Bản in
Bến tre: Ứng dụng KH&CN để phát triển hệ sản phẩm dừa theo chuỗi giá trị
Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên, chi phí sản xuất giảm 10% và giá trị tăng thêm của ngành dừa đạt trên 15% (Sản phẩm cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái; Sản phẩm bột sữa dừa có giá trị cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy…

Doanh nghiệp là trung tâm hỗ trợ đổi mới

Bến Tre được mệnh danh là thủ phủ cây dừa, với diện tích trên 72.000 ha; sản lượng trên 612triệu trái. Diện tích dừa Bến Tre chiếm gần 43% tổng diện tích dừa cả nước và chiếm 0,6% diện tích dừa thế giới. Toàn tỉnh có 525 doanh nghiệp công nghiệp đầu tư trên lĩnh vực dừa, với tổng vốn khoảng 20.500 tỷ đồng; trong đó có trên 130 doanh nghiệp chuyên ngành dừa, với hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. 
 
Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa ước đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm trên 12% giá trị sản xuất công nghiệp. Các sản phẩm chủ yếu là: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, mụn dừa, dầu dừa, mặt nạ dừa,.... Thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Tính đến nay, sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 215,34 triệu USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 là 11,93%/năm. 
 
Theo kết quả đánh giá trình độ công nghệ, đối với nhóm ngành sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa của tỉnh đạt sấp xỉ trung bình tiên tiến, trong đó có 02 doanh nghiệp đạt trình độ tiên tiến. Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên, chi phí sản xuất giảm 10% và giá trị tăng thêm của ngành dừa đạt trên 15%.
 
Có thể thấy, sản phẩm cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái; Sản phẩm bột sữa dừa có giá trị cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy; Sản phẩm sữa dừa có giá cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy; Sản phẩm kem dừa có giá trị cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy; Sản phẩm dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô; Chỉ xơ dừa cứng (tẩm keo) có giá trị xuất khẩu cao gấp 3,4 lần chỉ xơ thô; Chỉ xơ đơn và đôi có giá trị xuất khẩu cao gấp 3,8 lần chỉ xơ thô…. 
 
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bến tre khẳng định, những kết quả đạt được của tỉnh là sự quyết tâm chung sức, đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và quan trọng là sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Bộ KH&CN. Hiệu quả nổi bật nhất là sự hỗ trợ của Bộ KH&CN cho Công ty sản xuất dừa Lương Quới, thông qua dự án đổi mới công nghệ; hỗ trợ Bến Tre thông qua các dự án đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà với tổng kinh phí gần 64 tỷ đồng. Ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, cho rằng: Đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên có hệ thống ở Việt Nam về công nghệ chiết tách dầu dừa nguyên chất từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm không sử dụng nhiệt độ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của quả dừa. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia đầu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Bến Tre tiếp cận hoạt động thử nghiệm công nghệ đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh.
 
Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bến Tre
 
Đặc biệt, tỉnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Khởi nhiệp và Đổi mới sáng tạo, với phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để hỗ trợ đổi mới, kiến tạo, tỉnh Bến Tre đã ban hành Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua việc đổi mới, chuyển giao công nghệ. 
 
Bước đầu, cũng đã khơi nguồn động lực kiến tạo môi trường khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển (số lượng doanh nghiệp thành lập mới đến thời điểm này trên 1.900, so với chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ là 1.500). Qua đó, tạo được sức lan tỏa và đã xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bến Tre khá hoàn chỉnh như: Hội đồng Tư vấn Khởi nghiệp, Hội đồng Bảo trợ Khởi nghiệp, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong, Quỹ đầu tư khởi nghiệp; và đơn vị hỗ trợ Khởi nghiệp là Trung tâm xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh. Đặc biệt, ngày 16/11/2019 trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần V, tỉnh đã cho ra mắt hoạt động của Không gian Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo (Mekong Innovation Hub). Đây là nơi tổ chức các chương trình ươm tạo Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo; là nơi hỗ trợ, kết nối nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp; là nơi tổ chức tất cả các hoạt động như: Kết nối chuyên gia, Mạng lưới Cố vấn Khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện,… Dự kiến, Mekong Innovation Hub sẽ là đầu mối, triển khai các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo của tỉnh trong thời gian tới. Hoạt động Khởi nhiệp và Đổi mới sáng tạo thành công, sẽ góp phần rất lớn vào mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh nhà.
 
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển ngành dừa theo chuỗi giá trị và hoạt động hiệu quả Không gian Khởi nhiệp và Đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới; tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ KH&CN xem xét hỗ trợ một số nội dung như: Xây dựng trung tâm nghiên cứu dừa quốc gia, tại tỉnh Bến Tre: Với các hoạt động như: Cung cấp giống dừa cấy mô chất lượng cao; qui trình canh tác dừa công nghệ cao; trình diễn công nghệ sản xuất tạo sản phẩm dừa; marketting sản phẩm từ dừa online; viện bảo tàng dừa; kinh tế số từ dừa. Nguồn vốn đầu tư: Bộ KH&CN; Tỉnh Bến Tre; Doanh nghiệp; Hỗ trợ Không gian Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo để Không gian đi vào hoạt động hiệu quả và trở thành Trung tâm của các tỉnh ĐBSCL, điểm về Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo.
 
Đối với hoạt động KH&CN, hỗ trợ tiềm lực KHCN cho tỉnh Bến Tre, như: Chiến lược KHCN ngắn hạn, dài hạn; các chương trình dự án thay đổi thiết bị công nghệ; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Bến Tre trong và ngoài nước…
 
PV