Bản in
Hội thảo quốc tế về thiết kế - chế tạo vi mạch và công nghệ cảm biến (WEFAB2019)
Tiếp nối thành công của “Hội thảo quốc tế về thiết kế và sản xuất vi mạch (WEFAB) lần đầu tiên tại Hà Nội năm 2018, ngày 8-9/10/2019, tại Hà Nội, Viện Ứng dụng Công nghệ đã tổ chức Hội thảo quốc tế về thiết kế - chế tạo vi mạch và công nghệ cảm biến. Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bộ KH&CN và 35 năm thành lập Viện Ứng dụng Công nghệ.

Hội thảo thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo vi mạch từ những viện nghiên cứu, trường đại học kỹ thuật và công ty sản xuất, gia công trong nước cũng như một số tập đoàn công nghệ nhằm thảo luận, chia sẻ cơ hội hợp tác về thiết kế và chế tạo vi mạch tại Việt Nam.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Phạm Hương Sơn cho biết, sự hiện diện của các công ty quốc tế trong thiết kế và chế tạo vi mạch, các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo là bằng chứng cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai của ngành chế tạo vi mạch Việt Nam. Viện Ứng dụng Công nghệ nhận thấy được vai trò quan trọng của lĩnh vực vi mạch điện tử và sẽ là cầu nối giữa Viện, trung tâm nghiên cứu và nhà sản xuất, và sẵn sàng hợp tác để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.

Chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về tầm nhìn cho ngành thiết kế và chế tạo vi mạch cũng như chia sẻ thông tin về những tiến bộ gần đây trong công nghệ cảm biến, đồng thời cùng nhìn nhận về những thách thức và cơ hội mà Việt Nam phải đối mặt trong tương lai. Hội thảo cũng tập trung thảo luận về công nghiêp 4.0 và tác động của nó đến ngành công nghiệp tương lai của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng trao đổi và thảo luận về các nội dung gồm: Thách thức và cơ hội đối với ngành thiết kế và chế tạo vi mạch ở Việt Nam (BIC); Thiết kế vi mạch, mô phỏng và chế tạo (IDF); Công nghệ cảm biến bao gồm vật liệu; thiết bị và ứng dụng (ST); Công nghệ 4.0 và tác động của nó đến ngành công nghệ tương lai của Việt Nam (FIV).

Đến từ Đại học Nam Australia, ông Trần Phú Duy, chuyên gia nghiên cứu cảm biến và vi mạch, cho biết đơn vị này đang có hợp tác với Viện Ứng dụng Công nghệ của Việt Nam nghiên cứu và chế tạo cảm biến sinh hóa với độ nhạy siêu cao (cảm biến nano) có thể phát hiện nhanh nguy cơ tiền sản giật (các rối loạn mang thai tăng huyết áp...). Theo ông Duy Việt Nam hiện có nhiều nhóm nghiên cứu, nếu có hợp tác cụ thể để tạo ra sản phẩm ứng dụng vào thực tế sẽ tận dụng được lợi thế. Khi đó các kỹ sư sẽ được tham gia phát triển công nghệ nguồn từ ban đầu, có cơ hội học hỏi nâng cao trình độ nhanh hơn. Theo đó, Việt Nam cần có cơ chế thu hút những chuyên gia, nhà nghiên cứu có kiến thức mới, có khả năng đào tạo đội ngũ kỹ sư kế cận để phát triển ngành công nghiệp vi mạch. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chia sẻ về vấn đề này ông Mai Anh Tuấn, Giám đốc Phòng thí nghiệm MEMS/NEMS, Viện Ứng dụng Công nghệ cho rằng, hiện cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch của Việt Nam khá thuận lợi, đội ngũ kỹ sư trẻ tài năng nhưng do chưa được đào tạo bài bản nên không tận dụng được chuỗi giá trị của ngành này. Theo ông Mai Anh Tuấn đây là lý do khiến việc nghiên cứu và chế tạo vi mạch của Việt Nam chưa phát triển đúng như mong muốn và còn làm thuê, gia công là chủ yếu. 

Đại diện nhiều tập đoàn lớn của thế giới cũng tham gia Hội thảo nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối tại Việt Nam như: CM Engineering, Công ty Corial – CH Pháp; Công ty EV Group – CH Áo, NanoSens của Hà Lan và nhiều tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan... Ngoài các thảo luận tại phiên toàn thể về bức tranh toàn cảnh ứng dụng IoT, định hướng các nghiên cứu cơ bản các tập đoàn cũng chia sẻ nhu cầu và năng lực hợp tác. Các chuyên gia đến từ các tập đoàn này cũng có buổi đào tạo cho các giảng viên của đại học Việt Nam về công nghệ vi mạch, cảm biến, làm tiền đề để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Tin, ảnh: Bảo Chi