Bản in
Mekong Innovation Hub: hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp-khởi nghiệp
Mới thành lập từ năm năm 2020, Mekong Innovation Hub tập trung vào các hoạt động truyền thông, hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp-khởi nghiệp.

Tiềm năng phát triển lớn

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn, đã nhen nhóm xuất hiện khoảng 10 năm gần đây và được xem như có 3 giai đoạn phát triển. 
 
Tuy nhiên, chỉ 4 năm gần đây sau khi Chính Phủ ban hành chương trình khởi nghiệp quốc gia thì hoạt động khởi nghiệp mới thực sự bùng nổ, và được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là một trong những thị trường sôi động nhất của khu vực Đông Nam Á, tạo sự hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới.
 
Năm 2016, được Thủ tướng Chính phủ chọn là Năm Khởi nghiệp Quốc gia và cũng trong năm này, hệ sinh thái khởi nghiệp đã chứng kiến sự ra đời của lượng lớn các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như các khu không gian làm việc chung, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo khởi nghiệp.
 
Để tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số quy định pháp luật liên quan, nhằm hỗ trợ, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có đề án 844/QĐTTg ngày 18/5/2016 về việc “ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025”; Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 về việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây là những tín hiệu vui cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và giới trẻ Việt Nam. 
 
Tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế trong nông, ngư nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ … Bến Tre có nhiều thuận lợi lớn với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt có Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Khởi nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thúc đẩy xây dựng các chính sách và tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp. Bắt đầu từ tháng 4/2016, Tỉnh ủy Bến Tre phát động chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh (Chương trình 10 của Tỉnh ủy) với mục tiêu:
 
Thứ nhất là tạo môi trường kinh doanh tốt nhất để các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển các loại hình kinh doanh; thứ hai là nuôi dưỡng các doanh nghiệp, các hình thức kinh doanh đã hình thành trên địa bàn tỉnh qua nhiều năm để phát triển lên quy mô lớn hơn; và thứ ba là tập trung giảm nghèo bền vững, tạo thu nhập, nâng cao mức sống của người dân.
 
Qua 4 năm thực hiện Chương trình 10, toàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, thi sáng tạo khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo khởi nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Hoạt động kết nối hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động khởi nghiệp giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Đến nay toàn tỉnh đã có 2.075 doanh nghiệp thành lập mới, lũy kế toàn tỉnh có 4.475 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 39.926,7 tỷ đồng; 18.761 hộ kinh doanh cá thể thành lập mới, lũy kế 49.618 hộ kinh doanh cá thể, tổng vốn đăng ký 6.403 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 104 hợp tác xã thành lập mới, lũy kế 150 hợp tác xã với 40.718 thành viên, tổng vốn điều lệ 306.382 tỷ đồng.
 
Có thể thấy rằng, việc thành lập và vận hành hiệu quả một mô hình không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ là hạt nhân để quy tụ và phân bổ nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách có hệ thống, để từ đó là bước đệm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và có chiều sâu của hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương. Xuất phát từ vấn đề trên, Cuối năm 2019, UBND cho phép thành lập Không gian Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre.
 
Một số kêt quả…
 
Trong 05 tháng đầu năm 2020 sau khi thành lập, Mekong Innovation Hub tập trung vào các hoạt động truyền thông, hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp-khởi nghiệp, cụ thể: Đã tổ chức hơn 10 sự kiện/hoạt động để giới thiệu đến Cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Công bố và triển khai chương trình ươm tạo KN-ĐMST tỉnh Bến Tre; tổ chức gặp gỡ Mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp lần III-2020; triển khai chương trình đào tạo ĐMST cho các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh).
 
 
Xây dựng kế hoạch phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng và phân hiệu ĐHQG-HCM tại Bến Tre tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo cho học sinh-sinh viên tại Mekong Innovation Hub; hiện trường Cao đẳng Bến Tre đang tổ chức chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên kéo dài 06 tuần liên tục gắn trải nghiệm môi trường khởi nghiệp thực tế (có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp).
 
Làm việc với Hanwha Dreamplus (bộ phận chuyên trách hỗ trợ khởi nghiệp của Tập đoàn Hanwha-Hàn Quốc) về các hoạt động hợp tác thúc đẩy KN-ĐMST trên địa bàn tỉnh Bến Tre; đang trao đổi, thống nhất dự thảo MOU.
 
Đang triển khai xây dựng ấn phẩm giới thiệu Mekong Innovation Hub; gắn với truyền thông đến cộng đồng khởi nghiệp qua các kênh khác nhau (trên hệ thống led trục Đại lộ Đồng Khởi; Fanpage; Website,...).
 
 Đã tổ chức làm việc, mời gọi các doanh nghiệp khởi nghiệp phù hợp đến làm việc tại Mekong Innovation Hub (đến nay, thường xuyên có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp các lĩnh vực thường xuyên đến làm việc); làm việc với các chuyên gia của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Đại học Quốc tế - ĐHQG-HCM về phối hợp, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm và triển khai hoạt động đào tạo.
 
Bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động khởi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre cũng gặp một số khó khăn do vị trí của Mekong Innovation Hub còn nằm tách rời với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; xa khu trung tâm của thành phố Bến Tre; không gian xung quanh chưa được đầu tư các hạng mục phụ trợ nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đến nghiên cứu, làm việc thường xuyên; 
 
Ngoài cơ sở vật chất hiện có (khu văn phòng Ban Điều hành; hội trường; không gian làm việc chung; phòng họp) thì Mekong Innovation Hub chưa có những yếu tốt để thu hút doanh nghiệp/chuyên gia đến làm việc, nghiên cứu (phòng nghiên cứu; khu thực nghiệm,...). Chưa có nhân sự chuyên trách am hiểu sâu về khoa học công nghệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khi đến làm việc tại Mekong Innovation Hub, nhất là hỗ trợ trong việc nghiên cứu, đánh giá, kiểm tra, phát triển sản phẩm.
 
Mekong Innovation Hub cũng kiến nghị cần có đẩy mạnh triển khai các hoạt động; tổ chức giao ban định kỳ hàng quý; Xem xét đưa hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên tài nguyên bản địa của Mekong Innovation Hub nhằm tăng cường nguồn lực, kinh nghiệm trong triển khai, vận hành. Nếu được chấp thuận; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút và mời chuyên gia có kinh nghiệm về hỗ trợ nghiên cứu, làm việc tại Mekong Innovation Hub...
 
Bên cạnh đó Mekong Innovation Hub cũng đề xuất với Bộ KH&CN hỗ trợ chuyên gia đào tạo, tập huấn kiến thức, tham gia tổ chức, hướng dẫn các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương, triển khai các cơ chế, chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cách thức tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Bộ KH&CN; Xây dựng phương hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng liên kết vùng và kết hợp doanh nghiệp địa phương với cơ quan, các trường, viện nghiên cứu nhằm phát triển các giải pháp tổng thể hướng tới các mô hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại địa phương; Tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng kênh thông tin trực tuyến về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre….
 
Bài, ảnh: PV