Bản in
“Patent Pool – mô hình liên kết thúc đẩy thương mại hoá sáng chế”
Mô hình giúp tránh những tranh chấp pháp lý về bằng sáng chế, chia sẻ thông tin và các rủi ro liên quan đến phát triển và thương mại hóa sản phẩm, tiết kiệm các chi phí liên quan tới bản quyền trong quá trình thương mại hóa.
Ngày 06/9/2019, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) chủ trì, phối hợp cùng Hội Sáng chế Việt Nam (V.I.A) và Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ ĐHQG-HCM (IPTC), tổ chức Hội thảo “Patent Pool – mô hình liên kết thúc đẩy thương mại hoá sáng chế” tại Tp. HCM. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SHTT), các giảng viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
 
Nội dung của buổi Hội thảo tập trung vào giới thiệu mô hình Patent Pool cùng những vấn đề liên quan như pháp luật về cạnh tranh, quản trị tài sản trí tuệ, khía cạnh đổi mới sáng tạo trong mô hình và trao đổi, thảo luận phương án xây dựng một mô hình tương tự để áp dụng cho Việt Nam. Đồng thời giới thiệu một số mô hình Patent Pool đang được áp dụng trên thế giới trong một số lĩnh vực như: dược phẩm, nông nghiệp, block chain, truyền thông vô tuyến điện…  
 
ThS. Phùng Minh Hải – Trưởng phòng Tư vấn chính sách và Thương mại hóa sáng chế (Viện SCCN) cho biết:  Patent Pool đóng một vai trò quan trọng để phát triển công nghệ sản xuất trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Patent Pool cung cấp cơ chế quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và sử dụng công nghệ và để giảm thiểu chi phí giao dịch trong trường hợp thương mại hóa sản phẩm hoặc dịch vụ yêu cầu sử dụng những công nghệ bao gồm nhiều bằng sáng chế.
 
ThS. Trần Giang Khuê – Phó Tổng Thư ký Hội sáng chế Việt Nam (V.I.A), cũng nhấn mạnh rằng: “Patent Pool giúp tránh những tranh chấp pháp lý về bằng sáng chế, chia sẻ thông tin và các rủi ro liên quan đến phát triển và thương mại hóa sản phẩm, tiết kiệm các chi phí liên quan tới bản quyền trong quá trình thương mại hóa. 
 
Bên cạnh những thuận lợi, ThS. Trần Giang Khuê  cũng cho biết,  mô hình này còn tồn tại nhiều tranh luận về các điểm hạn chế như: tăng tính độc quyền sáng chế, giảm tính cạnh tranh, phân chia lợi nhuận bất hợp lý và khả năng câu kết giữa các chủ sở hữu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
 
PGS. TS. Huỳnh Quyền – Phó Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, kiêm Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia Tp.HCM cũng bày tỏ mong muốn thành lập thí điểm một Patent Pool ngay trong trường để tận dụng được tối đa tài nguyên sáng chế, công nghệ hiện có của Nhà trường. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tại Hội thảo khuyến nghị, Đại học Quốc gia Tp.HCM cần có những đề tài nghiên cứu tương đồng với các giao dịch của doanh nghiệp bên ngoài. Việc làm này sẽ là cơ sở giúp Nhà trường đối chứng, phát triển công nghệ, sáng chế gần hơn với nhu cầu thực tiễn của xã hội, đồng thời xác định được khách hàng tiềm năng cho mô hình Patent Pool của trường.
 
Theo các chuyên gia, mô hình này rất cần để học tập và nghiên cứu vì hiện nay vai trò của công nghệ, sáng chế ngày càng được củng cố và nâng cao; số lượng đơn và bằng sáng chế của người Việt Nam nói chung và cả Việt Nam nói riêng đang tăng dần; các tập đoàn lớn về công nghệ đang dần được hình thành; do vậy Patent Pool hoàn toàn có thể là giải pháp phù hợp trong việc bảo vệ bản quyền và thúc đẩy thương mại hóa sáng chế trong thời gian tới.
 
Theo WIPO (2014), “Patent Pool” - thỏa thuận cùng chuyển giao hoặc sử dụng sáng chế - được hiểu là một thỏa thuận cấp li-xăng chéo cho một hoặc nhiều sáng chế giữa hai hay nhiều chủ sở hữu sáng chế cho nhau hoặc cho bên thứ ba. Thông thường, những thỏa thuận này có liên quan đến các công nghệ phức tạp, đòi hỏi phải có bằng sáng chế bổ sung nhằm cung cấp giải pháp kỹ thuật sao cho có hiệu quả.
 
Tin, ảnh: PV