Bản in
Hội thảo Quốc tế “Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp tại Việt Nam”
Ngày 10/10/2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Ứng dụng Công nghệ đã phối hợp với Công ty Cherry Media tổ chức Hội thảo Quốc tế “Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp tại Việt Nam”.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của gần 200 đại biểu. Trong đó, có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam, lãnh đạo các sở khoa học và công nghệ (KH&CN) các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Đăk Lăk, Đăk Nông….và các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong và ngoài nước. Đồng hành cùng hội thảo còn có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ đã nhấn mạnh: Viện Ứng dụng Công nghệ là một đơn vị đầu ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong hơn 30 năm lịch sử với vai trò và nguồn lực đang ngày càng phát triển, Viện thực sự là một đầu mối quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nghiên cứu triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam. Do đặc thù của một Viện đa ngành, Viện Ứng dụng Công nghệ có đầy đủ các nguồn công nghệ trong nhiều lĩnh vực: Vi điện tử, Laser, Công nghệ Quang, Công nghệ sinh học, Vật liệu để từ đó có thể tích hợp, liên kết đưa ra được các giải pháp hiệu quả phục vụ cho nông nghiệp hiện đại.

“Viện đã có các công trình và những nghiên cứu rất hiệu quả ứng dụng các tác nhân vật lý thay đổi chu trình sinh trưởng của cây, giám sát, canh tác tự động trên cánh đồng mẫu lớn, các nhóm nghiên cứu về nông nghiệp chính xác, bảo tồn nguồn gen, nuôi cấy mô, chế biến sau thu hoạch”, GS.TS. Lê Hùng Lân cho hay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận các thông tin, các công nghệ mới từ các đơn vị nghiên cứu trong nước và trên thế giới, xác định nhu cầu của các doanh nghiệp, các khách hàng địa phương. Trên cơ sở đó đưa ra được các giải pháp mới, phù hợp, thực tế, hiệu quả dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại.

TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện Việt Nam đã có gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trước sự thay đổi tích cực của khu vực và thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh và đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Tại Việt Nam, đã có nhiều mô hình thành công khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ những hộ quy mô sản xuất nhỏ, nhóm tổ sản xuất đến các doanh nghiệp cỡ lớn như mô hình sản xuất hoa của Dalat Hasfarm, mô hình trồng rau công nghệ cao VinEco của Vingroup, mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Vinamilk, mô hình nuôi gà công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global Gap của Hùng Nhơn Group,…

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Hội thảo đều nhận định rằng, sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã xuất hiện nhưng còn rất ít. Vì thế, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên chưa cao.

GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, sự lựa chọn nông nghiệp 4.0 áp dụng trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp sẽ là việc ứng dụng các chế phẩm mới nhất trong quy trình sản xuất giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vi sinh vật kích kháng sâu bệnh cho tất cả cây trồng và vật nuôi. Điều này giúp nông dân làm giảm tác động biến đổi khí hậu, tiết kiệm chi phí, nhờ thế nông dân sẽ tăng lợi tức một cách vững chắc.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra tọa đàm với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học nhằm chia sẻ và giải đáp các câu hỏi liên quan đến những khó khăn và thách thức đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam hiện nay và các chính sách tại khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương.

Tin, ảnh: Lê Hà