Bản in
Xây dựng mô hình quản lý hoạt động SHTT: Mô hình từ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã thực hiện Dự án “Xây dựng và vận hành tổ chức quản lý hoạt động SHTT trong Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam”.

Thông qua đó, Viện đã xây dựng được hệ thống tổ chức quản lý TSTT và chính sách quản lý hoạt động SHTT; nâng cao nhận thức của cán bộ nghiên cứu về vai trò của SHTT trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và triển khai công nghệ... Đặc biệt, mô hình quản lý TSTT của Viện đã chứng minh hiệu quả trong thực tế và rất phù hợp mà các bộ/ngành khác có thể học hỏi, áp dụng.


Dự án đã đề xuất mô hình tổ chức quản lý hoạt động SHTT và các quy trình liên quan đến công tác quản lý, đăng ký TSTT, quyền SHTT theo các ngành nghiên cứu chính của Viện, trong đó quy định rõ về các đối tượng TSTT được hình thành trong quá trình nghiên cứu và hoạt động của Viện bao gồm: (i) Quyền tác giả đối với tác phẩm giáo trình, bài giảng, báo cáo khoa học, các quy trình kỹ thuật, phần mềm máy tính; (ii) Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, GPHI, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh và (iii) Quyền đối với giống cây trồng mới.
 
Sau khi kết thúc Dự án (năm 2016) đến nay, Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ đã tiếp tục áp dụng các kết quả nghiên cứu của Dự án trong thực tiễn quản lý hoạt động SHTT của Viện và thu được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như sau: Nâng cao nhận thức của cán bộ nghiên cứu về vai trò SHTT trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và triển khai công nghệ. Từ đó thúc đẩy đăng ký bảo hộ SHTT của các nhà khoa học thuộc Viện. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Viện đã có 40 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích. Con số này gấp 1,5 lần so với năm 2016 (27 bằng) và gấp 2 lần so với năm 2015 (18 bằng); Tổ chức hoàn thiện Phòng Thông tin sở hữu công nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin tư liệu. Các cán bộ trong phòng đã cùng với Trung tâm Vệ tinh quốc gia hoàn thiện đơn đăng ký sáng chế “Quy trình cân bằng bộ giả lập môi trường không gian không trọng lượng sử dụng khớp cầu đệm khí” và đã có quyết định của Cục SHTT về việc chấp nhận đơn hợp lệ; Nhận thức tầm quan trọng của việc tăng cường đăng ký bảo hộ SHTT, Viện đã cho phép Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao hiệu quả hoạt động SHTT của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam giai đoạn 2016-2020”.
 

Các kết quả của Dự án là cơ sở khoa học để xây dựng và triển khai 2 hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ ở Viện gồm: (i) Các nhiệm vụ phát triển công nghệ được xét duyệt cấp kinh phí 100% với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ mới, nâng cao số lượng văn bằng SHTT của Viện. Sản phẩm mà các nhiệm vụ thuộc chương trình này phải đạt là văn bằng bảo hộ sáng chế, GPHI hoặc giống cây trồng, vật nuôi mới và (ii) Các dự án phát triển sản phẩm thương mại có mục tiêu nhằm hỗ trợ các nhà khoa học của Viện có bằng sáng chế, GPHI hợp tác với doanh nghiệp để phát triển sản phẩm thương mại theo yêu cầu thị trường và thương mại hoá các sản phẩm. Tài sản hình thành từ Dự án được phân chia theo quy định của Viện, phù hợp với quy định của pháp luật. 
 
Như vậy có thể thấy, SHTT đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, là 1 trong 3 tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở nghiên cứu và đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia. Với tiềm lực KH&CN đứng đầu quốc gia (thể hiện qua số lượng và chất lượng công bố quốc tế), Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã từng bước hoàn thiện mô hình, chính sách quản lý SHTT nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng khai thác, bảo hộ SHTT cho các nhà khoa học, quản lý của Viện, tạo động lực sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN của Viện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.   
 
Trong thời gian tới, để nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề SHTT, rất cần các cơ chế, chính sách mang tầm quốc gia. Nhà nước cần ban hành các chính sách như: Hỗ trợ bảo hộ SHTT cho các sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước; Hỗ trợ ứng dụng, triển khai thương mại hóa các sáng chế, giải pháp hữu ích; Thúc đẩy hình thành các tổ chức quản lý, khai thác TSTT của các trường đại học và viện nghiên cứu.
 
Minh Nguyệt