Bản in
Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển KH, CN và đổi mới sáng tạo
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) luôn song hành, nhưng ĐMST là đích đến, đồng thời bản thân nó có tác động nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển hoạt động KH, CN và ĐMST.

TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chia sẻ như vậy khi đề cập đến bản chất của ĐMST cũng như những cơ hội, thách thức phát triển hoạt động này tại Việt Nam, trong buổi Giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Đại biểu Nhân dân ngày 21/12 mới đây.   

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn song hành

PV: Gần đây chúng ta nói nhiều về ĐMST trong KH&CN, theo ông, bản chất của vấn đề này là gì? ĐMST tại sao lại được lựa chọn song hành cùng với KH&CN, thưa ông?

- Ông Nghiêm Vũ Khải: Luật KH&CN 2013 đã quy định khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Innovation - làm mới bởi những sáng kiến, thay đổi theo chiều hướng tiên tiến hơn, hiệu quả hơn. Innovation kết nối KH với CN và thúc đẩy tiến bộ cho cả KH và CN. ĐMST được lựa chọn song hành cùng với KH&CN vì ĐMST hướng đến tạo ra các sản phẩm kết hợp giữa phát minh khoa học và sáng chế công nghệ nhằm tạo ra sức sản xuất có năng suất, sức cạnh tranh lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Cả ba phạm trù KH, CN và ĐMST luôn song hành, nhưng ĐMST là đích đến, đồng thời bản thân nó có tác động nâng cao trình độ nghiên cứu KH và phát triển công nghệ.

PV: Theo ông, sáng tạo, sáng chế và đổi mới sáng tạo có điểm gì giống và khác nhau? 

Sáng tạo, sáng chế và ĐMST (creation, invent, innovation), trong đó, sáng tạo là thuật ngữ hàm ý dùng cho cả KH và CN, có nghĩa tạo ra, phát minh tri thức mới, quy luật, công nghệ, kỹ thuật mới. Sáng chế chủ yếu nói về việc tạo ra quy trình, kỹ thuật, công cụ mới ưu việt hơn. ĐMST – Innovation: có nghĩa là làm mới, trong đó có mức độ mới khác nhau, có thể là đổi mới căn bản, có thể đổi mới một số công đoạn, quy trình của chuỗi công nghệ hướng tới nâng cao năng suất, hiệu quả, tính năng, giá trị.

PV: Chúng ta đang có những cơ hội và thách thức như thế nào trong việc đẩy mạnh hoạt động ĐMST để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra, thưa ông?

Về cơ hội, thứ nhất, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, là một nền kinh tế mở nhất thế giới. Thứ hai, thế hệ trẻ được đào tạo trong và ngoài nước đông và tài giỏi.

Về thách thức, thứ nhất, không còn làm theo kiểu cũ được nữa (chạy cơ chế, chính sách, ưu đãi, lợi dụng lao động rẻ,…). Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thời cơ, vừa thách thức. Thứ ba, nhu cầu tự thân về ĐMST có xu hướng được tăng lên.

Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển

PV: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các viện, trường, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp… trong thời gian qua? Ý nghĩa của hoạt động đầu tư cho R&D với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là gì, thưa ông?

Tất cả các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững, lâu dài đều phải đầu tư cho R&D. Tuy nhiên hiện nay, các Viện, trường đều dựa vào nguồn công quỹ là chính. Các doanh nghiệp chưa hình thành nhu cầu tự thân về công nghệ nên chi không đáng kể cho R&D. Tuy nhiên gần đây có một số dấu hiệu tích cực.

Khi doanh nghiệp trở thành Trung tâm ĐMST, tình hình sẽ có biến chuyển cơ bản: gắn với nhu cầu sản xuất kinh doanh hơn; được kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng đầu tư cũng kịp thời hơn, mạnh mẽ hơn; đưa vào ứng dụng nhanh hơn; người làm KH&CN được hưởng đãi ngộ tốt hơn,…

PV: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hạn chế về lao động và vốn, Việt Nam phải hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực ĐMST trong nước. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng ý với nhận định nêu trên. Bởi năng suất lao động không chỉ xác định bằng khối lượng sản phẩm trên đơn vị thời gian mà còn bởi chất lượng, đặc biệt là hiệu quả kinh tế tính bằng giá trị gia tăng. Ví dụ, nếu Việt Nam xuất khẩu được nhiều tỷ đô nông sản nhưng lại xuất với giá trị hàng hóa thấp hơn các nước khác, đặc biệt nếu ta phải nhập khối lượng lớn phân bón, vật tư nông nghiệp thì phần giá trị gia tăng cho người lao động nông nghiệp sẽ không còn bao nhiêu. Suy ra năng suất không thể cao được. Vấn đề cốt lõi là công nghệ, có vai trò quyết định, và công nghệ không chỉ là máy móc mà kèm theo quy trình, phương thức sản xuất tiên tiến.

PV: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho hoạt động ĐMST, đây được xem là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Vậy các doanh nghiệp cũng cần có những chuẩn bị tâm thế như thế nào, thưa ông?

Doanh nghiệp nào tự giác ngộ sớm thì có cơ hội nhiều hơn, ngược lại, “nước đến chân” rồi sẽ bị động và mất lợi thế cạnh tranh. Đa phần doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư, ứng dụng KH&CN gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam phải có phương thức ứng dụng KH&CN phù hợp, ví dụ, phát triển công nghệ chế tạo, sản xuất quy mô nhỏ nhưng sản phẩm tinh vi, chất lượng cao. Nông nghiệp đi theo hướng quy mô nhỏ nhưng có ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đặc sản có giá trị cao.

Về tổng thể, cần đi từng bước vững chắc hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam và thế giới.

 

Doanh nghiệp sớm đầu tư cho KH&CN sẽ có nhiều cơ hội phát triển và cạnh tranh

Tạo nhiều diễn đàn về đổi mới sáng tạo

PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động, hiệu quả các đề án, chương trình do Chính phủ, Bộ KH&CN triển khai trong thời gian qua?

Những năm qua, Bộ KH&CN đã và đang triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST, đặc biệt đã có sự chuyển dịch chính sách, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống ĐMST. Bộ KH&CN đã chú trọng đến việc hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều chương trình, dự án ĐMST như Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN (FIRST), Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp – BIPP,…

Đặc biệt, mới đây, Bộ KH&CN và Tập đoàn Xinova (Hoa Kỳ) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác thành lập, quản lý và vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN tại Hà Nội. Trung tâm này sẽ kết nối các nhu cầu ĐMST của các tập đoàn, công ty trong nước với mạng lưới hơn 12.000 nhà khoa học, nhà sáng tạo toàn cầu, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam tham gia mạng lưới này, cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ làm quản lý công nghệ và ĐMST tiếp cận với những phương thức thúc đẩy ĐMST của thế giới.

Cùng với đó, ngày 28.11.2018, Bộ KH&CN và Công ty Ericsson (NASDAQ: ERIC) ký kết bản ghi nhớ hợp tác thiết lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IOT Innovation Hub). Trung tâm này sẽ hỗ trợ các nhóm nghiên cứu tạo ra các ứng dụng IOT mới, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ kết nối nhà đầu tư và thương mại hóa sản phẩm; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST về IOT.

Trong 3 ngày diễn ra sự kiện (từ 29/11-01/12), Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018 (Techfest Việt Nam 2018) với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu” tại Đà Nẵng đã thu hút 5.500 lượt người tham dự. Cũng tại sự kiện đã diễn ra triển lãm sản phẩm khởi nghiệp ĐMST, giới thiệu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của hơn 250 doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tổng số các cuộc kết nối đầu tư là 160 cuộc với số quan tâm đầu tư lên đến 7,86 triệu USD.

Trước đó, ngày 01/01/2018, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội KH và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Viettel... đã khai trương Hệ Tri thức Việt số hóa. Dự kiến 01/01/2019 sẽ tổ chức lễ công bố sản phẩm của Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa. Đây sẽ là kho tri thức Việt số hóa phục vụ mục tiêu phổ biển, ứng dụng kiến thức KH&CN trong sản xuất và đời sống nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao dân trí KH&CN, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài khoa học.

PV: Bộ KH&CN trong thời gian qua đã trình Chính phủ ban hành và phối hợp với các tổ chức quốc tế về đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình như: IPP, FIRST, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, các Chương trình KH&CN quốc gia,… Ông đánh giá như thế nào về tác động, hiệu quả từ các chính sách trên?

Các chương trình nêu trên đã tạo ra nhiều diễn dàn để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế trao đổi về chính sách và các biện pháp phát triển KH&CN; đã tài trợ cho nhiều đề tài nghiên cứu KH và phát triển CN, nhiều kết quả đã được ứng dụng trong thực tế. Cùng với đó, hỗ trợ các nhà khoa học hoàn thiện công trình nghiên cứu KH để đăng trên các tạp chí KH có uy tín, qua đó tăng số lượng các bài báo quốc tế của KH&CN Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các nhà khoa học tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ và hợp tác trong lĩnh vực này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên