Bản in
Thành lập Viện Nghiên cứu công nghệ Plasma đầu tiên của Việt Nam
Sự ra đời của Viện Nghiên cứu công nghệ plasma (ARIPT) đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một tổ chức khoa học công nghệ thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về các ứng dụng của công nghệ plasma.

Viện ARIPT chính thức thành lập vào ngày 22 tháng 4 năm 2020 theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số C-05/2020/ĐK-KH&CN do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp.

Với mục tiêu mở rộng hơn nữa các nghiên cứu ứng dụng về công nghệ plasma lạnh và đưa các nghiên cứu đó đến gần với cuộc sống hơn, Viện ARIPT đã được thành lập. Mục tiêu hoạt động chính của Viện Nghiên cứu công nghệ Plasma là thực hiện các hoạt động nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực vật lý plasma và chất lỏng; các hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ; tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ; các hoạt động sản xuất và dịch vụ thương mại hoá sản phẩm là kết quả nghiên cứu nhằm phát huy tối đa giá trị ứng dụng của Vật lý Plasma và chất lỏng.

Plasma là trạng thái thứ 4 của vật chất (ngoài 3 thể thường gặp là rắn, lỏng và khí), trong đó các chất bị ion hóa mạnh. Công nghệ Plasma được đánh giá có khả năng vượt qua các giới hạn mà công nghệ khác khó đạt được. Chẳng hạn, vật lý plasma được dùng để làm ra các thiết bị chiếu sáng, chế tạo chip điện tử, công nghệ sơn... trong nhiều hãng điện tử nổi tiếng, bao gồm Samsung và Panasonic. Y học plasma cũng đã được sử dụng trong điều trị lâm sàng tại Đức để chữa các vết thương chậm liền, nhiễm khuẩn. Gần đây, plasma lạnh còn được ứng dụng trong việc bảo quản lưu trữ hạt giống hoặc xử lý trước khi gieo trồng, cải thiện tỷ lệ nảy mầm và thúc đẩy sự tăng trưởng của cây con.

Tại Việt Nam, công nghệ plasma lạnh được biết đến nhiều trong lĩnh vực y tế. Một số tổ chức KH&CN đã bắt đầu có những nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng công nghệ plasma vào khoa học vật liệu và môi trường. Tuy nhiên, nhìn chung, việc nghiên cứu trong nước vẫn chưa được phổ biến, một phần do nghiên cứu loại này đòi hỏi trình độ công nghệ cao và nhiều thiết bị đắt tiền mà ít phòng thí nghiệm được trang bị.

Viện ARIPT do TS. Nguyễn Thế Anh làm Viện trưởng và TS. Đỗ Hoàng Tùng - Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn. Đây là 2 nhà khoa học ghi dấu ấn nhờ việc đưa công nghệ plasma vào điều trị vết thương hở tại Việt Nam. Cả 2 đều đang làm việc tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Viện ARIPT được thành lập và đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, khai thác công nghệ plasma lạnh, từ đó tạo ra giá trị cho cộng đồng cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

PV