Bản in
Nâng cao năng lực nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) là cơ quan quản lý đã có sức tác động, lan tỏa, làm “bà đỡ” cho nhiều sản phẩm KHCN; tạo nên mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả từ các viện – trường – doanh nghiệp trong nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm KHCN. Theo đánh giá của ông Dilip Parajuli - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Chủ nhiệm Dự án FIRST của WB, Dự án đã đạt được các mục tiêu đặt ra, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra nhằm phục vụ việc đề xuất các cơ chế, chính sách và những dự án đầu tư tiếp theo.

 - Ông có thể cho biết điểm khác biệt của Dự án FIRST so với những dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) khác của WB?

- Ông Dilip Parajuli: Điểm đặc biệt đây là lần đầu tiên WB tài trợ cho một dự án ĐMST thông qua nghiên cứu KHCN ở Việt Nam. Dự án đã được giao cho Bộ KHCN thực hiện và tôi cho rằng đây là địa chỉ rất tốt, đáng tin cậy để thực hiện Dự án. Hơn 10 năm trước, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất với WB hỗ trợ thực hiện Dự án này. Chúng tôi rất vui mừng vì Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đã đề xuất ý tưởng và hiện chúng tôi đã thực hiện thành công dự án tại Việt Nam. Chúng tôi tập trung cho các viện/trung tâm nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và kỳ vọng qua đó họ phát triển mối liên kết, tạo ra những nhân tố tích cực trong hệ thống ĐMST quốc gia. Điểm khác biệt ở đây là sự hỗ trợ cam kết cùng chịu rủi ro trong ĐMST của Chính phủ cũng như sự đầu tư từ khu vực tư nhân.

- Ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của Dự án FIRST? 

- Ông Dilip Parajuli: Việt Nam thời gian qua đã có những thành tựu nổi bật về các lĩnh vực ĐMST và Dự án FIRST cũng nằm trong thành công chung đó. Theo tôi, đánh giá về Dự án FIRST cần dựa trên 2 khía cạnh. Thứ nhất, nhìn lại những gì chúng ta đã làm được, xem các mục tiêu đặt ra đã đạt được đến đâu. Sẽ có những chỉ tiêu đánh giá Dự án về tổng thể cũng như giữa kỳ, cần đánh giá Dự án theo cả 2 tiêu chí này để có được cái nhìn tổng thể hiệu quả triển khai. Thứ hai, phải nhìn về phía trước, nhìn nhận việc thiết kế, triển khai Dự án như thế nào, làm thế nào để có thể nhân rộng, rút kinh nghiệm và triển khai các dự án tương tự tốt hơn trong thời gian tới. Cả hai nội dung thiết kế và triển khai Dự án đều rất quan trọng, sẽ cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các dự án tiếp theo.  

Hiện, Dự án FIRST đã có nhóm chuyên gia để đánh giá các vấn đề nói trên rất kỹ trên cả 2 khía cạnh. Chúng tôi cho rằng mọi việc đang được tiến hành rất tốt. Báo cáo sẽ được trình lên Bộ KHCN cũng như WB để có thể tiếp tục hỗ trợ những dự án hay chính sách tương tự trong tương lai. 

- Kỳ vọng cũng như mục tiêu của WB khi hỗ trợ Việt Nam triển khai Dự án này là gì? Và các kết quả đạt được đến nay có đáp ứng được kỳ vọng của WB đặt ra hay không, thưa Ông?

- Ông Dilip Parajuli: Thứ nhất, những hỗ trợ của chúng tôi cho Dự án này trong nhiều lĩnh vực về cơ bản đã đạt được. Có rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá tổng thể và hợp phần, nhưng tổng hợp lại chúng tôi thấy rất nhiều chỉ tiêu đã đạt được. 

Thứ hai, đây là Dự án thử nghiệm, thử nghiệm đối với Việt Nam và cả với WB. Do đó, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng được một cơ chế, cách thức triển khai, có thể hoạch định phương thức cho những lần đầu tư tương tự. Trong Dự án FIRST, chúng tôi đã thực hiện được nhiều mục tiêu; chỉ ra những mô hình để có thể chuyển giao; một dự án hỗ trợ ĐMST thông qua nghiên cứu KHCN với nhiều mô hình, điểm sáng cụ thể; chỉ ra vai trò của Nhà nước, nhà nghiên cứu, những đối tượng thụ hưởng của Dự án như thế nào trong mối liên kết, hợp tác nghiên cứu KHCN và ĐMST. Đây là dự án mang tính thử nghiệm và chúng tôi hài lòng dự án đang có những kết quả tốt. 

Thứ ba, chúng tôi đưa ra được một quy trình. Quan trọng nhất là quy trình lựa chọn, đánh giá và đầu tư dựa trên những tiêu chí, đề xuất cụ thể của các đối tượng thụ hưởng. Chúng tôi đã thiết lập được một quy trình như vậy và tuyển chọn được những đơn vị thụ hưởng tốt nhất thực hiện Dự án. 

Trong Dự án này, tất cả những đơn vị tham gia, dù đó là doanh nghiệp, cơ quan thuộc Chính phủ hay là những cơ sở nghiên cứu công lập, viện nghiên cứu, trường đại học,… họ đều hỗ trợ, hợp tác với nhau và mang lại kết quả tốt. Điều quan trọng nhất là Chính phủ cùng chia sẻ rủi ro với họ. Chúng ta đều biết, nghiên cứu khoa học là công việc rất nhiều rủi ro, và những người thực hiện rất cần chia sẻ điều đó. Trong Dự án FIRST, điều này đã được thể hiện rất rõ. 

Vì vậy, có thể nói, tất cả những kỳ vọng của WB, tức là thiết lập một mối liên kết giữa các tác nhân trong chu trình này, sự chia sẻ rủi ro, sự hỗ trợ,... tất cả đều đã đạt được. Tôi nghĩ, WB rất hài lòng khi nhìn thấy những kết quả đạt được của FIRST. 

Ông Dilip Parajuli nghe giới thiệu về sản phẩm của nhóm hợp tác Hương Trà tại Bắc Kạn. Ảnh: Quỳnh Chi. 
 
- Với vai trò là Chủ nhiệm Dự án FIRST của WB, Ông cho rằng chúng ta có thể rút ra các bài học kinh nghiệm gì trong đầu tư cho ĐMST thông qua nghiên cứu KH,CN sau khi kết thúc Dự án FIRST?

- Ông Dilip Parajuli: Thứ nhất, đây là dự án thử nghiệm nên 2 - 3 năm đầu rất nhiều khó khăn. Khó khăn từ việc tìm ra cách thức triển khai dự án, sự hỗ trợ của Chính phủ như thế nào, đề xuất từ các cơ sở, rồi tuyển chọn ra sao,... Nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự cam kết của Bộ KHCN, Dự án đã được tiến hành rất tốt trong thời gian qua. 

Thứ hai, việc thiết kế Dự án rất quan trọng, càng khó hơn khi đây là dự án thử nghiệm đầu tiên. Chúng tôi phải đi từng bước và trong quá trình thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các cơ quan, lãnh đạo phía Việt Nam. Chúng tôi đã thiết lập được tiến trình thực hiện Dự án với tiêu chí mang lại lợi ích nhiều nhất cho các đối tượng thụ hưởng và kết quả như hiện nay chúng ta đã thấy. 

Thứ ba, tất cả việc chuẩn bị rất tốt nhưng triển khai luôn là công việc khó khăn. Việc triển khai đã được thực hiện rất linh hoạt nhưng vẫn tuân thủ các quy định. Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là phải triển khai linh hoạt, có được sự tham gia, chia sẻ của tất cả các bên.

Cuối cùng là vấn đề theo dõi, đánh giá, quảng bá các kết quả nghiên cứu, công nghệ. Đây là công việc rất cần thiết và phải được thực hiện qua nhiều kênh. Việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng là một cách để cung cấp thông tin tới các cơ quan của Chính phủ, Bộ, ngành, nhà hoạch định chính sách nhằm phục vụ việc quyết định đầu tư cho các dự án, chính sách sau này. Chúng tôi đánh giá hiện nay công việc đang được tiến hành rất tốt thông qua bước quan trọng cuối cùng là quảng bá các kết quả nghiên cứu của các Dự án do FIRST hỗ trợ.

- Xin trân trọng cảm ơn Ông!