Bản in
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
Trải qua 60 năm cùng quá trình xây dựng và phát triển của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), qua các thời kỳ khác nhau, với tên gọi khác nhau, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN đã không ngừng phát triển, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước.

Đồng hành cùng đất nước

Kể từ khi thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước năm 1959, cho đến khi tách ra thành Uỷ Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nướcnăm 1965, các hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN đã được triển khai nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế về kinh nghiệm quản lý, xây dựng các cơ sở nghiên cứu KH&KT,... thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Việt Nam.

Năm 1971, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Uỷ ban KH&KT Nhà nước quản lý công tác hợp tác quốc tế về KH&KT, theo đó, Vụ Hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài thuộc Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước được thành lập.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, trước yêu cầu to lớn và cấp bách về phát triển KH&CN, Hội động Chính phủ (nay là Chính phủ) đã quyết định tách khối nghiên cứu ra khỏi Uỷ ban KH&KT Nhà nước để thành lập Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện KH&CN Việt Nam). Uỷ ban KH&KT Nhà nước chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về KH&KT trong phạm vi cả nước, trong đó kế hoạch hợp tác với nước ngoài được quy định là một bộ phận cấu thành của kế hoạch KH&KT.

Thời kỳ từ năm 1981 đến năm 1990, đây là thời kỳ mở rộng và phát triển mạnh mẽ các quan hệ hợp tác về KH&KT. Trong thời gian từ năm 1981 đến năm 1985, để triển khai Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về chính sách KH&KT, ta đã tham gia chương trình tổng hợp tiến bộ KH&KT của các nước thành viên HĐTTKT. Đã hình thành 72 chương trình trọng điểm có mục tiêu. Năm 1981, Hiệp định chung giữa các nước thành viên HĐTTKT hỗ trợ phát triển nhanh nền KH&KT của Việt Nam đã được ký kết, trở thành văn bản quốc tế quan trọng để phát triển và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước XHCN lúc bấy giờ. Trong thời kỳ này, ta đã thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực KH&KT với hơn 20 nước và tổ chức quốc tế. Nhìn chung, trong thời kỳ này hoạt động HTQT đã được đẩy mạnh, có hiệu quả và góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển KH&KT của nước ta. Việt Nam tranh thủ được sự hỗ trợ của các nước, cả về tài chính, trang thiết bị, đào tạo cán bộ, chuyên gia, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và phát triển, làm cơ sở cho sự nghiệp phát triển KH&CN sau này.

Hội nhập quốc tế về KH&CN

Thông tin từ Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, thời kỳ từ năm 1991 đến năm 2002, đây là thời kỳ chuyển đổi và bắt đầu quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN. Vào đầu những năm 1990, có nhiều sự kiện quan trọng và thách thức to lớn đối với công tác HTQT về KH&CN. Sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã làm cho ta bị hụt hẫng, mất đi nguồn viện trợ quan trọng, làm gián đoạn mối quan hệ hợp tác truyền thống và chủ yếu của chúng ta. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, quyết sách đúng đắn nhằm khắc phục tình trạng trên (Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về KH&CN trong sự nghiệp đổi mới; Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000; Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 07, v.v).

Kể từ năm 2003 đến nay, để đẩy mạnh phát triển KH&CN với tư cách là nền tảng, động lực nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực phát triển KH&CN, giúp đa dạng hóa các nguồn đầu tư, bên cạnh các nguồn trong nước như từ ngân sách Nhà nước, từ doanh nghiệp và xã hội.

Ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ KH&CN và Ông Denis Brunetti - Tổng giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia  và Lào ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác thiết lập “IoT Innovation Hub” (Trung Tâm đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật) tại buổi lễ “Nobel Inspired Gala Dinner” do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức

Trong những năm qua, Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kết quả nổi bật nhất trong HTQT về KH&CN thời kỳ này là từ một quốc gia ở thế chủ yếu nhận viện trợ và ít tính chủ động trong thúc đẩy hợp tác, Việt Nam đã dần trở thành đối tác hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trong các quan hệ HTQT song phương và đa phương về KH&CN. Các nội dung hợp tác đã xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, phục vụ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với gần 70 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ; đã có trên 150 điều ước quốc tế (cấp Chính phủ) và trên 50 thỏa thuận quốc tế (cấp Bộ) được ký kết, trong đó, hiện nay, gần 110 điều ước quốc tế và gần 40 thỏa thuận quốc tế còn hiệu lực. Bộ KH&CN đảm nhiệm vai trò cơ quan đầu mối triển khai điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và là đầu mối hợp tác đa phương với nhiều tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng như ASEAN, APEC, COPUOS, APRSAF, APO, UNESCO, WTO, WIP, MUTRAP, IAEA, v.v với các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong các lĩnh vực KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân và một số lĩnh vực chuyên ngành khác.

Nội dung hội nhập quốc tế về KH&CN đã bắt đầu gắn kết với yêu cầu thực tiễn của các ngành, địa phương, bước đầu phục vụ có hiệu quả cho các nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước. Các lĩnh vực hội nhập cũng được mở rộng, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, nghiên cứu liên ngành.

Hình thức hội nhập quốc tế về KH&CN ngày càng đa dạng và phong phú thông qua nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm việc đàm phán, ký kết và triển khai các Hiệp định, hợp tác nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, tổ chức hội thảo, hội nghị, trình diễn công nghệ, hội chợ triển lãm công nghệ, v.v.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN trong khuôn khổ đa phương được duy trì và phát triển, góp phần nâng cao vị thế và vai trò về KH&CN của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham gia các diễn đàn quốc tế, đẩy mạnh sự tham gia sâu hơn của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực như IAEA, ASEAN, APEC, COPUOS, APRSAF,v.v Các hoạt động hợp tác về sở hữu trí tuệ được triển khai trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEAN, hợp tác với WIPO, MUTRAP, các các cơ quan sở hữu trí tuệ trong khu vực và các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, CH Pháp, v.v, được duy trì và phát triển. Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, các nghĩa vụ tham gia và tổ chức các sự kiện liên quan đến các tổ chức quốc tế và khu vực được thực hiện đầy đủ.

Để triển khai các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về KH&CN đã được ký kết, Bộ thường xuyên đánh giá tình hình, hiệu quả hợp tác cũng như xây dựng các trọng tâm hợp tác thông qua việc chủ trì tổ chức các cuộc họp của Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban/Tiểu ban hợp tác KH&CN với các đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mới với các quốc gia có tiềm lực KH&CN mạnh.

Nhìn chung, hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã dần gắn kết với yêu cầu thực tiễn của các Bộ, ngành, địa phương, bước đầu phục vụ có hiệu quả cho các nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó, hoạt động hợp tác quốc tế đóng góp tích cực và từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nâng cao trình độ cán bộ, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong nước; giúp giải quyết một số vấn đề khó khăn, thách thức về KH&CN trong nước một cách nhanh hiệu quả hơn; tìm kiếm, giải mã và nội địa hóa một số thông tin, bí quyết công nghệ của đối tác nước ngoài góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong một số lĩnh vực, cho một số nhóm sản phẩm, hoặc doanh nghiệp trong nước; nâng cao năng lực đội ngũ KH&CN, nâng tầm nền KH&CN trong nước theo các chuẩn mực quốc tế; góp phần tăng nguồn lực về tài chính, trang thiết bị nghiên cứu,... cho các tổ chức KH&CN trong nước; góp phần tích cực cho hoạt động đối ngoại của đất nước, tăng cường quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Phương Nga