Bản in
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo để thích ứng mạnh mẽ
Thời điểm hiện tại của hạ tầng xã hội, doanh nghiệp bắt buộc phải có sự sẵn sàng và luôn ở trạng thái thích ứng mạnh mẽ; doanh nghiệp có sự chuẩn bị, nhưng vận động chậm chạp cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu dù thực tiễn doanh nghiệp đó vẫn tăng trưởng so với nội tại của doanh nghiệp mình. Do đó, việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong KH&CN, sự sẵn sàng bứt tốc, nắm bắt thời cơ kinh doanh là bắt buộc với mọi doanh nghiệp.

Đó là chia sẻ của ông Lương Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông trại chia sẻ ShareFarm khi nói về sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp hiện nay.

PV: Hiện nay, hoạt động khởi nghiệp đang được Chính phủ chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt. Vậy theo ông, khi khởi nghiệp các doanh nghiệp có nên đặt việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong KH&CN như một chiến lược ngay từ những bước ban đầu?

- Ông Lương Văn Hùng: Cá nhân tôi cho rằng, doanh nghiệp đặt việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong KH&CN như một chiến lược ngay từ những bước ban đầu là việc làm hoàn toàn đúng, nên làm, bắt buộc phải làm với mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp.

Với việc KH&CN đổi mới và phủ định nhau tính bằng giờ, bằng ngày như hiện nay, một doanh nghiệp dù là lâu năm hay non trẻ nếu không có sự chuẩn bị thích ứng cho việc này thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và không thể cạnh tranh được. Thời điểm hiện tại của hạ tầng xã hội, doanh nghiệp bắt buộc phải có sự sẵn sàng và luôn ở trạng thái thích ứng mạnh mẽ; doanh nghiệp có sự chuẩn bị, nhưng vận động chậm chạp cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu dù thực tiễn doanh nghiệp đó vẫn tăng trưởng so với nội tại của doanh nghiệp mình. Do đó, việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong KH&CN, sự sẵn sàng bứt tốc, nắm bắt thời cơ kinh doanh là bắt buộc với mọi doanh nghiệp.

PV: Cơ duyên nào để ông cùng các cộng sự đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình trang trại chia sẻ (Sharefarm)? Mục đích Sharefarm hướng tới là gì, thưa ông? Ông có thể chia sẻ các câu chuyện xung quanh vấn ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp?

Sharefarm đang được đi vào đời sống với tôn chỉ hoạt động và kinh doanh: Chia sẻ cơ hội- Chia sẻ rủi ro- Cùng đầu tư- Cùng thụ hưởng; và Sharefarm đang được cộng đồng biết đến với việc cân bằng lợi ích của các bên khi tham gia cộng đồng Sharefarm. Dẫn nguồn một chút như vậy để quý vị thấy được một cách làm khác trong kinh doanh với việc vận dụng sáng tạo nguyên lý kinh tế chia sẻ vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam tạo ra hệ thống nông trại chia sẻ.

Nói về cơ duyên để tôi và các cộng sự đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình nông trại chia sẻ Sharefarm, cá nhân tôi với vai trò là người có kinh nghiệm trực tiếp sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường, tôi thấy rõ được những bất cập trong mối quan hệ giữa sản xuất - lưu thông - phân phối - tiêu dùng hiện tại của thị trường. Đó là, người tiêu dùng luôn được coi là thượng đế, là người phải bỏ tiền ra để chi trả cho mọi khâu liên quan, nhưng họ lại không có vai trò gì đáng kể trong việc quyết định hay tác động đến các khâu trước đó. Đặc biệt là người tiêu dùng không tự quyết được là mình sẽ ăn gì, muốn tiêu dùng các sản phẩm khác ngoài sản phẩm đang được bày bán thông thường thì họ phải làm thế nào để có được, nhóm người này bị bó hẹp và lựa chọn sản phẩm tiêu dùng phụ thuộc vào tệp sản phẩm định sẵn từ các nhà phân phối. Và người tiêu dùng không chỉ phụ thuộc các nhà phân phối về chủng loại sản phẩm mà cả chất lượng sản phẩm, giá thành chi trả.

Nhóm thứ hai chính là nhóm các nhà sản xuất sản phẩm, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất và các hộ gia đình. Nhóm này là người làm ra giá trị, nhưng giá trị lại không thuộc về họ, họ bị phụ thuộc vào nhóm phân phối về mọi mặt, sản xuất cái gì, bán cho ai, sản lượng bao nhiêu, giá bán như thế nào,.. họ đều không tự quyết định được. Như vậy cả người nông dân sản xuất và người tiêu dùng đều là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng/tiêu thụ đều không quyết định được việc của chính mình. Với tư duy như vậy, tôi mong muốn góp phần giải được bài toán này cả về nguyên lý và cách làm.

Với vai trò là người tiêu dùng, tôi và các nhà sáng lập Sharefarm mong muốn tạo ra hệ thống nông trại chia sẻ với mục tiêu cung cấp thực phẩm sạch tin cậy, minh bạch cho gia đình mình và cộng đồng, đồng thời từ hoạt động sản xuất của nông trại tạo ra hạ tầng cho gia đình, các con của mình và mọi người có chỗ vui chơi giải trí và được trải nghiệm, có cơ hội hoàn thiện các kỹ năng sống… Và như vậy, về mục đích, Sharefarm hướng tới xây dựng một cộng đồng gắn kết hữu cơ giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Cộng đồng này được bắt nguồn và phát triển từ chính nhu cầu đời sống hàng ngày, và với triết lý quản trị là cộng đồng của những người sống biết cho đi, mong muốn được cho đi giá trị bản thân.

Ở nấc thang phát triển tiếp theo, khi việc tiêu dùng thực phẩm được hoàn thiện công tác quản trị, cộng đồng Sharefarm với nguyên lý kinh tế chia sẻ sẽ dịch chuyển sang để giải quyết các nhu cầu khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, đi lại, du lịch… và được gọi là sharemedic, shareeducate, sharehome….để hình thành nền kinh tế chia sẻ Shareeconomi.

Chia sẻ câu chuyện xung quanh vấn đề ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, tôi xin chia sẻ câu chuyện về việc hiểu và vận dụng thành quả của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào đời sống. Ở đây là câu chuyện khác biệt giữa các ngành công nghiệp khác của nền kinh tế với ngành Nông nghiệp trong việc hiểu và ứng dụng thành quả Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Ví dụ cụ thể: ngành công nghiệp ô tô đang ứng dụng thành quả của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để thay đổi về chất của sản xuất, hướng tới sản xuất ra sản phẩm ô tô có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, và giá thành ngày càng giảm để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, trong nông nghiệp hiện nay đa phần cộng đồng đang hiểu nông nghiệp trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư là sự đầu tư hoành tráng về quy mô, về thiết bị tạo ra những khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoàn toàn khác biệt như nhà kính nhà lưới, thiết bị đắt tiền… Và từ đó dẫn đến giá thành sản phẩm cao ngất ngưởng, vượt mức chi trả của nhiều người tiêu dùng trong khi đó chất lượng chưa thể khẳng định là hoàn toàn vượt trội.

Sharefarm cho rằng, trong nông nghiệp, đặc biệt là trong điều kiện sản xuất của nước ta thì việc ứng dụng thành tựụ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư chính là làm thế nào, đầu tư ra sao để phát huy lợi thế ưu đãi của nước ta với sản xuất nông nghiệp, không nhất thiết phải đầu tư hào nhoáng và tốn kém về mặt thiết bị, từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giá thành ở điểm thấp nhất của chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Khu vực chăn nuôi bò sữa tại ShareFarm

PV: Vậy yếu tố đổi mới sáng tạo được ShareFarm chú trọng như thế nào, thưa ông? Cụ thể trong hoạt động của ShareFarm, đổi mới sáng tạo có vai trò thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ra sao?

- Sharefarm có đội ngũ chuyên môn vững về kinh nghiệm kết hợp với đội ngũ cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, có đầy đủ nền tảng để nghiên cứu sáng tạo và vận dụng có chọn lọc những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Sharefarm có cộng đồng sinh thái nhân văn hiện tại gần 10.000 người. Chúng tôi coi đây là tài sản vô cùng lớn cho sự nghiệp phát triển, với triết lý nhân văn Sharefarm chia sẻ những suy tư trong hoạt động quản trị, điều hành với cộng đồng, với giới khoa học và các nhà chuyên môn… và nhận được những góp ý rất ý nghĩa từ cộng đồng Sharefarm.

Các góp ý đổi mới sáng tạo này giúp cho Sharefarm hàng ngày vừa quản trị, vừa vận hành, vừa đổi mới, nâng cao và hoàn thiện quá trình của mình, thúc đẩy sự gần gũi, thân thiện và phù hợp với thực tiễn phát triển. Đặc biệt có những đóng góp đã giúp Sharefarm không chỉ vận dụng mà còn là người đi tiên phong trong hoạt động sản xuất và chỉ đạo điều hành. Điển hình cho kết quả này chính là Sharefarm đã nghiên cứu và cho ra đời mô hình nuôi cá Biofilter, một mô hình nuôi cá công nghệ cao nhưng chi phí rất ít trên cơ sở kết hợp điều kiện sản xuất thực tiễn tại Việt Nam với nguyên lý của mô hình nuôi cá Sông trong ao (IPA – Inpond Raceway Aquaculture). Hiệu quả của mô hình này là hệ số thức ăn giảm, tỷ lệ rủi ro dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, năng suất cao gấp 3 -4 lần, sản phẩm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

PV: Theo ông, hiện nay các cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong KH&CN đã thực sự hấp dẫn doanh nghiệp chưa và đã tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, với việc vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là sự đồng hành, động viên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cơ chế, chính sách trong KH&CN nước ta đã cơ bản tạo ra sự hấp dẫn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền về cơ chế, chính sách này tới các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, do đó tác động chưa nhiều tới các doanh nghiệp, chưa tạo ra sự thay đổi về chất cho doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN. Ở đây, cụ thể là với doanh nghiệp Sharefarm, dù là doanh nghiệp được thường xuyên tham gia các chương trình khởi nghiệp, các hỗ trợ về truyền thông từ các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương,.. nhưng những thông tin sâu về cơ chế, chính sách với doanh nghiệp vẫn còn rất ít, và cơ hội tiếp cận cũng còn xa so với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp. Bản thân Sharefarm đang phải tự lực và chủ động trong mọi vấn đề liên quan đến KH&CN, từ việc tìm kiếm, tương tác với các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu,.. và doanh nghiệp phải tự hoạch định chiến lược phát triển cho mình khi nhận được ít sự hỗ trợ. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp về chiến lược phát triển của doanh nghiệp không hoặc ít phù hợp với quy định của chính sách pháp luật.

PV:  Với vai trò là một doanh nghiệp, ông có kiến nghị, đề xuất hay đóng góp giải pháp gì thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong KHCN nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững?

- Với những hạn chế của doanh nghiệp trong công tác tự nghiên cứu đổi mới sáng tạo, R&D; những hạn chế của các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, liên kết yếu giữa hai nhà như đánh giá trên, tôi cho rằng Nhà nước cần thể hiện vai trò này rõ nét hơn trong việc tạo ra sân chơi để gắn kết hoạt động của hai nhóm này cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, Nhà nước có thể tạo ra các trung tâm, các Công viên R&D mà ở đó mỗi chủ đề R&D có thể đến từ chính doanh nghiệp, từ các nhà khoa học, từ cơ quan quản lý Nhà nước, và từ thực tiễn phát triển. Mỗi chủ đề đó Nhà nước lại chủ động tạo ra đội nghiên cứu gồm tất cả các thành phần trên tham gia, tạo cơ chế cho sự phối hợp cùng nghiên cứu giữa doanh nghiệp và nhà khoa học.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Chi (lược ghi)