Bản in
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN - Đầu mối chuyển giao, ứng dụng công nghệ tại địa phương
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN là tổ chức hạt nhân, lực lượng chủ chốt, quan trọng phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về KH&CN tại địa phương; đầu mối đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, phát triển các hoạt động dịch vụ KH&CN, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về ứng dụng, chuyển giao công nghệ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết như trên tại Hội nghị Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ XI năm 2018 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 4/10/2018 tại TP. Cần Thơ.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; lãnh đạo các Sở KH&CN, Trung tâm từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị có liên quan. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Dũng chủ trì Hội nghị

Phục vụ trực tiếp công tác quản lý nhà nước về KH&CN

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến hoạt động KH&CN, với quan điểm phát triển và ứng dụng KH&CN là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng và Chính phủ được thông qua các Nghị quyết như: Nghị quyết 20 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 05 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân, Nghị Quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN,…

Theo đó, các văn kiện của Đảng đã khẳng định rõ tầm quan trọng của  KH&CN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Để hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Nhà nước đặt ra cho lực lượng KH&CN, ngành KH&CN phải được tổ chức bộ máy quản lý theo ngành dọc một cách độc lập, tự chủ, để tập trung nguồn lực và phát huy được tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phạm vi toàn quốc, từ cấp trung ương đến địa phương. 


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị
 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh vai trò, vị trí của các Trung tâm; là tổ chức hạt nhân, lực lượng chủ chốt, quan trọng phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về KH&CN tại địa phương; đầu mối đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, phát triển các hoạt động dịch vụ KHCN, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về ứng dụng, chuyển giao công nghệ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cơ bản để lựa chọn mô hình hoạt động, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức phù hợp nhất đối với các Trung tâm nhằm tiếp tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội triển khai hiệu quả. Việc tồn tại, duy trì và phát triển hệ thống các Trung tâm Ứng dụng có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa cơ quan quản lý và “Doanh nghiệp-người dân”; chất xúc tác quá trình chuyển hóa chính sách, nguồn lực thành giải pháp công nghệ hữu ích cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, thời gian tới, với việc triển khai đồng bộ các văn bản hướng dẫn Luật (đặc biệt là Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017), thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, các Trung tâm cần tiếp tục thể hiện rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thời gian qua, nhiều Trung tâm đã mạnh dạn, năng động đưa các công nghệ, sản phẩm vào cuộc sống, cụ thể: 33/63 Trung tâm đã có hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm trên thị trường với tổng doanh thu 45-65 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 10 tỷ/năm; 30/63 Trung tâm thực hiện hoạt động sản xuất- kinh doanh và dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ. “Các kết quả nổi bật trên đã đóng góp tích cực trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ và phát triển KTXH ở các địa phương, tạo được uy tín cho ngành khoa học” Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Đánh giá công tác triển khai hoạt động KH&CN của các Trung tâm, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho hay, trải qua nhiều lần Hội nghị, đặc biệt từ sau Hội nghị năm 2017, ngành KH&CN địa phương cùng các Sở, ngành, đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập là các Trung tâm. 


Phó Chủ tịch UBND Tp Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng phát biểu tại Hội nghị
 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Dũng bày tỏ mong muốn các Trung tâm tiếp tục có những đánh giá, lựa chọn các kết quả nghiên cứu, tăng cường làm chủ công nghệ - quy trình công nghệ để tạo ra các sản phẩm đặc thù thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh, đưa công nghệ vào cuộc sống. “Đặc biệt với sự hỗ trợ tích cực của Bộ KH&CN, các Trung tâm trên toàn quốc sẽ tiếp tục phát triển; phát huy những điểm mạnh của từng Trung tâm và của cả hệ thống để chung tay vì sự nghiệp phát triển của thị trường KH&CN cả nước”. 

Đẩy mạnh liên kết

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng giới thiệu việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN của các Trung tâm trong giai đoạn 2017 – 2018; công tác thực hiện Nghị định số 54/2016/NĐ-CP; nhu cầu công nghệ của các Trung tâm; hoạt động tư vấn, dịch vụ, chuyển giao công nghệ,…

Đối với hoạt động triển khai công nghệ, năm 2018, các Trung tâm đã làm chủ được 275 công nghệ, trong đó tập trung ở một số lĩnh vực như: công nghệ sinh học;công nghệ thực phẩm; công nghệ thông tin; xử lý môi trường; nông nghiệp; tiết kiệm năng lượng; y dược; công nghiệp; vật liệu,…

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, ôngTạ Việt Dũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai, hoạt động của các Trung tâm. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách; thông tin công nghệ; đầu tư cơ sở, vật chất; triển khai các đề tài, dự án thuộc các Chương trình KH&CN quốc gia,…với các cơ quan ban ngành trung ương, địa phương nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho các Trung tâm hoạt động ổn định, hiệu quả.

Bày tỏ sự ấn tượng với những thành tựu trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các Trung tâm thời gian qua, đặc biệt, chuỗi sự kiện đã mang lại nhiều thông tin giá trị về hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tại Tp Cần Thơ cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất những giải pháp nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác, sản xuất kinh doanh cũng như mong muốn tiếp tục đẩy mạnh sự liên kết giữa Liên minh HTX, Bộ KH&CN và các địa phương để nâng cao hiệu quả các hoạt động ứng dụng tới các doanh nghiệp, HTX trên cả nước, trong đó, hoạt động sản xuất phải gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Hoàng Phương Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. Cần Thơ  cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ; khai thác nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của các tỉnh, thành; phát triển hoạt động ứng dụng, đảm bảo nhu cầu sản xuất quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng hàng hóa theo chuỗi cung ứng,…thì việc liên kết các Trung tâm để phát triển là rất cần thiết. Điều này có thể giúp đẩy mạnh ứng dụng KH&CN hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.

Từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm Cần Thơ, ông Nguyễn Chí Ngôn, Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ nhận định, hoạt động hợp tác liên kết với các viện, trường, doanh nghiệp đã có bước phát triển nổi bật. Đây chính là điều kiện tốt để các cơ quan quản lý nhà nước địa phương (các Sở KH&CN) hoàn thiện thêm vai trò thúc đẩy, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển KH&CN; đáp ứng tốt cung - cầu của thị trường KH&CN. Đặc biệt, việc liên kết hiệu quả với các viện, trường, doanh nghiệp đối với các hoạt động ươm tạo, khảo nghiệm, thử nghiệm công nghệ, hợp tác nghiên cứu, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu để hoàn thiện, chuyển giao công nghệ,… sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN của TP. Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung. 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng và Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Dũng chứng kiến lễ ký kết giữa lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Sở KH&CN An Giang Chương trình phối hợp. 

Đánh giá cao những thành tựu ứng dụng tiến bộ KH&CN của các Trung tâm thời gian qua. Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp, chuyển giao tiến bộ KH&CN cho các Hợp tác xã trên phạm vi cả nước với các phương án tổng thể, nhất là các Trung tâm, các điểm kết nối, giao dịch công nghệ.

Đối với những ý kiến trao đổi của các đại biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các Trung tâm, và khẳng định Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành, nghiên cứu, tiếp thu, tháo gỡ những hạn chế tồn tại. 


Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho đại diện lãnh đạo 05 Trung tâm đã có thành tích trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ năm 2018.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp