Bản in
Thúc đẩy ứng dụng phát triển khoa học công nghệ vùng nông thôn miền núi
Để tăng tính gắn kết giữa 4 nhà trong mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học công nghệ vùng nông thôn miền núi, theo bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh cần nâng cao nhận thức trong việc liên kết, không chạy theo lợi ích trước mắt, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong chọn giống thâm canh, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch.

 - PV: Xin bà cho biết, bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp được giải quyết như thế nào khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp? Doanh nghiệp của bà nhận được sự trợ giúp của nhà quản lý, các viện/trường và chia sẻ lợi nhuận với người nông dân được thể hiện như thế nào?

- Bà Lê Thị Dung: Về bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp, doanh nghiệp và nông dân là hai tác nhân chính trong chuỗi hàng ngành nông nghiệp. Mục đích theo đuổi là lợi nhuận nhưng phải xác định là không tối ưu lợi nhuận mà phải hợp lý hóa lợi ích khi liên kết với các hộ dân phải có hợp đồng minh bạch và cụ thể; nhất thiết phải có được sự ủng hộ và vào cuộc của các hộ dân. Doanh nghiệp phải nắm vững kỹ thuật, có tiềm lực kinh tế, sẵn sàng đầu tư cho người dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Tháng 8/2017, doanh nghiệp của tôi có cơ hội được tiếp nhận Dự án "Ứng dụng công nghệ cao trong mô hình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn, chất lượng tại tỉnh Ninh Bình" hỗ trợ ứng dụng vùng nông thôn miền núi. Đơn vị hỗ trợ là Viện nghiên cứu rau quả (FAVRI).

Về việc chia sẻ lợi nhuận với người dân, như tôi đã nói ở trên là doanh nghiệp không tối ưu lợi nhuận mà phải hợp lý hóa lợi ích của các bên.

- Bà đánh giá thế nào về sự liên kết của 4 nhà: nhà quản lý, doanh nghiệp, viện/trường và người nông dân?

- Sự liên kết 4 nhà từ lâu được xem là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp hiện đại và bền vững. Nhưng vấn đề đặt ra là nó có bền vững hay không. Vấn đề cốt lõi ở đây là "người dân". Người dân của nước ta nói chung vẫn có thói quen sản xuất manh mún, chưa bắt kịp với thông tin thị trường, chạy theo thời vụ, không có kế hoạch sản xuất. Nhiều hộ dân mặc dù ký kết hợp đồng, mặc dù được hỗ trợ từ doanh nghiệp về giống, vốn, phân bón, kỹ thuật nhưng đến khi thu hoạch nếu giá thị trường đắt hơn họ sẵn sàng đem bán ra bên ngoài. Dẫn đến doanh nghiệp lỗ, không đủ đầu vào. Cũng chính vì thế mà dẫn đến người dân "được mùa mất giá". Như vậy giữa doanh nghiệp và nông dân là một nút thắt lớn khi mà doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cho người dân và người dân nhận thức được rõ ràng hợp đồng mình ký, tuân thủ theo hợp đồng đã ký thì khi đó nút thắt sẽ được gỡ. Khi đó sẽ không còn tình trạng khó khăn như ùn tắc đầu ra, vỡ quy hoạch cây trồng, thu hoạch nông dân bấp bênh...

Mô hình trồng rau, quả an toàn tại Công ty cổ phần đầu tư công nghệ xanh

 

- Rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng nếu xảy ra thì ai là người phải chịu, doanh nghiệp, nông dân hay nhà khoa học, thưa bà?

- Đúng là việc ứng dụng KH&CN không phải là dễ. Bằng chứng là không nhiều doanh nghiệp dám dấn thân vào, nhất là ứng dụng KH&CN vào khu vực nông thôn miền núi lại càng khó khăn và rủi ro hơn. Đối với với riêng tôi có lẽ là cái duyên. Và đến ngày hôm nay tôi có thể khẳng định một điều là tôi đi đúng hướng. Từ năm 2000 tôi bắt đầu tích tụ đất. Năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước áp dụng chính sách "dồn điền đổi thửa" được sự chỉ đạo ủng hộ của các cấp các ngành trong xã tôi đã được dồn các thửa lớn và khi có các thửa lớn này tôi tìm hướng phát triển trên mảnh đất đó. Với sự giúp đỡ của Sở KH&CN Ninh Bình và Bộ KH&CN tôi đã được tiếp cận dự án (ứng dụng công nghệ cao trong mô hình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ rau an toàn, chất lượng tại tỉnh Ninh Bình) của Bộ KH&CN. Trong suốt gần 3 năm thực hiện dự án, từ một vùng đất cấy 2 lúa còn ngập lụt nay đã trở thành một khu sản xuất rau sạch công nghệ cao đưa đến hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là đem lại việc làm ổn định cho 30 lao động tại địa phương.

Từ khi được sự hỗ trợ của Sở KH&CN Ninh Bình và Bộ KH&CN, chúng tôi đã được Viện Nghiên cứu Rau quả chuyển giao các quy trình kỹ thuật, các loại rau trong nhà kính, nhà lưới, vòm che thấp ngoài trời chuyển giao kỹ thuật ươm cây con trong nhà kính, xây dựng một mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và đem ra tiêu thụ sản phẩm. Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, giảm giá thành đầu vào, giảm công lao động cũng như tác động tích cực đến môi trường. Mặc dù bước đầu sản xuất theo hướng công nghệ cao và sản xuất an toàn theo VIETGAP, đối với doanh nghiệp hoàn toàn mới nhưng sau một năm thực hiện, chúng tôi cùng với các hộ dân đã nắm bắt được kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo VIETGAP, các quy trình sản xuất công nghệ cao và có thể chủ động sản xuất. Sản phẩm của chúng tôi đủ chất lượng nên giá bán cao hơn thị trường. Thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm của chúng tôi đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như công ty Việt Xanh (Ninh Bình), công ty VietRap tại Hà Nội…

- Cần có các giải pháp cụ thể thế nào để tăng tính gắn kết giữa 4 nhà trong mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học công nghệ vùng nông thôn miền núi, thưa bà?

- Theo tôi các giải pháp cụ thể của 4 nhà như sau:

Thứ nhất, về Nhà nước cần có vai trò chủ đạo đưa ra chính sách phù hợp cho các thành phần trong mô hình liên kết cùng thực hiện, điển hình là chính sách tháo gỡ về nguồn vốn.

Hai là nhà khoa học cũng cần phát huy để tăng tính hiệu quả cụ thể. Cần có chính sách khuyến khích cho người sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đủ chất lượng cho thị trường.

Với doanh nghiệp, cần xây dựng một chính sách đầu tư thu mua hấp dẫn dựa trên nền tảng chia sẻ lợi ích, áp dụng triệt để các giải pháp để minh bạch hóa các chính sách với người nông dân thể hiện qua hợp đồng với người dân. Doanh nghiệp cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân yên tâm sản xuất nhằm duy trì phát triển nguồn nguyên liệu, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Còn đối với người dân, phải nâng cao nhận thức trong việc liên kết, không chạy theo lợi ích trước mắt, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong chọn giống thâm canh, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch.

Xin cảm ơn bà!

Bài, ảnh: Diệu Huyền