Bản in
Hội thảo về “Liên kết, xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội”
Ngày 17/11/2018, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Liên kết, xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội”.

Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST Vietnam) 2018 và nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thành phần trong Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), trao đổi các kinh nghiệm trong việc xây dựng Hệ sinh thái KNĐMST tại Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Tham dự Hội thảo có Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ông Nguyễn Văn Phong - Uỷ viên Ban thường vụ - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Ông Khuất Văn Thành - Thành ủy viên - Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ông Nguyễn Ngọc Việt - Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội; Ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc  Sở KH&CN Thành phố Hà Nội; Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN và Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN, một số Sở của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; Đại diện Lãnh đạo và sinh viên một số trường đại học, cao đẳng; Đại diện Lãnh đạo một số viện nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp và một số Quỹ đầu tư. Hội thảo đã thu hút được gần 300 đại biểu tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phát triển hệ sinh thái KNĐMST, trong những năm gần đây, các Bộ, ngành địa phương đã tích cực phối hợp triển khai các hoạt động cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn khác nhằm xúc tiến phát triển hệ sinh thái KNĐMST. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm chủ trì triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/05/2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng kế hoạch tổng thể, hướng dẫn Bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, dựa trên tinh thần hỗ trợ các tổ chức trung gian, đào tạo, ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh cung cấp dịch vụ phục vụ doanh nghiệp KNĐMST. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế về công tác phát triển hệ sinh thái KNĐMST của cả nước nói chung, của từng địa phương nói riêng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, đòi hỏi sự chung tay góp sức nhiều hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ những nút thắt gây cản trở sự phát triển hệ sinh thái KNĐMST.

Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Hội thảo này nhằm giới thiệu, giải thích làm rõ hơn các mục tiêu, nội dung liên quan đến công tác phát triển Hệ sinh thái KNĐMST, để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đồng thời đề xuất, thiết lập những cơ chế và phương thức phối hợp phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của mỗi địa phương. Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ về các chủ đề như: Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn thành phố Hà Nội; kinh nghiệm về xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Giải pháp kết nối doanh nghiệp – Viện, trường – Cơ quan quản lý cho sự phát triển hệ sinh thái KNĐMST, phát triển kinh tế; Vai trò của IPP2 trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu y học Plasma; Đào tạo khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo trong các trường Đại học – Cao đẳng; ….

Theo đó, đa số ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng: Trong những năm qua, KNĐMST đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra những đột phá giúp giải quyết các vấn đề tồn tại của nền kinh tế, hình thành những doanh nghiệp có giá trị và thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao. Để phát triển bền vững hệ sinh thái KNĐMST, một trong những yếu tố cốt lõi là phải bắt đầu từ việc đầu tư vào nguồn lực con người, đặc biệt là phát triển một thế hệ tài năng, có tư duy mới: tư duy KNĐMST. Trong các giai đoạn chính của KNĐMST, từ hình thành ý tưởng đến phát triển sản phẩm và tăng trưởng, vai trò của trường đại học, cao đẳng đều rất quan trọng. Hiện nay, hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ KNĐMST đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách mới liên tiếp ra đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để KNĐMST thành công, trước tiên các chủ thể KNĐMST cần thay đổi tư duy về cách làm việc, hợp tác. Cụ thể, thay vì trước đây, doanh nghiệp, nhà trường, Nhà nước có những cách làm khác nhau, thì bây giờ cả “ba nhà”: nhà trường, Nhà nước, nhà doanh nghiệp phải hợp tác lại với nhau và mỗi “nhà” đều có một sứ mệnh riêng cho sự phát triển của hệ sinh thái KNĐMST. 

Trong khuôn khổ của Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác đào tạo và Hợp tác về hỗ trợ hoạt động KNĐMST và hợp tác trong đào tạo.

Tin, ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN