Bản in
4 người trẻ Việt được Forbes vinh danh là ai?
Từ 2000 cái tên đến từ 23 quốc gia và lãnh thổ tại châu Á Thái Bình Dương, 4 đại diện Việt Nam đã được Forbes vinh danh trong 4 lĩnh vực khác nhau.

 Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á năm 2019.


Danh sách được lựa chọn từ hơn 2.000 người, chia thành 10 lĩnh vực khác nhau như Tài chính & Quỹ đầu tư mạo hiểm, Giải trí & Thể thao, Y tế & Khoa học, Nghệ thuật, các lĩnh vực công nghệ… Mỗi lĩnh vực gồm 30 người.

Là đại diện cho 23 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những nhân vật được chọn đều là người có tầm ảnh hưởng, tạo xu hướng và góp phần tạo nên thành công ở mỗi lĩnh vực mà họ đại diện. Năm nay cũng là năm đầu tiên Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Lào có người lọt vào danh sách này.

Việt Nam cũng có 4 gương mặt trẻ xuất sắc lọt vào danh sách này:

Lý Khánh Hậu (28 tuổi, lĩnh vực Tài chính và Đầu tư mạo hiểm) 
 
 
Lý Khánh Hậu - Quản lý đầu tư tại 500 Startups Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
 
Lý Khánh Hậu là nhà quản lý đầu tư tại 500 Startups Việt Nam – quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô 14 triệu USD với mục tiêu đầu tư vào các startup tiềm năng có liên hệ với Việt Nam. Cô đã giúp quỹ đầu tư huy động 3 triệu đô la cho khoảng 40 công ty khởi nghiệp, những công ty này sau đó huy động được hơn 100 triệu đô la trong các vòng gọi vốn tiếp theo.
 
 
Ảnh: Forbes
 
Năm 2019, Lý Khánh Hậu sẽ điều hành chương trình tăng tốc khởi nghiệp Saola (Saola Accelerator) do 500 Startups Việt Nam và nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc GS Shop hợp tác thực hiện.

Lý Khánh Hậu từng giữ các vị trí trong các mảng từ Marketing đến quản lý tại các trung tâm khởi nghiệp, các tổ chức tài chính vi mô, và các startups tại Mỹ, Đức và Việt Nam.

Kevin Tùng Nguyễn (29 tuổi, lĩnh vực Doanh nghiệp công nghệ)

Kevin Tùng Nguyễn là người đồng sáng lập của JobHop, một dịch vụ tuyển dụng với mục tiêu đơn giản hóa và tăng hiệu quả quy trình tuyển dụng cho các nhà quản lý nhân sự.

JobHop sẽ chuyển hồ sơ xin việc trên các trang web Việt Nam và nhu cầu tuyển dụng của các công ty thành từ khóa và dùng thuật toán trên máy tính để kết nối những điểm tương đồng giữa hai bên lại với nhau. Với công nghệ AI, JobHop có thể tự động hóa việc kết nối này với quy mô lớn hơn, ước tính vài chục ngàn bộ hồ sơ mỗi ngày.
 
 
Kevin Tùng Nguyễn - Đồng sáng lập của JobHop
 
Theo JobHop, công ty đã trở thành cầu nối cho 500.000 người tìm việc và 2.000 doanh nghiệp kể từ khi thành lập năm 2016. JobHop được kỳ vọng có thể dự báo nhu cầu nhân lực chính xác trên từng lĩnh vực, trên từng kỹ năng và xa hơn là có thể kết nối với các đối tác đào tạo để phát triển mạnh nguồn nhân lực ở Việt Nam.

Kevin Tùng Nguyễn tốt nghiệp chuyên ngành Kinh Tế - Tài Chính của đại học Arizona, Hoa Kỳ và hoàn thành Chương trình Điều hành tại trường Kinh tế Stanford. Sau đó, anh trở về Việt Nam và khởi nghiệp trong lĩnh vực nhân sự, dùng công nghệ để thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Đông Nam Á chỉ có hai mô hình như vậy là JobHop (Việt Nam) và Urbanhire (Indonesia).

Ngô Hoàng Gia Khánh (29 tuổi, lĩnh vực Bán lẻ và Thương mại điện tử)

Ngô Hoàng Gia Khánh là thành viên Ban điều hành, Giám đốc Tài chính và Phát triển của Tiki - một trong những cái tên nổi bật trong ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Khi anh gia nhập Tiki vào khoảng 4 năm trước, công ty vẫn tập trung chủ yếu vào việc bán sách trực tuyến. Anh đã làm việc với người sáng lập Trần Ngọc Thái Sơn để phát triển Tiki trở thành nền tảng thương mại điện tử quy mô đa mặt hàng, một trong những trang thương mại điện tử có lưu lượng lớn nhất Việt Nam.
 
 
Ngô Hoàng Gia Khánh. Ảnh: Forbes
 
Năm 2017, Tiki đã huy động được hơn 44 triệu USD từ JD.com - hãng bán lẻ lớn thứ 2 Trung Quốc và VNG - công ty Internet và công nghệ hàng đầu Việt Nam. Đầu năm 2018, Tiki tiếp tục nhận được khoảng đầu tư ước tính tầm 50 triệu USD công ty liên doanh SparkLabs Ventures (Hàn Quốc). Tiki đang nghiên cứu phát triển vài ứng dụng trên điện thoại và bổ sung thêm nhiều dịch vụ mới.

Từ khi còn là sinh viên, Ngô Hoàng Gia Khánh đã đạt giải nhất cuộc thi "Thử sức nhà tuyển dụng " năm 2010 và được tuyển thẳng vào Chương trình tuyển dụng tốt nghiệp của công ty đa quốc gia Deloitte (Deloitte Graduate Program). Deloitte là mạng lưới cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn thứ hai trên thế giới theo doanh thu, bao gồm các dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn, tư vấn tài chính với hơn 225,400 chuyên viên trên khắp thế giới.

Lê Tấn Thanh Thịnh (28 tuổi, lĩnh vực Truyền thông, Tiếp thị và Quảng cáo)

Lê Tấn Thành Thịnh là đồng sáng lập kiêm CEO của BrandBeats, cung cấp dịch vụ tư vấn và triển khai kênh truyền thông qua âm nhạc (music marketing). BrandBeats kết nối các chuyên gia xây dựng thương hiệu với các nhà sản xuất âm nhạc để xây dựng các chiến dịch truyền thông hiệu quả. Mục tiêu của BrandBeats dùng âm nhạc là yếu tố chính để tạo nên cảm xúc cho người xem, mang "nhịp đập thương hiệu" đến gần trái tim khách hàng, vượt ra khỏi giới hạn của các kênh truyền thông truyền thống.
 
 
Lê Tấn Thanh Thịnh. Ảnh: Forbes
 
BrandBeats đã hợp tác với nhiều thương hiệu lớn như Pepsi, Unilever, P&G hay Nestle và là một trong ba startup Việt nhận được lời mời tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018.

Lê Tấn Thanh Thịnh từng là Quản lý thương hiệu và Quản lý phát triển sản phẩm mới tại Tập đoàn Carlsberg Việt Nam, sau đó tham gia vào 2 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và đào tạo kỹ năng cho trẻ em. BrandBeats của Thịnh và 2 nhà đồng sáng lập khác là những người đầu tiên triển khai music marketing ở Việt Nam, can đảm tách riêng mảng âm nhạc ra khỏi một chiến lược truyền thông tổng thể, và thu được những thành công nhất định.

Năm ngoái, Việt Nam có 5 đại diện là Nguyễn Văn Quang Huy - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc kỹ thuật của Holistics Software, Phạm Anh Đức - CEO của Vicare, Lưu Thế Lợi và Victor Tran - Đồng sáng lập Kyber Network và Tống Nhật Dương - Đồng sáng lập Homage.
Những người trẻ Châu Á được Forbes vinh danh năm nay không chỉ lập nghiệp với mục tiêu là lợi nhuận ngắn hạn, mà còn hướng tới việc tạo ra các tác động tích cực dài hạn. Họ tận dụng công nghệ để vừa giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội vừa xây dựng nên các doanh nghiệp thành công. Những cá nhân này chính là những nhân tố sáng tạo đổi mới đang dẫn đầu tiến trình thay đổi toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và đang phát triển.



Một trong số đó là Manuri Gunawardena, 25 tuổi, nhà sáng lập và CEO của HealthMatch. Xuất thân là một sinh viên y khoa của đại học New South (Úc), Gunawardena nhận ra ngành y đang vật lộn với việc tìm kiếm bệnh nhân tham gia vào thí nghiệm thuốc và các phương thức chữa bệnh, trong khi đó các bệnh nhân lại gặp khó trong việc tìm kiếm phương thức chữa bệnh thay thế. 

Startup của Gunawardena ứng dụng công nghệ máy học để phân tích các thông tin lâm sàng nhằm giúp các nhà nghiên cứu và công ty dược tìm kiếm các bệnh nhân phù hợp với các dự án nghiên cứu đang thực hiện và ngược lại. 

Một đại diện đến từ Campuchia là Richard Yim, đồng sáng lập của Demine Robotics. Một trong những sản phẩm của công ty là Jevit - rô bốt điều khiển từ xa đầu tiên trên thế giới có thể dỡ mìn lên mặt đất mà không gây nổ. Richard kỳ vọng sản phẩm của anh không chỉ được sử dụng tại Campuchia, nơi 64.000 người mất mạng vì những vụ nổ mìn từ năm 1979, mà còn trở nên hữu ích tại những khu vực phải hứng chịu hậu quả của những tranh chấp quân sự như Afghanistan, Colombia và Iraq. 

Danh sách năm nay có một đại diện đến từ Mông Cổ: Orchlon Enkhtsetseg - CEO của Clean Energy Asia, một startup năng lượng đã kêu gọi được 128 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư để xây dựng trang trại năng lượng gió 50MW đầu tiên trên sa mạc Gobi.