Bản in
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng
Đó là chủ đề Hội thảo chuyên đề 1 của Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra chiều 26/11 tại Hà Nội.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng. Tham dự Hội thảo còn có Đại sứ Israel tại Việt Nam, kiêm nhiệm Lào Nadav Eshcar; Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Alexandre Bouchot cùng đại diện Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát khẳng định: Thực tiễn đã chỉ ra một nền nông nghiệp vững mạnh có thể là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn, giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo môi trường cần thiết cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hội nghị tổng kết đã cho thấy rõ chủ trương đúng đắn của Đảng, không chỉ đánh giá kết quả mà quan trọng là rút ra bài học, kinh nghiệm, định hướng cho tương lai với những thời cơ thách thức mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân của một số nước; định hướng phát triển các chương trình tín dụng hỗ trợ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

Nông nghiệp nước ta đã thực sự chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Đến tháng 11-2018, cả nước có 3.595 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 40,3% tổng số xã và có 56 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới.

Qua 5 năm triển khai, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã thu được nhiều chuyển biến tích cực trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường. Bộ đã xây dựng 6 Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực nhằm cụ thể hóa nội dung, giải pháp và lộ trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực/phân ngành cụ thể, bao gồm: Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi, Chế biến nông lâm thủy sản và muối; Cùng với 265 văn bản chính sách gồm 5 nghị định, 70 quyết định, 171 thông tư và 19 thông tư liên tịch nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp nông thôn. Nông nghiệp nước ta đã chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

 

 

Đến nay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình duy nhất có bộ máy giúp việc tương đối đồng bộ ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã). Tính đến tháng 6/2018, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 3.346 xã (37,48%) với 52 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Qua đây có thể thấy những kết quả tích cực và sự hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp nối những thành tựu đã đạt được, tại Hội thảo với những chủ đề xoay quanh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững như  định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời kì tới.; Những kinh nghiệm về phát triển triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ ông Nadav Eshcar, Đại sứ Isarel tại Việt Nam, kiêm nhiệm Lào và hai nước có nền nông nghiệp lớn trên thế giới là Pháp, Trung Quốc.

Đây là Hội thảo quy tụ nhiều các chủ doanh nghiệp, nhà nông tiêu biểu, đã cùng tìm hiểu và thảo luận để có một hướng phát triển nông nghiệp tốt hơn trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Bảo Chi