Bản in
Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong những năm qua khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều dấu ấn, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp không theo phong trào mà đi vào thực chất. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thành công và nhận được khoản đầu tư lớn.

Những thành tựu đạt được

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) chính là tạo ra một môi trường khuyến khích các nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm tìm kiếm, ký kết được các hợp đồng đầu tư vào doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhanh, dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ mới, ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Trong năm 2018 đã có sự gia tăng lớn về lượng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ các nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Tính đến quý 3 của năm 2018, tổng số vốn đầu tư đã vượt qua con số 213,6 tỷ USD - tổng lượng vốn đầu tư trong cả năm 2017. Khoản tiền đầu tư trong các cuộc thương vụ cũng tăng lên, với số lượng vòng đầu tư "siêu lớn" (Supergiant - các thương vụ với giá trị đầu tư từ 100 triệu USD trở lên) đạt đỉnh với hơn 55 thương vụ vào tháng 7 năm 2018. Xu hướng này được khởi xướng từ Quỹ Softbank Vision, một quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập vào năm 2017 với giá trị 100 tỷ USD, tập trung vào các thương vụ đầu tư có trị giá 100 triệu USD trở lên. Theo Crunchbase, một trang mạng tin tức và thông tin đầu tư, tính đến nay, quỹ này đã đầu tư tổng cộng 21 tỷ USD3, và nhận định rằng, những thương vụ đầu tư lớn như vậy là nền tảng cho sự phát triển hoạt động của các nhà đầu tư lớn khác trong việc tham gia đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm cả quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân (Private Equity Fund) hay các ngân hàng đầu tư. Tính đến tháng 10/2019, có khoảng 60 quỹ đầu tư đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, trong đó có một số quỹ thuộc các tập đoàn như VinGroup, CMC, FPT,…bên cạnh các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Những doanh nghiệp như Viettel đã bắt đầu tổ chức những cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu để thu hút nguồn nhân lực và ý tưởng khởi nghiệp.

Sự xuất hiện của các tập đoàn cho thấy họ ngày càng coi trọng việc hợp tác với các startup công nghệ như một khoản đầu tư mang tính chiến lược, đồng thời khẳng định chất lượng của các dự án khởi nghiệp Việt ngày càng tăng. Nếu công ty đặt hàng bên ngoài dưới dạng hợp tác với startup sẽ có nhiều lợi thế hơn về tinh gọn, trong khi các startup hợp tác với doanh nghiệp lớn sẽ rút ngắn được thời gian chứng minh sản phẩm phù hợp với thị trường. Thay vì đầu tư kiếm lợi nhuận như các quỹ tài chính chuyên nghiệp, các công ty lớn thường có xu hướng trở thành khách hàng tiềm năng đối với sản phẩm do startup làm ra, hoặc trở thành đối tác mua bản sáp nhập startup đó.

Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày càng tăng cao. Hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng có những bước tiến đáng kể. Hành lang pháp lý đang dần được hình thành và hoàn thiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, vì thế, đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của cả cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Các liên kết, hợp tác, tìm kiếm đầu tư liên tục được tăng cường.

Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước có sự tăng trưởng cao và bài bản hơn. Số lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự tăng trưởng ở cả khu vực tư nhân lẫn khu vực công lập, hoạt động tích cực trong tìm kiếm các doanh nghiệp để hỗ trợ, đầu tư. Bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài có hoạt động tích cực tại Việt Nam đã có những quỹ đầu tư thành lập trong nước, đồng thời, một số tập đoàn lớn cũng đã tham gia đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam. Cùng với sự bùng nổ của cơ sở vật chất dành cho khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là các khu làm việc chung (co-working space), nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam đã bước đầu hình thành, hoạt động và có sự liên kết cao của các huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp chuyên nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được hình thành và phát triển mạnh mẽ với hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, 40 khu không gian làm việc chung, 30 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Hành lang pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo dần được hoàn thiện với các chế định hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ (2017). Nhiều chương trình, đề án quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai tích cực thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của cộng đồng khởi nghiệp trongvà ngoài nước, được các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao.

Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp

Thời gian qua vấn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp KNST đã và đang trở thành ưu tiên quan trọng cho các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Các văn bản pháp luật về hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp KNST mới được ban hành những năm gần đây, đây là các văn bản đưa ra định hướng về việc hỗ trợ cả doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp KNST.

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2017) và có hiệu lực từ 01/01/2018. Luật này quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ cho DNNVV, trong đó có cả doanh nghiệp KNST; và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ các DNNVV. Các quy định về KNST nằm ở Điều 17 của Luật này, với 2 điều kiện để xác định doanh nghiệp KNST là có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.

Khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ tại Techfest 2019

Cũng theo Điều 17 của Luật, có 5 hình thức hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp KNST, bao gồm:  Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;  hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; và cơ chế cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Việc cấp bù lãi suất được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng.

Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ban hành ngày 11/03/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định này quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư KNST. Ngoài ra, Nghị định 38/2018/NĐ-CP cũng quy định về việc sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho KNST. Với nghị định này, ở Việt Nam lần đầu tiên đã định hình cơ sở pháp lý liên quan hỗ trợ và đầu tư KNST cho các bên liên quan, từ các chủ thể đầu tư (doanh nghiệp, quỹ và công ty đầu tư) đến các cơ quan quản lý nhà nước (như Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và các DNNVVKNST.

Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ban hành ngày 11/03/2018 quy định chi tiết một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (số 34/2018/NĐ-CP).

Mặc dù đã có cơ chế cho KNST cũng như việc áp dụng khoa học công nghệ, nhưng trên thực tế, hệ sinh thái KNST luôn phát triển không ngừng, và hành lang pháp lý vẫn còn nhiều hạn chế khiến cho các thành phần của hệ sinh thái đó chưa phát triển đồng đều, chưa tận dụng được tối đa nguồn lực và phát huy được năng lực để đưa hệ sinh thái phát triển. Một số vướng mắc, hạn chế có thể kể đến như: Còn nhiều vướng mắc về pháp lý trong đầu tư khiến cho nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều trở ngại khi rót vốn vào doanh nghiệp KNST ở Việt Nam, thiếu chính sách gọi vốn và thoái vốn, thủ tục thoái vốn phức tạp và mất nhiều thời gian, cùng với mức thuế suất cao là một rào cản lớn đã ngăn dòng vốn đến với các doanh nghiệp Việt.  Chưa có chính sách thu hút nguồn lực, chuyên gia, nhân sự có chuyên môn về KNST thích hợp để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, chất lượng cao, đặc biệt là với các trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Cơ chế tài chính của nhà nước chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của KNST. Hiện nay, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp KNST để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh (thương mại hóa) đã được đưa vào các quy định tại Luật chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghịđịnh hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, các luật trên mới triển khai năm 2018, chưa xây dựng đủ hành lang pháp lý để triển khai.

Vì vậy, cần phải xây dựng một cơ chế tài chính phù hợp nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ĐMST, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp KNST hoạt động và phát triển, trong đó có các nội dung chi phù hợp với KNST như chi cho đại diện các doanh nghiệp KNST tiêu biểu tham gia các vườn ươm/khu làm việc chung nổi tiếng trên thế giới; chi các hoạt động của đại diện KNST của Việt Nam tại một số hệ sinh thái KNST; chi vé máy bay, công lao động phù hợp để mời chuyên gia hỗ trợ KNST chất lượng cao đến tham gia đào tạo, huấn luyện, tham gia sự kiện khởi nghiệp quốc gia; cho phép việc tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp KNST đối với các nội dung quan trọng như tìm hiểu thị trường, thuê chuyên gia, trả công lao động và thương mại hóa công nghệ/sản phẩm/dịch vụ mới.

Đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cho nhà đầu tư, cần có phương án cải thiện quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sao cho nhanh chóng và thuận lợi hơn đối với các trường hợp ngành nghề chưa có trong các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Xem xét thiết lập các hoạt động chung để kết nối Kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài với KNST trong nước.

Bài ảnh: Đăng Minh