Bản in
Hội thảo giới thiệu “Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN phối hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ” tại TP.HCM
Sản phẩm của dự án phải có tính mới, hướng tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) là đơn vị chủ trì và cần có ít nhất một doanh nghiệp vừa và nhỏ phối hợp thực hiện;… là những yêu cầu bắt buộc của Việt Nam mà các đơn vị cần chú ý khi tham gia Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN phối hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ (Chương trình ZIM).

Thông tin trên được bà Hoàng Hiền Hậu – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN nhấn mạnh tại Hội thảo giới thiệu “Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN phối hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ (Chương trình ZIM)” do Bộ KH&CN phối hợp với Ban quản lý Dự án, Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức tổ chức ngày 30/5 tại TPHCM.

ZIM là Chương trình được thực hiện trong khuôn khổ Ý định thư về Hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức ký kết tháng 12/2012. Để tham gia chương trình này, là bắt buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu được tài trợ phải đưa ra được công nghệ có tính mới, vượt trội và có định hướng thương mại hóa sản phẩm. 

Ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam chia sẻ tại Hội thảo

Bà Hoàng Hiền Hậu cho biết, ngoài những yêu cầu chung về phía Đức, phía Việt Nam cũng có một số yêu cầu riêng như Hồ sơ đề xuất tham gia gồm đề cương theo mẫu 01 Thông tư 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 và công văn đề xuất của Bộ chủ quản gửi Bộ KH&CN. Quy trình xét duyệt hồ sơ cũng được tuân thủ theo thông tư này. Các đơn vị khi gửi hồ sơ đề xuất xét duyệt cần gửi đến cả hai cho Bộ Kinh tế và Năng lượng Liêng bang Đức và Bộ KH&CN Việt Nam.

“Dự án tham gia Chương trình ZIM có thể được Đức xét duyệt tài trợ kinh phí 100% hoặc được cả Việt Nam hoặc Đức hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện dự án về phía đối tác phải đạt tối thiểu 40% tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, nghĩa là kinh phí từ Việt Nam cấp không được quá 1,5 lần kinh phí từ phía Đức cấp”- bà Hậu nói.

Ông Felix Richter, Đại diện Cơ quan Quản lý dự án của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức phát biểu tại Hội thảo

Ông Felix Richter, Đại diện Cơ quan Quản lý dự án của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết, Đức không yêu cầu đơn vị tham gia dự án phải có tổ chức KH&CN chủ trì mà các đơn vị tham gia phải có đủ số lượng người được đào tạo, tâm huyết với các nghiên cứu của mình để có thể theo đuổi đến hết quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án.

“Sản phẩm có phải tính mới, công nghệ mới hoặc những phát minh, sáng chế có khả năng thương mại hóa. Sáng kiến hoặc quy trình công nghệ, sản xuất cải tiến được kế thừa từ kết quả nghiên cứu trước đó cũng được xem xét hỗ trợ” – ông Felix Richter nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, không cần thiết phải có công văn đề xuất của Bộ chủ quản; rút ngắn thời gian xét duyệt dự án từ phía Việt Nam (từ 6 -8 tháng), trong khi phía Đức chỉ từ 3 – 4 tháng; đảm bảo công bằng về sở hữu trí tuệ;… Bà Hậu cho biết, do việc nộp, quy trình xét duyệt hồ sơ đều phải theo Thông tư 12/2014/TT-BKHCN nên trước mắt các vấn đề trên chưa được tháo gỡ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi thông tư này được sửa đổi, Bộ KH&CN sẽ xem xét việc bỏ quy định xác nhận của Bộ chủ quản. “Ngoài ra, khi thực hiện dự án, hai bên đều ký thỏa thuận hợp tác trong đó có phần về sở hữu trí tuệ. Sản phẩm dự án đều đồng sở hữu, nên hai bên cần trao đổi, thỏa thuận đối với từng sản phẩm cụ thể về vấn đề này” – theo bà Hậu.

Ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam chia sẻ, mục tiêu của Chương trình ZIM nhằm tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu chung, hướng tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Vì vậy, các tổ chức KH&CN cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. “Để tham gia Chương trình ZIM, các đơn vị hai nước cần có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng về con người, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác” – ông Đà nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Lê Chi