Bản in
“Nhà sáng chế” không chuyên và những sáng tạo phục vụ cuộc sống
Dù không có nhiều kiến thức, không được đào tạo bài bản, nhưng với lòng đam mê cháy bỏng, nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo đã nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm thiết thực, không những đem lại lợi ích cho bản thân gia đình, mà còn góp phần không nhỏ trong việc làm giàu cho đất nước. Họ đã trở thành những nhà sáng chế không chuyên nghiệp mà người dân vẫn yêu mến gọi là nhà khoa học “chân đất”

Từ thực tiễn cuộc sống 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, gắn bó với nghề nông từ nhỏ, thấu hiểu những vất vả của người nông dân; vì thế dù không được đào tạo qua trường, lớp, nhưng với mong muốn giúp người dân bớt nhọc nhằn, giải phóng được sức lao động, anh Tạ Đình Huy đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều loại máy móc, giúp người dân tiếp cận phương thức canh tác mới và trở thành "nhà sáng chế" đáng nể trong lĩnh vực sản xuất các loại máy nông nghiệp. 
 
Anh Huy cho biết, lúc nhỏ đang tuổi nghịch rất hay chế tạo những đồ chơi trẻ con..khi lớn nhận thức được ra khoảng lớp 8, 9 bắt đầu có ước mơ sau này được học được đào tạo chế tạo máy móc hay làm bất cứ cái gì đó liên quan máy móc cơ khí. Đó là niềm đam mê từ nhỏ. Khi học lớp 10 bố mất sớm thì gần như tan biến. Học hết lớp 12, anh Huy chuyển sang hướng khác đi học nghề, kiếm kế sinh nhai cho bản thân. 
 
Trong thời gian học rồi khi ra ngoài làm nghề sửa chữa xe máy cho mọi người kiếm kế sinh nhai cũng không khiến anh từ bỏ ước mơ, lúc nào cũng khao khát làm được một việc gì đó với niềm đam mê giúp bà con nông dân cải tiến công cụ lao động, tăng năng xuất, từ đó anh muốn áp dụng cơ giới hóa, muốn chế cái gì đó mà nó áp dụng vào nông nghiệp. 
 
Sau 12 năm mày mò, chàng trai trẻ Tạ Đình Huy đã thành công trong việc chế tạo chiếc máy nông nghiệp tiện lợi để phục vụ cho bà con nông dân. Ban đầu máy chỉ có ba chức năng là cày, phun thuốc trừ sâu và bơm nước; sau đó máy được tích hợp 8 rồi đến 15 chức năng trong 1 gồm: cày, tạo luống, phay đất, bừa, bơm nước, tạo hàng để gieo hạt, làm cỏ vườn, kéo rơmóc, tời kéo, đào bồn cà phê, đảo phân vi sinh, phun thuốc bảo vệ thực vật, phát điện, nghiền thức ăn chăn nuôi, đào hố trồng cây. 
 
Quá trình hoàn thiện chiếc máy không phải là quãng thời gian dễ dàng với Huy bởi nhiều người không tin một cậu trai làng không có bằng cấp gì như Huy có thể làm nên chuyện. Thế nhưng thành công đến với chàng trai trẻ ngay lần đầu thử nghiệm ngoài đồng với sự chứng kiến của rất nhiều người dân.
 
“Tiếng lành đồn xa”, khách hàng tìm đến đặt hàng anh sản xuất chiếc máy đa năng này ngày một nhiều. Tính đến nay, xưởng sản xuất của chàng trai trẻ này đã cho ra đời hơn 1.000 máy theo đơn hàng của nông dân trên khắp cả nước. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường nhiều loại máy khác nhau như: máy chăm sóc cây ngô, làm cỏ rau, trồng hoa ly v.v. Với những nỗ lực của mình, năm 2016, Tạ Đình Huy được Thành Ðoàn Hà Nội vinh danh là một trong mười gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu. 
 
 
Các nhà sáng chế không chuyên đến thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mở ra cơ hội để họ liên kết, hợp tác với các nhà khoa học.   Ảnh: THANH HẢI
 
Có mặt tại xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương vào những ngày giữa năm, ngay khi vừa đặt chân đến nhà anh Phạm Văn Hát, chúng tôi đã thấy anh đang miệt mài bên một chiếc máy nông nghiệp do anh nghiên cứu, cải tiến. Ngoài chiếc máy này, anh Hát còn đang khẩn trương cho ra lò nhiều loại máy nông nghiệp khác để phục vụ cho bà con nông dân. 
 
Có được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết rằng anh Hát đã trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng gục ngã. Trước đó, năm 2007 anh mạnh dạn vay hơn 3 tỷ đồng đầu tư trồng rau sạch; sau 3 năm gắn bó với trang trại vận may đã không mỉm cười với anh, Phạm Văn Hát không những trắng tay mà còn ôm một món nợ khổng lồ. 
 
“Có những khi tôi mượn bạn bè anh em tới gần 20 cái sổ đỏ. Nói chung ở nông thôn nợ 3,7 tỷ là cả 1 vấn đề. Có những khi hai vợ chồng nằm nghĩ với nhau nhưng tâm sự là có khi đến đời con mới trả được nợ những cũng nhờ ý chí nghị lực và đường đi nước bước của mình phù hợp trong vòng 3 năm anh đã trả hết nợ”, anh H chia sẻ. 
 
Để trả nợ, năm 2011 anh Hát quyết định sang Israel để vừa lao động kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Tại đây, chính mảnh đất Israel đã nảy nở nên “cái duyên” sáng chế máy nông cụ của Phạm Văn Hát.
 
Chiếc máy gieo hạt tự động này là kết quả 2 năm miệt mài nghiên cứu của anh Phạm Văn Hát. Ưu điểm của máy là có thể điều chỉnh đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn, thay thế được cho 40 người làm việc. Máy hiện đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố và 14 nước trên thế giới như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.v.v là những nơi có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới.
 
Hiện nay ngoài việc trả hết số nợ cũ sau 3 năm trở về…., vợ chồng anh Hát đã mua thêm mảnh đất 200 m2 cạnh nhà để mở xưởng sản xuất, tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời nhiều hơn nữa những sản phẩm nông nghiệp để phục vụ bà con nông dân. 
 
Hiện gia tài của anh có hơn 30 sản phẩm máy nông nghiệp đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Nhìn sản phẩm và hiệu quả do chúng mang lại, ít ai có thể nghĩ rằng người tạo ra chúng mới chỉ học hết lớp 7 và chưa hề qua bất kỳ trường, lớp đào tạo nào. Tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV giai đoạn 2010-2015, anh Phạm Văn hát Hát đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng Ba.
 
Nhà nước hỗ trợ gì?
 
Mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng cả anh Tạ Đình Huy và anh Phạm Văn H đều cho biết, do là nông dân nên khâu làm thủ tục đang ký sáng chế còn gặp nhiều khó khăn, một trong những khó khăn đó là việc đăng ký bản quyền tác chế do dù chiếc máy của anh H đã được bao nhiêu nước trên thế giới đã sử dụng, đăng ký bản quyền sáng chế vẫn rất khó khăn ở Việt Nam. 
 
Tại Việt Nam yêu cầu mô hình, bản kê khai, mà chúng tôi nhà sáng chế không được học, thì biết vẽ gì, viết gì? Còn bên nước ngoài chỉ cần mang ra chứng minh thay thế bằng bao nhiêu người, hiệu quả thì sẽ được công nhận sáng chế đó là của mình. Rất may là vừa rồi đại diện Cục sở hữu trí tuệ cũng đã cho người hỗ trợ tôi….hiện tôi đã nộp đơn, anh H cho biết thêm.
 
Theo thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, dù hiện chưa có cơ quan nào thống kê những đóng góp của các nhà khoa học không chuyên cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên nhiều sáng kiến, sáng chế đã phát huy tác dụng tích cực trong hoạt động sản xuất. Những thiết bị phục vụ công việc đồng áng, chăn nuôi, chăm sóc và bảo vệ hoa màu như máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy nghiền ngô, máy bóc vỏ lạc, xe phun thuốc sâu v.v. được nông dân chế tạo, nghiên cứu theo “đơn đặt hàng của cuộc sống” đã phần nào giúp cho người nông dân đỡ vất vả hơn khi làm những công việc đồng áng.
 
 
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà sáng chế không chuyên
 
Nhằm khuyến khích sức sáng tạo từ người dân, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, tổng số đơn sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam dự kiến sẽ tăng 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, tức là đạt khoảng gần 6.000 đơn. Để thực hiện thành công mục tiêu này,  sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế về KH&CN từ các bộ, ban, ngành là hết sức quan trọng. 
 
Cũng theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN thì việc hỗ trợ cho các nhà sáng chế trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016-2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt gồm các nội dung: hỗ trợ tư vấn để cho các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, khai thác các nguồn thông tin sáng chế; tư vấn hỗ trợ để các nhà sáng chế đăng ký xác lập quyền bảo hộ cái thành quả sáng tạo của mình; hỗ trợ hoàn thiện, khai thác, áp dụng những sáng chế đã được bảo hộ vào trong thực tế cuộc sống để thương mại hóa những sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ; vinh danh, khen thưởng những nhà sáng chế mà có những giải pháp được áp dụng đem lại những cái hiệu quả to lớn; tổ chức triển khai để bảo vệ những thành quả đã được bảo hộ sáng chế.
 
Hiện cục SHTT cũng phối hợp với WOPI thiết lập mạng lưới hỗ trợ tài sản trí tuệ tại các Viện, trường (Mạng lưới IP Hub), hỗ trợ và đăng ký chuyển giao thương mại hóa sản phẩm, tạo thành 1 mạng lưới KH&CN hỗ trợ các nhà sáng chế nói chung và sáng chế không chuyên nói riêng, ông Phí cho biết thêm.
 
Bài, ảnh: PV