Bản in
Chính phủ công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019
Ngày 19/5, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019).

Đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2019 cấp Trung ương gồm 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 02 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại. Ở địa phương, đánh giá, xếp hạng cả 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 các bộ tập trung vào 2 nhóm điểm:
 
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 03 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp.
 
Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y Tế và Bộ Giao thông vận tải.
 
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85.63%, tăng 2.95% so với năm 2018 (giá trị trung bình năm 2018 là 82.68%).
 
Năm 2019 không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với kết quả là 95.40%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 80.53%.
 
16/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2018, trong đó, Bộ Giao thông vận tải có giá trị điểm số tăng 5.4% so với năm 2018, là đơn vị có điểm số tăng cao nhất so với các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ Công Thương có giá trị Chỉ số CCHC thấp hơn so với năm 2018 là 0.02%.
 
Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với Bộ có kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 thấp nhất (Bộ Giao thông vận tải) là 14.87% (năm 2018 khoảng cách này là 15.44% và năm 2017 là 20.23%). Điều này cho thấy các Bộ đã có nhiều sự cải thiện về điểm số, phản ánh những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành trong năm vừa qua.
 
Kết quả Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm như sau:
 
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 01 tỉnh (Quảng Ninh).
 
Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 43 tỉnh, thành phố
.
Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 19 tỉnh, thành phố.
 
Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81.15%, cao hơn 4.23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76.92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. So sánh giữa 63 địa phương, có 30 đơn vị đạt kết quả Chỉ số cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, năm 2019 có 44 đơn vị đạt kết quả Chỉ số trên 80%, năm 2018 chỉ có 09 đơn vị đạt kết quả trong nhóm này. Điểm tích cực khác đó là, trong năm 2019 không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%, trong khi năm 2018 có tới 03 đơn vị thuộc nhóm này (Phú Yên, Kon Tum, Trà Vinh).
 
Khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng là 16.22%, tiếp tục được thu hẹp đáng kể so với các năm trước (khoảng cách giữa đơn vị cao nhất - thấp nhất năm 2018 là 19.53%; năm 2017 là 29.76% và năm 2016 là 27.77%).
 
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, năm 2019, số lượng đơn vị có điểm đánh giá tăng so với năm 2018 là 62 tỉnh, thành phố, cao hơn nhiều so với kết quả đánh giá năm 2018 (chỉ có 19 đơn vị tăng điểm so với năm 2017). Trong số các đơn vị tăng điểm của năm 2019, Trà Vinh là đơn vị tăng cao nhất (+9.04), tăng thấp nhất là Cần Thơ (+0.15). Địa phương duy nhất có kết quả điểm đánh giá năm 2019 giảm so với 2018 là Đà Nẵng (-0.03); tuy nhiên, số giảm là không đáng kể và Đà Nẵng vẫn nằm trong nhóm 10 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC cao nhất cả nước.

Theo kết quả xếp hạng, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có lần thứ 3 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019, với kết quả đạt 90.09%, cao hơn 5.45% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là thành phố Hà Nội, đạt 84.64%. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 84.43%, tăng cao hơn 0.72% so với năm 2018. Vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019 lần lượt thuộc về thành phố Hải Phòng (84.35%) và tỉnh Long An (84.33%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC những năm gần đây.
 
Năm 2019, nhìn chung, các chỉ số thành phần đều có sự cải thiện đáng kể về giá trị trung bình. Theo kết quả đánh giá, 7/8 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018; Chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm là “Đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH tại địa phương”, thấp hơn 3.89% so với năm 2018. Điều này cũng dễ hiểu khi Bộ Chỉ số áp dụng cho năm 2019 cho bổ sung nhiều tiêu chí mới và khó, đánh giá về mức độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, năm 2019 có 5/8 chỉ số thành phần đạt giá trị trung bình trên 80%, trong khi đó, năm 2018 chỉ có 3 chỉ số thành phần đạt nhóm này.
 
PV