Bản in
Bài 2: Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp
Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang trở thành xu thế chung, đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, kỹ thuật và chất lượng nhân lực. Hoàn thiện chính sách đầu tư để phát triển phù hợp với từng điều kiện cụ thể đang là bài toán đặt ra đối với Nhà nước và mỗi địa phương của khu vực miền núi phía bắc...

“Trải thảm đỏ” để kêu gọi đầu tư

Nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao, ngay từ đầu năm mới 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN và PTNT) đã ban hành công văn đề xuất nhiệm vụ khoa học - công nghệ năm 2021. Qua đó, kêu gọi và “đặt hàng” các tổ chức, đơn vị, cá nhân đề xuất, cung ứng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, nhất là các đề tài ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các nhà đầu tư tiếp cận các vùng, khu vực đồng bào miền núi còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa phát triển. Khuyến khích xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp để các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng, phát triển thương hiệu và tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học - công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2019 có 18 dự án hoàn thành với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 khoảng 94 tỷ đồng. Vốn huy động để triển khai dự án từ phía doanh nghiệp hơn 193 tỷ đồng, tập trung vào ứng dụng công nghệ mới (công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin) trên các đối tượng cây, con chủ lực. Thông qua việc thực hiện các dự án và sự hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước, các doanh nghiệp đã chủ động huy động nguồn vốn để ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong từng khâu của quá trình sản xuất, từ việc áp dụng giống mới, quy trình canh tác tiên tiến, chủ động nhập khẩu công nghệ trong chế biến bảo quản nông sản, hình thành chuỗi liên kết với hộ nông dân để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Nhiều dự án đã tạo sự lan tỏa, được nhân rộng trong sản xuất.

Đến nay, ngành nông nghiệp đã tạo được các tiến bộ kỹ thuật mới có giá trị cao như: quy trình xử lý hơi nước nóng trừ ruồi hại quả vú sữa phục vụ xuất khẩu, áp dụng vào sản xuất quy mô lớn để mở cửa xuất khẩu quả vú sữa sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Niu Di-lân; quy trình công nghệ nhân giống dâu tây bằng phương pháp nuôi cấy mô; quy trình sản xuất giống cấp xác nhận, quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất lúa, nâng cao chất lượng lúa, tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây, con chủ lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất. Đến nay, đã có 45 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp NNCNC. Tuy nhiên, thực tế phát triển các mô hình NNCNC chưa phân bố đồng đều ở các địa phương và lĩnh vực, nhất là vùng trung du, miền núi phía bắc.

Thực tế hiện nay, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã khó, đầu tư vào NNCNC tại các khu vực trung du, miền núi còn khó khăn hơn. Tại các địa phương có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, hạ tầng giao thông... cùng với chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước, các nhà doanh nghiệp có thể còn quan tâm. Nhưng với những khu vực vùng sâu, vùng xa, nguồn lực lao động tại chỗ trình độ thấp, hạ tầng cơ sở kém phát triển, dù có ưu đãi dài hạn cũng khó nhận được sự chấp nhận của các chủ đầu tư. Do đó, chính quyền các tỉnh miền núi phía bắc đã xác định phải đi “bằng hai chân”. Đó là vừa tự chủ phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, vừa kiên trì vận động, kêu gọi các nhà đầu tư. Đây là một bài toán khó, song nhiều địa phương nhận thức rằng chính quyền tạo ra chính sách thông thoáng, cùng chia sẻ với các nhà đầu tư sẽ giảm áp lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC tại địa phương mình.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Theo đánh giá của Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, ứng dụng NNCNC đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện, nhất là từ sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi. Những năm gần đây, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển NNCNC đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty đầu tư vào lĩnh vực này như Vingroup, NutiFood, Dalat Hasfarm… Tại các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La... đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư, nhiều dự án NNCNC đi vào hoạt động đem lại hiệu quả rõ rệt.

Hiện nay, việc công nhận doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được giao cho các tỉnh xem xét nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương xác định theo lợi thế và chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của tỉnh. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 11 khu NNCNC. Đến nay, đã có một số khu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và đi vào hoạt động. Bộ NN và PTNT đang tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ đề án khu NNCNC cho các địa phương, trong đó có một số tỉnh thuộc miền núi phía bắc để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập, tạo ra những hạt nhân thúc đẩy phát triển NNCNC ở các vùng sinh thái khác nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế về NNCNC. Đó là vẫn chủ yếu tập trung tại một số vùng, với những sản phẩm có thế mạnh và các doanh nghiệp lớn. Các mô hình NNCNC trong sản xuất nông sản theo chuỗi còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều. Đóng góp của khoa học và đổi mới công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp còn hạn chế; công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ. Do đó, để phát triển NNCNC bền vững, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất gắn với bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Về cơ chế chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển NNCNC; khuyến khích các hình thức liên kết hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến sâu, xây dựng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp địa phương, tham gia triển lãm, hội chợ trong nước, ngoài nước.

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 do Bộ NN và PTNT tổ chức mới đây đã đánh giá, đến nay khu vực này đã có sự phát triển rất ấn tượng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo ra bức tranh rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Việc khai thác lợi thế tự nhiên, dư địa phát triển, sản xuất nông nghiệp trong vùng đã có bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Sau 15 năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng đạt bình quân 4,87%/năm, trong khi cả nước là 4,6%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những hạn chế về chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nhất là NNCNC, do đó đề nghị Trung ương tiếp tục có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía bắc. Các chính sách đối với vùng này cần cụ thể, mang tính đặc thù; đặc biệt là chính sách về hạ tầng giao thông. Từ đó, kết nối các địa phương trong vùng để không chỉ phát triển nhỏ, lẻ từng tỉnh mà có tính chất chung của vùng, phát triển thế mạnh của vùng gắn kết hiệu quả với thế mạnh mỗi địa phương...