Bản in
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghị quyết 26 đã khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương mang tầm chiến lược
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

 Sáng ngày 27/11/2018, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức “Hội nghị trực tuyến tổng kết toàn quốc và Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị. 

Cùng dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu tại đầu cầu truyền hình Hà Nội đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà nghiên cứu cùng trên 100 đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố.

Nghị quyết tam nông: 10 năm nhìn lại

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng chí cho biết, sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả mang tính đột phá, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân.

Theo đó, nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng lên, năm 2017 đạt 90,1 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008. Giá trị sản xuất công nghiệp ở nông thôn có xu hướng tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, bình quân giai đoạn 2008 - 2017 đạt 12,2%.

Tính đến 30/6/2018 cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.   

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Do đó, mục tiêu quan trọng nhất của Hội nghị này là cung cấp thêm luận cứ để hoàn thiện Báo cáo tổng kết sớm trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết của Đảng về vấn đề này.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trình độ KH&CN của nền nông nghiệp đã được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN được thúc đẩy và đạt hiệu quả hơn. Liên tục có nhiều tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất, ngày càng nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Trình độ cơ giới hóa nông nghiệp được nâng cao nhanh. Trong 8 năm (từ 2010 – 2017), đã có 7,2 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó có 3,98 triệu lao động được đào tạo theo Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Hội nghị “Diên hồng” về phát triển tam nông trong giai đoạn mới

Nhằm góp phần làm rõ hơn tình hình triển khai, kết quả và thành tựu thực tế khi thực hiện Nghị quyết 26, đại biểu các tỉnh Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Lâm Đồng đã trình bày tham luận. Thông qua các đầu cầu trực tuyến tại Hội nghị, ông Võ Quang Huy (tỉnh Long An), đại diện nông dân tiêu biểu đã trao đổi về quá trình phát triển cơ sở sản xuất nông sản của ông từ những ngày đầu Nghị quyết 26 được ban hành. Cũng trong Hội nghị, ông Nathan Belete, Giám đốc Phụ trách khối nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu (Ngân hàng Thế giới) với những kinh nghiệm từ một chuyên gia tài chính trong nông nghiệp quốc tế, đã mang đến một góc nhìn khách quan, mới mẻ có thể làm sáng tỏ tiềm năng cũng như mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam trong tương lai.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua thực tế 10 năm triển khai, Nghị quyết 26 đã khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; tái cơ cấu nền nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Từ một nước nhập khẩu nông sản, hiện nay nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 40,5 tỷ USD. KH&CN có đóng góp quan trọng trong thành tựu chung đó. Thủ tướng cho rằng, “vai trò của KH&CN rất quan trọng, không có KH&CN thì khó thành công”.

Thủ tướng cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp; số dân làm nông nghiệp còn khá cao; số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiểm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp (7.600 doanh nghiệp), trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dự lượng kháng sinh, chất cấm…

Theo Thủ tướng, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Thủ tướng cũng cho rằng, cần khắc phục việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để cùng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 hoàn thiện báo cáo tổng kết, đồng thời chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đến năm 2020, giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 12/2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia

về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết 26.

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn với quy mô hơn 100 gian hàng của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiêu biểu, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Điểm nhấn của triển lãm là những sản phẩm công nghệ mới nhất trong nghiên cứu nông nghiệp và thực hành sản xuất để hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp phát triển bền vững, cụ thể như: Mô hình máy cơ khí trong nuôi trồng, thu hoạch và chế biến, công nghệ cảm biến (không khí và đất, nhiệt độ ẩm, cây trồng, sức khoẻ cơ sở hạ tầng), sinh trắc học chăn nuôi, GPS, RFID, IoT, Quản lí dữ liệu/phân tích, Dữ liệu mở, tự động hoá, máy học, trí tuệ nhân tạo, trang trại kết nối, ứng dụng đám mây…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của Bộ KH&CN tại Triển lãm.

Tin, ảnh: Nhóm PV