Bản in
Làm chủ quy trình xử lý phụ phẩm tôm không chất thải quy mô 100 tấn/ngày
Quy trình được triển khai theo chuỗi khép kín từ nghiên cứu, thử nghiệm đến ứng dụng vào sản xuất và phân phối thương mại hóa sản phẩm, giúp tận dụng được nguồn phụ phẩm dồi dào và nâng cao giá trị của con tôm.

 

Làm chủ công nghệ trong lĩnh vực xử lý phụ phẩm tôm 

Nhóm hợp tác VNF gồm 5 thành viên gồm viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp do Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) làm thành viên đứng đầu vừa hoàn thiện và làm chủ quy trình công nghệ sinh học xử lý phụ phẩm tôm theo hướng tiếp cận không chất thải với công suất đầu vào 100 tấn/ngày, đạt hiệu suất thu hồi từ 50% đến tối thiểu 80% phục vụ ngành dược phẩm, thực phẩm và nông nghiệp. 
 
Theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm, Việt Nam nuôi và khai thác hơn 6 triệu tấn thủy hải sản, trong đó tôm chiếm lượng lớn và tiếp tục gia tăng theo định hướng xây dựng ngành thủy hải sản trở thành mũi nhọn kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, do công nghệ xử lý thủy hải sản còn hạn chế nên thành phẩm đa phần là sản phẩm đông lạnh hoặc có hàm lượng chế biến thấp, nên lượng phụ phẩm thải ra trong quá trình sản xuất còn khá cao với tỷ lệ khoảng 35% – 60%, tương đương hơn 2 triệu tấn phụ phẩm thủy hải sản mỗi năm,s trong đó có khoảng 250 tấn phụ phẩm tôm.
 
Theo Quỹ Đầu tư VIG (Vietnam Investments Group), phần lớn phụ phẩm bị thải loại trực tiếp vào môi trường, chỉ khoảng 33% được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, và khoảng 7% được tận thu để phát triển các dòng có giá trị gia tăng cao như thực phẩm, dược phẩm. Phụ phẩm thủy hải sản nói chung và phụ phẩm tôm nói riêng có rất nhiều chất dinh dưỡng để khai thác như đạm (55%), chitin (9%), khoáng (22%), béo (12%),… Nếu các dưỡng chất được chiết xuất tối ưu và bảo toàn hoạt tính, thành phẩm cuối cùng sẽ có giá trị cao và ứng dụng cho nhiều ngành khác nhau.
 
Nhận thấy thấy tiềm năng của việc xử lý phụ phẩm tôm trong chuỗi công nghiệp sản xuất chế biến tôm của Việt Nam, Công ty VNF – đơn vị xử lý phụ phẩm tôm hàng đầu trên thị trường với mong muốn ứng dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, phát triển bền vững đã cùng với các đối tác gồm Trường Đại học Nha Trang, Trung tâm công nghệ thức ăn và sau thu hoạch thủy sản - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 (APOTEC), Công ty TNHH VI DAN, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hải Bình đã thành lập nhóm Hợp tác để đề xuất thực hiện tiểu dự án “Hoàn thiện và làm chủ quy trình công nghệ sinh học xử lý phụ phẩm tôm theo hướng tiếp cận không chất thải với công suất đầu vào 100 tấn/ngày, đạt hiệu suất thu hồi từ 50% đến tối thiểu 80% phục vụ ngành dược phẩm, thực phẩm và nông nghiệp”. Tiểu dự án thuộc Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sử dụng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới.
 
Nhóm hợp tác VNF hướng đến mục tiêu đổi mới và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực xử lý phụ phẩm tôm lần đầu được ứng dụng triển khai tại Việt Nam thông qua việc nghiên cứu ứng dụng chọn giải pháp công nghệ sinh học theo hướng tiếp cận giảm thiểu chất thải trong xử lý phụ phẩm tôm. Đây là hướng đi mới, cần thiết và bền vững cho môi trường trong lĩnh vực xử lý phụ phẩm tôm. Tiểu dự án thực hiện việc nghiên cứu làm chủ công nghệ sinh học trong xử lý phụ phẩm tôm trên nguyên tắc ứng dụng vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm mới liên quan đến quá trình sản xuất chitin, chitosan, dịch đạm thủy phân, phân bón vi sinh có sức cạnh tranh và được thương mại hóa trên thị trường.

Giảm giá thành sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường

Nhóm hợp tác VNF đã nghiên cứu sử dụng enzyme để thu hồi protein, tái sử dụng nước thải, nâng cao chất lượng chitin gồm hoàn thành việc sản xuất thử nghiệm theo quy trình sản xuất chitin chất lượng cao công suất 4.000kg xác ép/mẻ bằng phương pháp hóa sinh; nghiên cứu sử dụng enzyme để tăng độ thủy phân, cải thiện hiệu suất sản xuất, và nâng cao chất lượng SSE bao gồm hoàn thành việc sản xuất thử nghiệm theo quy trình sản xuất SSE chất lượng cao công suất 4.000kg dịch ép/mẻ bằng phương pháp hóa sinh; nghiên cứu sản xuất chitosan nền từ chitin và chitosan phân tử lượng thấp từ xác mịn trong quá trình sản xuất SSE/Dịch đạm thủy phân; sản xuất thử nghiệm theo quy trình công nghệ sản xuất chitosan nền/chitosan phân tử lượng thấp công suất 200kg chitin/mẻ; nghiên cứu sử dụng công nghệ sinh học để sản xuất nguyên liệu bùn thải làm phân bón vi sinh. 
 
 
Các sản phẩm của tiểu dự án do Nhóm hợp tác VNF thực hiện. 
 
Đến nay, nhóm hợp tác VNF đã làm chủ công nghệ sinh học xử lý phụ phẩm tôm, tạo ra sản phẩm cạnh tranh có tính ứng dụng rộng rãi trong thương mại hóa. Cụ thể, đã nghiên cứu và làm chủ các công nghệ, quy trình sản xuất: công nghệ và quy trình sử dụng enzyme để sản xuất chitin từ phụ phẩm tôm (quy mô 4.000kg xác ép/mẻ); công nghệ, quy trình sử dụng enzyme cải thiện hiệu suất sản xuất, nâng cao chất lượng SSE (quy mô 2000kg/dịch ép/mẻ); công nghệ và quy trình sản xuất chitosan nền từ chitin và chitosan phân tử lượng thấp từ xác mịn trong quá trình sản xuất SSE/Dịch đạm thủy phân (quy mô 200kg chitin/mẻ) với 2 sản phẩm mới được thương mại hóa: 2 tấn chitosan  nền  và 1 tấn chitosan phân tử; công nghệ sản xuất nguyên liệu làm phân bón vi sinh từ bùn thải (công suất đầu vào 500kg bùn/mẻ); hoàn thành công bố tiêu chuẩn cơ sở cho 5 sản phẩm của tiểu dự án và chứng chỉ HALA. 
 
Cả 5 sản phẩm của tiểu dự án là chitosan nền, chitosan phân tử lượng thấp, nguyên liệu làm phân bón, chitin, SSE đã được VNF công bố chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở. Đặc biệt, các sản phẩm của tiểu dự án hiện đang được thị trường tiếp nhận và thương mại hóa rất tốt, một số đơn vị đã ký kết hợp đồng sử dụng sản phẩm như Công ty TNHH Việt Khang, Công ty TNHH CJ VINA AGRI, Công ty TNHH TANIXA,…
 
Việc ứng dụng công nghệ sinh học, tái sử dụng dòng thải trong các dây chuyền sản xuất của VNF ngoài việc giảm thiểu tác động đến môi trường, còn mang lại hiệu quả cao trong việc giảm giá thành sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Với quy mô xử lý 100 tấn đầu vỏ tôm/ngày, so với các phương pháp sản xuất truyền thống trước đây VNF thực hiện, việc sử dụng công nghệ sinh học và tái sử dụng dòng thải đã giúp chi phí xử lý nước thải giảm 50%, đồng thời lượng bùn thải được tận dụng để sử dụng làm nguyên liệu phân bón vi sinh. 
 
Quy trình có enzyme, tái sử dụng dòng thải hoá chất đem lại hiệu quả khá tốt so với qui trình cũ, giảm chi phí sản xuất, giảm lượng nước sạch sử dụng, lượng nước thải và chi phí xử lý cũng giảm hơn 60%...Như vậy, việc VNF áp dụng qui trình xử lý enzyme, tái sử dụng dòng thải hoá chất (EZ+TSD) là bước cải thiện rất tốt trong quá trình sản xuất, giúp ổn định chất lượng, giảm thiểu lượng nước sạch, hoá chất sử dụng và lượng nước thải đi vào hệ thống xử lý nước thải, giảm thiểu chất thải tác động đến môi trường so với công nghệ sản xuất cũ. 
 
Kết quả nói trên cũng là minh chứng rõ nét về hiệu quả của liên kết, hợp tác giữa viện – trường – doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo - một trong 3 chính sách được Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&CN thí điểm triển khai thông qua Dự án FIRST.
 
Theo ông Phạm Văn Diễn – nguyên Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, cán bộ phụ trách hợp phần 2b (Dự án FIRST), “việc thực hiện tài trợ của Bộ KH&CN cho các nhóm liên kết bao gồm viện, trường tức là đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp, trong đó tối thiểu có 2 doanh nghiệp tư nhân là một bước đột phá trong hoạt động KH&CN. Nhóm liên kết giúp phát huy được thế mạnh của các thành viên, tạo thành chuỗi liên kết khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến thương mại hóa sản phẩm. Mô hình này rất cần được nhân rộng”.
 
Bài, ảnh: Quỳnh Chi