Bản in
Phát triển công nghệ chế tạo vật liệu mới
Trước xu thế sử dụng các hệ vật liệu tổ hợp mới để chế tạo các dụng cụ đặc chủng cho người lính, các nhà khoa học của Trung tâm phát triển công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phối hợp các nhà khoa học của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu thành công hệ vật liệu mới đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất các thiết bị đặc chủng. Với những đóng góp quan trọng cho quốc phòng, an ninh, công trình nghiên cứu đã được tặng Giải thưởng Trần Ðại Nghĩa năm 2019.

Năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao Trung tâm Phát triển công nghệ cao triển khai dự án "Nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo vật liệu mới ứng dụng trong an ninh - quốc phòng". Hợp phần một của dự án là "Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo vật liệu tổ hợp bền, nhẹ, ứng dụng trong sản xuất các thiết bị, dụng cụ đặc chủng trang bị cho người lính" do TS Nguyễn Văn Thao (Trung tâm phát triển công nghệ cao) và TS Lê Văn Thụ (Cục Trang bị và Kho vận, Bộ Công an) làm chủ nhiệm. Mục tiêu của hợp phần này là chế tạo và sản xuất sản phẩm chống va đập, chống đạn trang bị cho lực lượng công an, quân đội và các lực lượng bảo vệ chuyên trách khác khi thực thi nhiệm vụ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, chế tạo thành công các hệ vật liệu nhẹ, dẻo, độ bền cao, như: polymenanocompozit, nanocompozit, gốm oxit nhôm. Trên cơ sở các hệ vật liệu này, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công ba sản phẩm, gồm: áo phao chống đạn súng ngắn K54, áo phao chống đạn súng tiểu liên AK47, tấm chống đạn súng bắn tỉa đạt tiêu chuẩn chống đạn NIJ 01.01.06 của Mỹ. Bên cạnh đó, còn cải tiến một số sản phẩm đã có như mũ bảo hiểm chống va đập, bộ ốp bảo vệ tay chống va đập, bộ ốp mềm bảo vệ chân, tấm chống đạn súng tiểu liên AK47 bằng các loại vật liệu gia cường có kích thước nanomet. Các sản phẩm mới và cải tiến đều giảm trọng lượng so với sản phẩm của nước ngoài, nhưng tính năng chống đạn, chống va đập không thay đổi. Các sản phẩm đã được thử nghiệm khả năng chống đạn bằng bắn đạn thật theo tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu đã được triển khai sản xuất thử nghiệm tại đơn vị triển khai ứng dụng là Viện Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và tài liệu nghiệp vụ (Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an).

Hợp phần 2 của dự án là "Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số chủng loại hợp kim vonfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự" do PGS, TS Ðoàn Ðình Phương (Viện Khoa học Vật liệu) làm chủ nhiệm. Ðạn xuyên động năng là thế hệ đạn thứ hai thay thế cho đạn nổ, là vũ khí tiêu diệt xe tăng địch mà quân đội của mọi quốc gia cần phải trang bị. Vấn đề khoa học đặt ra là chế tạo được vật liệu có tỷ trọng lớn, độ bền cao làm tiền đề cho chế tạo đạn xuyên động năng. Ðể giải quyết vấn đề tỷ trọng, nhóm nghiên cứu đã dùng công nghệ ép nóng đẳng tĩnh ở nhiệt độ và áp suất cao nhằm tạo ra hợp kim có mật độ sít chặt hoàn toàn và đồng đều trong toàn bộ thể tích. Ðể tăng độ dai cho hợp kim, nhóm đã tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu về vật lý kim loại. Ðáng chú ý, đã tìm ra phương pháp loại bỏ pha êta trong cấu trúc hợp kim, đây là pha gây giòn, làm cho độ dai của hợp kim giảm mạnh. Phát hiện này đã được nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế ISI có uy tín về vật liệu kim loại và gốm. Kết quả, lõi đạn xuyên động năng bằng hợp kim WC-Ni do nhóm nghiên cứu chế tạo đạt được mọi yêu cầu kỹ thuật đề ra về tỷ trọng, độ bền, độ dai, độ cứng và độ đồng đều. Kết quả bắn thử nghiệm đạn thật cho thấy, đạn xuyên động năng pháo 85 mm có sử dụng lõi xuyên do nhóm chế tạo đã đạt được các yêu cầu về độ xuyên thép, cũng như các yêu cầu kỹ thuật khác. Ðược biết, chế tạo đạn xuyên động năng đã được ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam triển khai nghiên cứu từ lâu nhưng chưa thành công do không chế tạo được lõi xuyên đạt yêu cầu kỹ thuật về tỷ trọng, độ dai, độ bền. Ðây là lần đầu loại đạn xuyên động năng được chế tạo thành công ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đang được Tổng Cục công nghiệp quốc phòng tiếp tục ứng dụng để chế tạo các loại đạn chống xe tăng cho pháo lớn hơn với chiều sâu xuyên và uy lực lớn hơn.

TS. Nguyễn Văn Thao cho rằng, công trình thể hiện sức mạnh của việc phối hợp nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, thay vì độc lập nghiên cứu như trước đây. Kết quả nghiên cứu tạo tiền đề để mở rộng nghiên cứu một số sản phẩm chống va đập, chống đạn mới, như: lá chắn chống va đập, bộ giáp bảo vệ toàn thân chống va đập, mũ chống đạn, mặt nạ chống đạn, kính chống đạn, bục diễn thuyết chống đạn, bốt gác chống đạn...