhà nước để chi hỗ trợ cho hoạt động nghiên ứng dụng và phát triển công nghệ. Theo báo cáo, hoạt động này được triển khai theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội theo chuỗi giá trị sản phẩm, hướng tập trung ưu tiên vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương nên đã phát huy được kết quả nghiên cứu ứng dụng. Một số kết quả tiêu biểu theo các lĩnh vực:
 
Kết quả của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH&CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuối giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.
 
Khoa học tự nhiên, tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học quan trọng của thực tiễn điều kiện tự nhiên, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học, khí hậu - thủy văn làm căn cứ hoạch định định hướng phát triển. 
 
Khoa học kỹ thuật và công nghệ, tập trung việc nghiên cứu hoàn thiện và phát triển các sản phẩm mới của doanh nghiệp, sản phẩm có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Trong đó, chú trọng việc đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá. Nhiều địa phương ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất gạch cốt liệu không nung để thay thế cho gạch nung truyền thống; sản xuất cát nghiền thay thế cát khai thác tự nhiên từ sông suối; ứng dụng công nghệ sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, sức gió thay thế một phần năng lượng từ nhiệt điện hoặc thủy điện.
 
Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được triển khai khá toàn diện trên các mặt đời sống, xã hội, con người nhằm cung cấp các luận chứng, cơ sở khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, các nghiên cứu còn quan tâm đến đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; đưa các mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy mới vào ứng dụng trong hệ thống các trường học; đưa ra giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống. 
 
Với mục tiêu làm chủ và phát triển y tế kỹ thuật cao kết hợp sử dụng vốn quý của nền y học cổ truyền Việt Nam, tạo ra tiềm lực KH&CN trong lĩnh vực y tế tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực y - dược đã được quan tâm đầu tư tập trung vào nghiên cứu, đề xuất giải pháp chuyển giao các kỹ thuật công nghệ, giải pháp phòng và điều trị các bệnh trong y tế cộng đồng. Đặc biệt, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong phát triển dược liệu những năm gần đây được rất nhiều địa phương quan tâm; đã có nhiều dự án trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu được thực hiện, bước đầu đem lại giá trị kinh tế lớn ở Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng,…
 
Bài, ảnh: PV