Bản in
Liên kết 4 nhà trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Nông thôn miền núi và Dân tộc thiểu số
Hoạt động chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ ở vùng Nông thôn miền núi và Dân tộc thiểu số còn hạn chế, đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sự phát triển giữa các vùng này còn chênh lệch.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả (Viện) - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về những hoạt động nghiên cứu, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống bà con nông dân tại vùng Nông thôn miền núi và Dân tộc thiểu số.

PV: Thưa ông, được biết trong thời gian qua Viện nghiên cứu rau quả đã có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế, ông có thể điểm lại một số hiệu quả nổi bật của các hoạt động chuyển giao, ứng dụng này?

- TS Đặng Văn Đông: Trong nhiều năm qua, Viện chúng tôi nghiên cứu về 3 đối tượng: cây ăn quả, cây rau, hoa cây cảnh. Mỗi một đối tượng chúng tôi đều nghiên cứu các khâu từ chọn tạo giống mới, quy trình canh tác, thu hái bảo quản, kinh tế thị trường. Hầu hết các kết quả đều được chuyển giao cho mọi vùng, miền của đất nước.

Có thể kể một số ví dụ nổi bật như sau: chuyển giao công nghệ thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch; công nghệ ghép cải tạo nhãn Sông Mã - Sơn La; quy trình VietGap vải thiều của Lục Ngạn; xản xuất rau an toàn ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Cần Thơ, Đồng Tháp,... hầu hết các mô hình mà chuyển giao đều mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp đã và đang được nhân rộng.

Hiện nay Viện vẫn đang tiếp tục chuyển giao công nghệ theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 và theo chuỗi liên kết sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao hơn nữa cho người dân về các lĩnh vực có thế mạnh kể trên.

PV: Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số diện tích đất nông nghiệp không được canh tác tương đối nhiều, có phải là do hiệu quả sản xuất thấp?Các nhà khoa học có cách nào để giúp người dân có thể canh tác hiệu quả, nên lựa chọn loại cây nào  mang lại giá trị kinh tế cao?

- Đây là vấn đề các nhà quản lý, nhà khoa học đã và đang tìm triển khai. Hiện, chúng ta có nhiều loại cây trồng có thể phát triển tốt để thay thế cây lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giữ vững ổn định môi trường…bên cạnh đó khuyến khích được thế hệ trẻ xây dựng quê hương.

Hiện, Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả bước đầu đã đưa ra một hướng đi mới, đó là thử nghiệm trồng sen vào những ruộng lúa trũng. Bên cạnh tác dụng Sen mang lại như dùng để bao gói thay nilong, làm thuốc quý từ hạt, làm phân bón, dệt vải, thức ăn…thì có thể thể kết hợp làm du lịch sinh thái cho hiệu quả  cao về kinh tế. Theo tính toán của Viện, giá trị một ha trồng Sen có thể cho thu hoạch từ 500-700 triệu đồng/ha.

PV: Khi người nông dân cần được trợ giúp kỹ thuật, Viện ông đã tổ chức hỗ trợ như thế nào để sản phẩm khoa học có thể sống được, đem lại hiệu quả kinh tế cho khu vực Nông thôn Miền núi và vùng Dân tộc Thiểu số?

- Đầu tiên phải khẳng định, mục đích của những nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể như ở Viện nghiên cứu rau quả đó là nghiên cứu giống, quy trình kỹ thuật mới, phù hợp để chuyển giao hỗ trợ cho người dân nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho họ.

Mô hình trồng hoa Lan ở Viện NC Rau quả (Ảnh: DVD)

Viện cũng phải xem xét, lựa chọn giống cây trồng, công nghệ phù hợp, các quy trình chuyển giao phải đơn giản, dễ hiểu, đồng thời phải quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân và giúp cho người dân nắm chắc được thành thạo các công nghệ mà họ được chuyển giao.

Bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các địa phương, doanh nghiệp, Viện cũng nhận những đơn đặt hàng phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương để có những đề tài nghiên cứu, những công nghệ phù hợpvới  nhu cầu thị trường, điều kiện cơ sở hạ tầng và mong muốn của doanh nghiệp, của người dân, để tư vấn cho họ định hướng đầu tư hiệu quả nhất.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu người dân, doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề kỹ thuật của công nghệ, chúng tôi sẵn sàng cử cán bộ xuống tận nơi để giải đáp những đề mà họ quan tâm. Đối với những doanh nghiệp, người dân đã quyết định hướng đầu tư, sẽ hướng dẫn về chuyển giao công nghệ.

PV:Vậy, theo ông, trong mối liên kết 4 nhà thì ai là người giữ vai trò quan trọng nhất?

 - Tùy theo từng trường hợp cụ thể. Ở một số chương trình, nhà quản lý giữ vai trò quyết định, ví dụ như chương trình hỗ trợ khoa học công nghệ xây dựng Nông thôn Miền núi và Dân tộc thiểu số.

Nhưng ở một số trường hợp khác, mà ở đó, doanh nghiệp mới bắt tay vào làm một sản phẩm mới mà trước đây họ chưa hề hiểu biết thì vai trò của nhà khoa học lại là quan trọng nhất.

Trong trường hợp doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất và họ đã thành công trong sản xuất và chỉ thiếu một khâu nào đó trong quy trình công nghệ, thì lúc đó doanh nghiệp sẽ giữ vai trò quyết định.

Còn trong trường hợp các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân, tổ chức sản xuất thì vai trò quan trọng nhất lúc này chính là người dân. Lúc đó, nhà khoa học chỉ giúp đỡ họ thêm về công nghệ. Doanh nghiệp giúp họ thu mua sản phẩm và nhà quản lý chỉ giúp họ về cơ chế chính sách.

PV: Như vậy, cần phải làm gì để tăng cường tính gắn kết giữa 4 nhà, thưa ông?

- Muốn gắn kết chặt chẽ thì việc đầu tiên chúng ta phải xác định trường hợp này chủ thể nào là quan trọng nhất, chủ thể nào vị trí thứ hai, thứ ba. Và chủ thể có vai trò quan trọng nhất phải thể hiện vai trò đứng đầu, liên kết chặt chẽ với các chủ thể khác, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng phát huy vai trò thế mạnh của từng chủ thể và cũng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhằm khắc phục tình trạng này, chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” (Chương trình Nông thôn Miền núi) đã được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường mối liên kết 4 nhà trong việc đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Hoàng Anh (Lược ghi)