Bản in
Sản xuất và chế biến thạch anh từ nguồn nguyên liệu trong nước: Hiệu quả đầu tư từ Nhà nước
Với sự đầu tư từ Dự án FIRST (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhóm Hợp tác Hương Trà do Công ty Cổ phần Hương Trà là thành viên đứng đầu đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm thạch anh thành phẩm chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trong nước (từ xay nghiền thô, làm sạch sản phẩm bằng vi sinh vật đến quy trình quang phổ tách hạt, quy trình khử từ tính và sàng phân ly phân loại sản phẩm). Đồng thời, sản xuất thử nghiệm sản phẩm lô số 0:6.000 tấn/6 dòng sản phẩm bột thạch anh có hàm lượng SiO2 ≥ 99.25%.

Các sản phẩm nói trên hiện đã được ứng dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, lọc hóa dầu, gạch men, gốm sứ, đá ốp lát gốc thạch anh cao cấp, vật liệu trang trí, công nghệ luyện thép,… Ông Hồ Viết Cầm – Giám đốc Công ty Cổ phần Hương Trà đã có những chia sẻ với phóng viên về những kết quả, tính lan tỏa của tiểu dự án cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. 

Thưa ông, ông có thể cho biết về nhu cầu và thực tế sản xuất sản phẩm thạch anh hiện nay? Cơ duyên nào để Nhóm hợp tác cùng chung ý tưởng đề xuất thực hiện tiểu dự án đã được Bộ KH&CN phê duyệt?
 
Ông Hồ Viết Cầm: Căn cứ vào hiện tại thực tế nhu cầu sử dụng về thạch anh trong nghành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng, hiện thạch anh nhập khẩu chiếm tới 80%. Theo tôi được biết, chỉ riêng tập đoàn VICOSETON đã phải nhập khẩu gần 100.000 tấn/năm, giá trị nhập khẩu tương ứng 1,3 tỷ USD/ năm. Đây là một lợi thế cho các nhà doanh nghiệp, đòi hỏi các nhà khoa học, các bộ ban nghành và Chính phủ nghiên cứu xem xét. Trong khi đó, Việt Nam đang thiên về chế biến, khai thác ở dạng thấp không đáp ứng được phục vụ trong nghành công nghệ cao, một phần nào làm thất thoát giá trị tài nguyên (trong những năm gần đây chủ yếu xuất theo tiểu ngạch, bán rẻ cho các nước trong khu vực).
Qua gặp gỡ và thăm tập đoàn BABA Ấn Độ, từ ý tưởng đó tôi nung nấu với ý chí phải biến cục đá ở quê hương đưa sang nước Mỹ và Châu Âu. Thời kỳ đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài nỗ lực phấn đấu vươn lên, tôi được sự chia sẻ, giúp đỡ của ông Chủ tịch hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc tập đoàn VICOSETON Hồ Xuân Năng. Sau đó, chúng tôi đề xuất và đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ KH&CN thông qua Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST). Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Bộ KH&CN là cơ quan quản lý. 
Tiểu dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm thạch anh dạng tinh thể chất lượng tối ưu dùng cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới… từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam” được Nhóm Hợp tác Hương Trả gồm 5 thành viên (Công ty Cổ phần Hương Trà, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang, Công ty Cổ phần Á Châu, Công ty TNHH tự động hoá MENT) thực hiện trong 2 năm, từ tháng 6/2017 đến tháng 5/2019. 
Hệ thống máy chính sản xuất sản phẩm tinh thành phẩm. Ảnh: Quỳnh Chi
 
Sự đầu tư của Nhà nước thông qua hỗ trợ Nhóm hợp tác thực hiện tiểu dự án này đến nay đã đạt được những kết quả và sức lan tỏa, đóng góp cho kinh tế - xã hội thế nào, thưa ông?
 
Ông Hồ Viết Cầm: Tôi cảm nhận sự đầu tư của nhà nước đã và đang thu hút, liên kết với các nhà khoa học và các doanh nghiệp trong nghiên cứu, sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. Dự án của nhóm hợp tác Hương Trà đã thành công ngoài mong đợi, đưa được sản phẩm ra thị trường, xây dựng nhà máy sản xuất tại Quảng Bình. Hiện nay, Hương Trà đã xây dựng kênh tiêu thụ và phân phối tại TP Hồ Chí Minh (Công ty Cát Ngọc).
Hương Trà cũng đã liên kết với tập đoàn HOMELAND PARADISE VILLAGE xây dựng nhà máy đá nhân tạo để sản phẩm của Dự án FIRST tài trợ có đủ điều kiện xuất sang Mỹ và Châu Âu, phục vụ cho các công trình trọng điểm trong nước. Hương Trà đang hoàn thiện đề án, giáo án để liên kết với Viện Công nghệ Nha Trang, các trường xây dựng trong nước đưa chương trình vào giảng dạy và đào tạo, cung cấp một sản phẩm tri thức cho đất nước, hoà nhập vào cuộc cách mạng 4.0.
 
Với kinh nghiệm thực tế, ông có thể chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và những bài học kinh nghiệm khi triển khai Dự án FIRST?
 
Ông Hồ Viết Cầm: Tôi rất vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ cũng như tình cảm của FIRST dành cho tôi và nhóm hợp tác Hương Trà. Đất nước Việt Nam nói chung và quê hương tôi nói riêng nguyên liệu tương đối đa dạng và phong phú. Công nghệ được FIRST tài trợ là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, làm giàu tài nguyên bằng công nghệ vi sinh học nên bảo đảm thân thiện với môi trường, chất lượng và giá trị cạnh tranh ngang với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.
Về khó khăn, khi đề xuất để thực hiện đề tài KH&CN không được thuận lợi về mặt chia sẻ của các ban, ngành, địa phương và đồng nghiệp. Bài học kinh nghiệm rút ra sau khi triển khai dự án là phải tìm hiểu, chia sẻ, biết lắng nghe và học hỏi. Nhất là phải liên kết được các cá nhân nhà khoa học, các Viện, trường để có được sự ủng hộ, giúp đỡ. Được biết, việc hỗ trợ liên kết giữa viện – trường – doanh nghiệp cũng là một trong những mục tiêu và chính sách Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&CN đặt ra để thí điểm khi triển khai Dự án FIRST. Cá nhân tôi cho rằng, đây là hướng đi đúng đắn của Nhà nước. 
 
Có thể nói, đổi mới sáng tạo (ĐMST) thông qua nghiên cứu KH&CN đóng vai trò quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Theo ông, ngoài việc tăng cường thực hiện các dự án ĐMST thông qua nghiên cứu KH&CN, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy hoạt động này, đặc biệt ở khối doanh nghiệp tư nhân?
 
Ông Hồ Viết Cầm: Đứng trước cơ hội và thách thức của Cuộc cách mạng 4.0, để sánh vai và không tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, mô hình ĐMST về KH&CN là cần thiết và cấp bách. Điều đó đòi hỏi những người chủ doanh nghiệp phải dám nghĩ, dám làm, phải có khát vọng và đam mê cháy bỏng để hoà nhập và góp phần đưa đất nước vượt qua những thử thách, khó khăn. Chính phủ tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo và đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!  
 
Quỳnh Chi ghi