Bản in
Chương trình Nông thôn miền núi: Đưa doanh nghiệp đến gần KH&CN
Với việc triển khai thành công dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Olong và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu” từ năm 2017 đến nay thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đã mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Phóng viên đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường (Lai Châu) về: tình hình, hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), chế biến và bảo quản chè, những khó khăn thuận lợi khi doanh nghiệp tham gia Chương trình Nông thôn miền núi, ...

PV: Thưa bà, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường đã được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Olong và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu”, xin bà chia sẻ về những đổi thay của doanh nghiệp trước và sau khi triển khai dự án này?

- Bà Nguyễn Thị Loan: Khi chưa triển khai dự án, điều kiện của Công ty gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là, về triển khai trồng mới, toàn bộ giống cây chúng tôi phải đi mua ở các tỉnh lân cận với giá cả và chất lượng còn nhiều bất cập, tỷ lệ cây sống không cao. Thứ hai là, khi Công ty tiến hành trồng mới thì cũng chưa có quy trình kỹ thuật bài bản trong khâu trồng, chăm sóc,…Thứ ba là, việc thâm canh cây chè phục vụ việc kinh doanh gặp khó khăn, công nghệ chế biến còn lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, giá trị kinh tế thấp. 

Tuy nhiên, từ khi triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Olong và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu”  Công ty đã có những bước phát triển rõ rệt. Nếu như trước đây Công ty chỉ sản xuất chè sơ chế làm nguyên liệu thô, giá trị mang lại thấp thì nay đã có nhiều sản phẩm của Công ty đã được nâng lên cả về chất lượng và số lượng.

Cụ thể là, các quy trình trồng chè tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng trong dự án đã làm tăng năng suất và chất lượng, sản lượng nguyên liệu chè đã tăng lên từ 8 -10% so với trước đây. Đời sống người dân trong vùng trồng chè được nâng cao, người dân từ chỗ đời sống khó khăn, không ổn định đến nay nhiều gia đình đã sửa nhà, mua được xe máy, máy kéo, … tạo điều kiện cho con em ăn học.

Thương hiệu chè Tam Đường đến nay đã được cả nước biết đến, ngoài ra sản phẩm chè Tam Đường hiện nay cũng đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính trên thế giới như Đài Loan, Châu Âu, ...

Diện tích chè Kim Tuyên trên toàn tỉnh đã tăng từ 40 ha lên 610 ha, diện tích giống PH8 từ 20 ha lên đến 126 ha (năm 2018). Dự án đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất với hơn 2.000 hộ nông dân, giải quyết được hơn 4.000 lao động trong vùng. Số lượng công nhân nhà máy có thời điểm lên 200 người trong đó số lượng lao động  chính thức tại công ty gần 100 người, lao động thời vụ là 100 người.

Việc triển khai dự án còn giải được bài toán khó cho Công ty đó là bài toán về chế biến. Trước đây Công ty chỉ sản xuất, chế biến được rất ít sản phẩm phục vụ thị trường trong nước, nhưng hiện nay Công ty đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm khác nhau, ví dụ như: bột trà xanh Matcha, Kim Tuyên, Sencha, Olong xanh, Olong đen,… (bổ sung gồm những loại nào?) và được khách hàng chấp nhận. Bên cạnh phục vụ thị trường trong nước chúng tôi còn xuất khẩu (xuất khẩu sản phẩm nào?), giá trị xuất khẩu tăng so với trước khi tham gia dự án (năm 2016) (thời điểm trước là thời điểm nào?) là khoảng 25%.

Sau khi Công ty được lựa chọn triển khai dự án, Công ty đã chủ động được giống, ươm tại tỉnh Lai Châu và không những chủ động ươm được giống mà còn bán được giống cây ra thị trường. 

Một số sản phẩm chè của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường (Nguồn: https://tamduongtea.com.vn)

PV: Theo bà, những điểm mới của Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025 đã mang đến cho doanh nghiệp những cơ hội gì?

- Theo tôi, Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2025 có nhiều nét mới so với các giai đoạn trước, đó là lấy doanh nghiệp là trung tâm, xây dựng nhiều cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia,…đây là tín hiệu rất mừng cho các doanh nghiệp. Nếu như trước kia việc doanh nghiệp được tiếp cận với KH&CN còn hạn chế thì nay nhiều doanh nghiệp đã được tiếp cận, tham gia Chương trình rất hiệu quả, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp đã dần xác định được vai trò của KH&CN, việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào quá trình sản xuất. Hiện nay, nếu doanh nghiệp nào không áp dụng KH&CN vào sản xuất thì sẽ bị tụt hậu. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường thực sự may mắn khi được tiếp cận Chương trình Nông thôn miền núi qua hai giai đoạn. Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, tập thể doanh nghiệp, cũng như bà con nông dân, tôi nhận thấy Chương trình Nông thôn miền núi thực sự hữu ích cho chính bà con nông dân, doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Vậy, bên cạnh những thuận lợi Công ty có gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai dự án, thưa bà?

- Dự án được triển khai theo quy trình đã được quy định, tuy nhiên tính từ lúc phê duyệt đến khi triển khai cũng cần khá nhiều thời gian, mà trong lĩnh vực nông nghiệp nếu chờ đợi khi được phê duyệt mới triển khai thì doanh nghiệp cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia Chương trình trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản còn ít, do vậy dẫn đến hiệu quả mang lại chưa thực sự được như mong muốn, nhất là đối với các doanh nghiệp chưa có tiềm lực mạnh.

Theo tôi, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đưa nhiều thông tin hơn nữa về Chương trình đến với người dân đặc biệt là các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp để họ có thể tiếp cận, đề xuất triển khai các nhiệm vụ hợp lý, hiệu quả nhất.

Hoàng Anh (Lược ghi)