Bản in
Công nghệ - Đổi mới sáng tạo: Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Đó là một trong những nội dung đã được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng đề cập tại Hội thảo "Đổi mới sáng tạo Việt Nam" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 14/11/2018 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, vai trò của công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngày càng quan trọng trong thúc đẩy năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

“Trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp và quy mô vốn tăng 48%. Đây là tín hiệu tốt đo lường sự khởi sắc của nền kinh tế, tạo điều kiện cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST” Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề cao vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – những doanh nghiệp áp dụng công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới để đưa ra những sản phẩm tốt nhất, mới nhất ra thị trường.

Bên cạnh đó, trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, trường đại học có vai trò quan trọng – nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công nghiệp và xã hội, đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng và các đại biểu tại phiên thảo luận

Ngoài ra, với quan điểm chính sách vĩ mô cần tác động toàn diện tới các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai một số đề án, chương trình như: Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844); Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 (Đề án 939); Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp (Đề án 1665),…Các hoạt động khởi nghiệp ĐMST cần được hỗ trợ bởi hạ tầng kỹ thuật cứng và mềm thuận lợi. Đó là các không gian làm việc chung, hạ tầng công nghệ thông tin,… đặc biệt là đội ngũ cố vấn, huấn luyện viên, tư vấn khởi nghiệp,… trong và ngoài nước. Việc kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp lớn rất cần vai trò xúc tác của các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp công lập như: Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn TNCSHCM, bên cạnh đó là sự vào cuộc hỗ trợ của những doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng viễn thông, dịch vụ di động 5G.

Đồng thời, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh đến việc thu hút tài chính, nguồn đầu tư của các quỹ trong và ngoài nước, các nhà đầu tư thiên thần cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Đây chính là đánh dấu sự thành công của các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp là yếu tố cấu thành quan trọng của một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh. Do vậy, cần hình thành và nuôi dưỡng văn hóa ĐMST từ trong nhà trường, gia đình và xã hội; nuôi dưỡng văn hóa dám đương đầu với rủi ro, thách thức và bao dung với sự thất bại như một bước đệm tất yếu dẫn đến thành công.

Theo đó, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam bền vững, cần tiếp tục tập trung vào việc nâng cao chất lượng startup, nhân lực trình độ cao, tinh thần không sợ thất bại; đồng thời kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước và ngoài nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ những nhóm vấn đề chính về: “Phát triển 5G và các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước”; “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và vai trò của hệ sinh thái”; “Chính sách hỗ trợ ngành viễn thông hướng tới 5G” và “Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo thông qua các Quy định Thân thiện và Hệ sinh thái Hỗ trợ”. 

Phần lớn các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên 5G cũng là một động lực quan trọng, góp phần phát triển phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam. Từ góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav đã nói về ĐMST trong chuỗi giá trị điện thoại di động, với nhận định tại Việt Nam, chỉ cần 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất để có thể thay thế các doanh nghiệp ngoại.

 

 

 

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp