Bản in
Doanh nghiệp Việt và nguy cơ bị “chiếm đoạt” quyền SHTT ở nước ngoài
Gần đây đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp Việt Nam bị mất quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở nước ngoài do chậm đăng ký bảo hộ, khiến cho hàng hóa không thể tiếp cận thị trường nước ngoài. Việc lấy lại các tài sản trí tuệ bị mất là rất khó khăn, tốn kém về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.

Còn coi nhẹ đăng ký bảo hộ SHTT tại nước ngoài

Tài sản trí tuệ ngày càng trở thành loại tài sản quan trọng của tổ chức, cá nhân và nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng mới, tài sản trí tuệ còn bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và bí mật kinh doanh, v.v. Tài sản trí tuệ là nhân tố quyết định gia tăng giá trị của sản phẩm và dịch vụ, cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. 
 
Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức về vai trò của tài sản trí tuệ và đã thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của mình. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở thị trường nước ngoài còn rất ít, ngay cả khi các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng một số tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam bị “đánh cắp” ở thị trường nước ngoài như nhãn hiệu thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc hay kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi, v.v. 
 
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ là do doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ loại tài sản này ở nước ngoài nên đã bị một số cá nhân, tổ chức đăng ký trước để “chiếm đoạt”. Việc đăng ký chiếm đoạt thường để bán lại với giá cao nhằm thu lợi hoặc lợi dụng uy tín của sản phẩm, doanh nghiệp hay để ngăn cản hàng hóa thâm nhập thị trường nước sở tại, v.v.. Hậu quả của tình trạng này là làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như làm tốn kém thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam.
 
 
Hợp tác về bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Mexico
 
Khẳng định việc đăng ký, bảo hộ quyền SHTT sẽ mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích, ông Đinh Hữu Phí cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể đó là:  doanh nghiệp được độc quyền sử dụng đối tượng SHTT tại lãnh thổ quốc gia/khu vực nhận được sự bảo hộ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn và hợp pháp. Bên cạnh đó, chủ sở hữu cũng có thể chuyển giao hoặc chuyển nhượng các độc quyền này cho các chủ thể khác để thu lợi; bảo đảm giá trị pháp lý đối với giá trị gia tăng được tạo ra từ các đối tượng SHTT; tạo lợi thế trong đàm phán, thương lượng hợp tác hoặc lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh; hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt quyền SHTT ở thị trường nước ngoài, qua đó tránh hoặc tiết kiệm được thời gian và các chi phí giải quyết tranh chấp phát sinh; và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng thông qua việc phát triển thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.
 
Ba “con đường” bảo hộ SHTT tại nước ngoài
 
Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp khi có ý định kinh doanh quốc tế thì cần xem xét việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT của mình ở nước ngoài (đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải đăng ký mới được bảo hộ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, v.v.), đặc biệt là ở các nước là thị trường xuất khẩu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quyền SHTT có tính lãnh thổ, nghĩa là quyền  SHTT được đăng ký ở nước hoặc khu vực nào thì có hiệu lực ở nước đó. Do vậy, để được bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ tại quốc gia mà chủ đơn mong muốn nhận được bảo hộ. Thông thường, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài được thực hiện thông qua ba “con đường”, đó là con đường quốc gia, con đường khu vực và con đường quốc tế, nghĩa là doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký quyền SHTT tại Cơ quan SHTT quốc gia, Cơ quan SHTT khu vực hoặc sử dụng các hệ thống đăng ký toàn cầu do WIPO thiết lập.
 
 
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHXHCN Việt Nam và Vụ Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nước CHDCND Lào
 
Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) và Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Đây là hai hệ thống giúp cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự bảo hộ sáng chế ở 152 nước thành viên PCT và bảo hộ nhãn hiệu ở 101 nước thành viên một cách thuận lợi và tiết kiệm. Hiện nay, Cục SHTT cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, theo đó doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đăng ký bảo hộ đối tượng này ở 68 nước trên thế giới. Việc nộp đơn qua các hệ thống đăng ký của WIPO sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm nhiều thời gian và chi phí. 
 
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ KH&CN, Cục SHTT không ngừng nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý trong nước, đẩy mạnh đàm phán, ký kết và gia nhập các thỏa thuận quốc tế, cũng như triển khai một số chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động này. “Cục SHTT sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài thông qua việc đàm phán, gia nhập các thỏa thuận quốc tế về SHTT, thực hiện hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin, cũng như tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh,” ông Phí khẳng định. 
 
Tuy vậy, bên cạnh sự nỗ lực, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần ý thức hơn nữa sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở nước ngoài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập thị trường, và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu mục tiêu./.