Bản in
Thúc đẩy sở hữu trí tuệ trong các trường đại học
Đối với nhiều trường đại học lớn trên thế giới, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang được triển khai thường xuyên, một số trường đại học đã đưa SHTT vào giảng dạy, thậm chí có đào tạo chuyên ngành SHTT ở bậc sau đại học.

Thiếu bộ phận chuyên trách về SHTT

Ngoài ra, nhiều trường còn thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT hoạt động tương đối hiệu quả, nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy quá trình khai thác, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân, tập thể và của chính cơ sở giáo dục đại học, khẳng định thương hiệu của các trường đại học.
 
Trong khi đó ở Việt Nam, hoạt động này còn khá mới mẻ, còn nhiều bỡ ngỡ. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là cần phải thúc đẩy hoạt động SHTT trong các trường đại học.
 
GS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Bộ môn Thương hiệu, Đại học Thương mại cho biết, thứ nhất hoạt động sở hữu trí tuệ tạo ra nhiều điểm mới, tạo ra khối lượng kiến thức lớn, tạo ra năng lực có khả năng chuyển giao kết quả nghiên cứu và đưa khoa học kỹ thuật tới các cở sở kinh doanh khác nhau. Thứ 2, hoạt động sở hữu trí tuệ thúc đẩy và nâng cao, nâng tầm cho đội ngũ giảng viên và các nhà nghiên cứu trong các trường đại học. Vì vậy tôi cho rằng các trường đại học phải thực sự quan tâm đầu tư đến SHTT.
 
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học; những năm qua, nhiều trường đại học trong đó có đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã có hàng loạt các giải pháp để phát triển hoạt động này, một trong số đó là phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ để triển khai, thực hiện các hoạt động có liên quan.
 
 
Nhóm sản phẩm lưu niệm của Khu di tích lịch sử Đền Hùng
 
Theo ông Phan Chính Nghĩa, Giám đốc Trung tâm sở hữu trí tuệ thuộc Viện Nghiên cứu ứng dụng và phát triển, Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, những hoạt động này giúp ích cho sự phát triển của nhà trường nhất nhiều trong thời gian vừa rồi, nhà trường đã có 03 đăng ký về kiểu dáng công nghiệp, ngoài kiểu dáng công nghiệp liên quan đến nhãn hiệu nhà trường như là logo, chúng tôi có đăng ký về sản phẩm phục vụ từ đề tài khoa học chuyển giao để phục vụ cho sự phát triển và kinh tế của địa phương, ví dụ như là sản phẩm trà bảo vệ sức khỏa xạ đen Hùng Vương, sản phẩm thứ 2 là nhóm các sản phẩm phát triển các đề tài du lịch cho Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh Phú Thọ, đó là nhóm sản phẩm lưu niệm của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Để đạt được những thành công trên, đại diện Trung tâm SHTT, đại học Hùng Vương tỉnh Phú Thọ khẳng định: sự chung tay phối hợp của các đơn vị có liên quan là vô cùng quan trọng.
 
“Sự ủng hộ của các cấp cao nhất, lãnh đạo nhà trường, cùng sự giúp đỡ của Cục sở hữu trí tuệ, đây là hai đầu mối rất quan trọng, được sự ủng hộ của hai đầu mối này thì chúng tôi ở trong nội bộ cán bộ công nhân viên nhà trường có sự thống nhất rất là cao về định hướng phát triển sở hữu trí tuệ trong trường, chính từ đây mà chúng tôi đã xây dựng quy chế và việc tất cả cán bộ công nhân viên trong trường đại học Hùng Vương cùng nhau chung tay phát triển công tác sở hữu trí tuệ trong nhà trường đã đạt được thành tích rất là cao trong hai năm vừa qua”, ông Phan Chính nghĩa cho biết thêm.
 
 
Sản phẩm trà bảo vệ sức khỏa xạ đen Hùng Vương
 
Đào tạo nhân lực về SHTT trong trường đại học
 
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trước đây, tình trạng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các viện/ trường còn chiếm tỷ lệ thấp, thấp ở đây so với kết quả nghiên cứu của nhà khoa học, so với lượng đơn Cục sở hữu trí tuệ nhận được, ví dụ năm 2015, số lượng đăng ký sáng chế của các viện/trường chỉ chiếm ¼ so với tổng số đơn của các nhà sáng chế Việt Nam nộp. Nhưng đến năm 2017 tăng lên trên 30%, như vậy có thể thấy xu hướng phát triển tốt hơn. Ở đây cho thấy nhận thức của các Viện, trường được nâng cao
 
Nhằm thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học, mới đây Cục SHTT đã phối hợp với một số trường đại học tổ chức Hội thảo liên quan đến lĩnh vực này. Tham gia hội thảo, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí với vịệc cần có cơ chế khuyến khích để thúc đẩy thì về lâu dài việc xây dựng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ.
 
PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Bộ môn Thương hiệu, Đại học Thương mại khẳng định, một trong những nội dung rất quan trọng các trường đại học phải hết sức quan tâm là phải tăng cường kết nối với các cơ sở thực tiễn, từ các cơ sở thực tiễn thì kết quả nghiên cứu sẽ tốt hơn và quay ngược trở lại là nguồn kinh phí để thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Vấn đề thứ 2, bên cạnh sáng tạo của bản thân các trường đại học thì các trường đại học cần hết sức quan tâm việc đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực này là những nhà sáng chế cho tương lai, nhà cải cách, cải tiến trong tương lại để thúc đẩy đội ngũ sáng tạo sản phẩm trí tuệ cho đội ngũ sản xuất kinh doanh trong thực tiễn.
 
 
Một buổi làm việc của cán bộ Trung tâm SHTT, thuộc Viện Nghiên cứu ứng dụng và phát triển, Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ
 
“Cục cũng đang cùng WIPO triển khai Dự án khởi tạo môi trường SHTT, trong Dự án sẽ tiến hành từ 2019-2023, nhằm tạo ra một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ, tức là xây dựng một mạng lưới các tổ chức sở hữu trí tuệ  của các viện/trường. Các mạng lưới này tại các trường sẽ được thành lập và  hoạt động theo Dự án, giúp cho hoạt động sở hữu trí tuệ các viện/trường phát triển mạnh mẽ, trong đó có nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên môn, bài bản”, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thêm. 
 
Từ thực tế trên có thể khẳng định, ý nghĩa của việc thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong các trường đại học không chỉ góp phần hình thành ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ mà còn làm gia tăng giá trị thương mại các kết quả nghiên cứu trong trường đại học./.
 
Phát huy những thành quả đạt được của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, đồng thời, nằm đáp ứng nhu cầu bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, cộng đồng ngày càng gia tăng và sức ép cạnh tranh của công cuộc hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1062/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình 68 giai đoạn 2016-2020.

Chương trình được phê duyệt nhằm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về SHTT cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; Hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn các sáng chế/giải pháp hữu ích của Việt Nam; Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang địa danh; Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở trong và ngoài nước đối với các sản phẩm quốc gia.
 
 
Bài, ảnh: PV