Bản in
Tìm lời giải cho bài toán phát triển thị trường hàng hoá nông sản
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng đầu tư, triển vọng phát triển thị trường hàng hoá nông nghiệp. Tuy nhiên, để tạo ra thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào các khâu từ giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến,… để đạt được hiệu quả cao hơn; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị;…

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị và triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chiều ngày 26/11/2018, tại Hà Nội. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn luận các chủ đề về thúc đẩy đầu tư cho hàng hóa nông nghiệp Việt Nam: Cơ hội cho hàng hoá nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do – FTA thế hệ mới; Các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với đầu tư nông nghiệp; Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn,… 

Bên cạnh những vấn đề về xúc tiến và đầu tư và chính sách hỗ trợ là những bài phân tích đánh giá từ các chuyên gia, Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành của Việt Nam đặt ra những vấn đề từ tiềm năng, cơ hội phát triển đến định hướng đưa ra giải pháp hữu ích cho các doanh nghiệp về nông nghiệp, nông sản. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trần Thanh Nam, 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đóng góp vào kết quả đó có vai trò của đầu tư và phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nâng cao, sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm trong giai đoạn 2008-2017 và dự kiến đạt 3,5-3,6% trong năm 2018. 

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông lâm sản được quan tâm phát triển, gia tăng cơ giới hóa theo chiều sâu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển hợp tác xã, liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị để hỗ trợ nông dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được coi là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. 

Tuy nhiên, theo ông Nam, việc đầu tư phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể vốn đầu tư toàn xã hội cho nông, lâm, thủy sản còn thấp và có xu hướng giảm; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X là 5 năm sau tăng gấp 2 lần 5 năm trước; chính sách về huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh. Đặc biệt, cung cầu hàng hóa, nông sản còn một số bất cập; năng lực cạnh tranh nhiều sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hoá nông nghiệp. Việt Nam đã đàm phán 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam; 7.600 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp;… Đó là những yếu tố tác động giúp nông nghiệp Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập mới, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. 

Tuy nhiên, để tạo ra thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào các khâu từ giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến,… để đạt được hiệu quả cao hơn; triển khai hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; phát triển, tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản, hệ thống phân phối; kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu, nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa và quốc tế; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các hợp tác xã trong xây dựng vùng nguyên liệu an toàn. 

Tin, ảnh: Hạnh Nguyên