Bản in
Điểm tin KH&CN tuần từ 19-25/8/2018
Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam là chủ đề truyền thông về khoa học và công nghệ (KH&CN) được các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm và đăng tải nhiều nhất trong tuần từ 19-25/8/2018.

Cùng với đó là những thông tin đáng chú ý báo chí đã đưa tin như: Vingroup đầu tư vào AI và Big Data với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ; Giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông 2018: “Vì thành phố thông minh, đổi mới, sáng tạo”; Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ký hợp tác với Đại học KH&CN Hà Nội; Vietnam Startup Day 2018 gắn kết cộng đồng khởi nghiệp Việt và quốc tế...

Thủ tướng cùng 100 nhà khoa học khởi động mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt

Mạng lưới có hàng trăm nhà khoa học trong nước, hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ đang làm việc ở nước ngoài tham gia.

Chiều 19/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao và các nhà khoa học tiêu biểu đã nhấn nút khởi động mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Mạng lưới nhằm huy động nguồn chất xám từ chuyên gia Việt đang làm việc tại các quốc gia có nền công nghệ phát triển để hỗ trợ Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu là người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài cùng hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước tham gia.

Để mạng lưới hoạt động hiệu quả, tại lễ khởi động, các nhà khoa học đã kiến nghị giải pháp huy động nguồn lực tri thức, tận dụng được công nghệ tiên tiến, cách tiếp cận thị trường cũng như nguồn đầu tư mạo hiểm trên thế giới.

Đánh giá cao gợi ý của các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Thủ tướng đã ban hành Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam tầm nhìn 2035. Kịch bản cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam đến năm 2035 cũng được xây dựng.

Hai năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo tạo toàn cầu Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Ở phần chi R&D do doanh nghiệp thực hiện tăng từ vị trí 68 năm 2016 lên vị trí 48 năm 2018.

Tuy nhiên, để đưa đất nước phát triển hơn nữa, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng việc tạo lập được một hệ sinh thái đồng sáng tạo để kết nối nguồn lực trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài là rất quan trọng.

Để thực hiện được, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong nhận được sự ủng hộ và tham vấn của các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài, gợi ý giúp trong việc xây dựng các chính sách phù hợp để kết nối, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thực sự mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Sau lễ khởi động, chương trình có hai phiên đối thoại. Một là lãnh đạo các bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao), một là nhà khoa học và các doanh nghiệp. Các phiên đối thoại ngắn gọn với thông điệp của từng cá nhân, bộ, ngành về cách thức để kết nối mạng lưới trí thức tốt nhất cũng như những góc nhìn cá nhân trong việc tận dụng tri thức hiệu quả.

Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo với chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 19/8 đến 24/8:

Ngày 19/8: Công bố Sáng kiến mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và Phiên đối thoại của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học.

Chiều 20/8: Làm việc tại Làng phần mềm F-Ville 2, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngày 21/8: Trao đổi về các ngành, lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam (Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước).

Ngày 22/8: Làm việc tại Quảng Ninh và kết nối với giới trí thức, nghiên cứu, làm công nghệ.

Ngày 23/8: Làm việc tại TP HCM, thăm Khu công nghệ cao Hồ Chí Minh.

(Theo VnExpress ngày 19/8)

Chuyên gia nước ngoài giúp Việt Nam làm dự án trọng điểm

Ngày 21/8, VnExpress đưa tin, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đài Loan... sẽ tham gia nghiên cứu giải quyết các vấn đề Việt Nam đang quan tâm.

Dự án "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ" (FIRST) của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký thỏa thuận tài trợ chuyên gia giỏi nước ngoài thực hiện 13 dự án tại Việt Nam.

Một trong số đó có các dự án phân tích và phát hiện mã độc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; bảo mật phần cứng; nghiên cứu phát triển vật liệu xúc tác quang dạng nổi ứng dụng xử lý nước ô nhiễm; tái chế chất thải rắn chứa crom...

Trong lần ký kết này, các chuyên gia nước ngoài sẽ có 11 tháng làm việc với các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam để thực hiện dự án.

Lễ ký thỏa thuận giữa Ban quản lý dự án và các viện, trường

Ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Ban quản lý Dự án FIRST, các dự án có sự tham gia của chuyên gia giỏi nước ngoài đều nghiên cứu những công nghệ mới, công nghệ trong nước gặp thách thức. Đến nay có hơn 600 chuyên gia giỏi nước ngoài quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ các viện, trường ở Việt Nam nghiên cứu.

FIRST là dự án ODA trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam. Một trong những hợp phần của dự án là khoản tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài sẵn sàng hợp tác với đối tác, viện, đại học và doanh nghiệp trong nước để giải quyết các vấn đề cụ thể trong nghiên cứu, đào tạo và sản xuất kinh doanh.

Dự án đắt đầu từ tháng 10/2013, kết thúc vào 30/6/2019.

Vingroup đầu tư vào AI và Big Data với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ - 1

Thông tin trên được Tạp chí Khám phá điện tử đưa ngày 22/8, Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với 54 trường Đại học Khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Tại lễ ký kết, Vingroup chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Với mảng công nghiệp, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện thông minh - gia dụng. Dự kiến ngay cuối năm nay, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới.

Với mảng công nghệ, Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có ba điểm chính. Trước hết, thành lập một công ty mới dựa trên Công ty Vinsmart của tập đoàn để tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Công ty đã thành lập hai Viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT). Trong đó, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn do TS. Vũ Hà Văn, hiện là giáo sư Đại học Yale, Mỹ làm Giám đốc Khoa học. Còn Vin Hi-Tech sẽ do GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng.

Mũi nhọn thứ hai là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội. Mục tiêu của trung tâm này là tạo hệ sinh thái toàn diện để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp kèm theo.

Mũi nhọn thứ ba là lập Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của Tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm.

Ngoài ra, VinTech còn lập Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học - Công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong nước. Quỹ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu và thực nghiệm các nghiên cứu khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng lực của các kỹ sư khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy sự đi lên của nền công nghệ và công nghiệp Việt Nam - Quỹ cũng sẽ hỗ trợ cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với 54 trường Đại học Khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam

Giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông 2018: “Vì thành phố thông minh, đổi mới, sáng tạo”

Nhân kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT), Sở TT-TT TPHCM đã họp báo phát động Giải thưởng CNTT-TT TPHCM lần X, năm 2018 (ICT AWARDS) với chủ đề “Vì thành phố thông minh, đổi mới, sáng tạo” vào chiều 23/8.

Đây là giải thưởng do UBND TPHCM khởi động từ năm 2008. Giải thưởng năm 2018 đặc biệt chào đón sự kiện kỷ niệm 10 năm giải thưởng CNTT-TT. Trải qua một thập niên, giải thưởng đã mở rộng từ 4 lên 6 nhóm giải thưởng xét chọn cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, triển khai ứng dụng CNTT-TT và các sinh viên ngành CNTT-TT có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc.

Năm 2018, TPHCM đang trong quá trình triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội để thành phố đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, tận dụng dữ liệu mở để hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng dữ liệu mở… nên đây cũng là lý do giải thưởng năm nay có chủ đề “Vì thành phố thông minh, đổi mới, sáng tạo”.  (Theo báo Sài Gòn giải phóng ngày 23/8).

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ký hợp tác với Đại học KH&CN Hà Nội

Báo Dân Trí ngày 24/8 đưa tin, ngày 23/8, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) trong việc cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho lĩnh vực khoa học vũ trụ, chia sẻ cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động của hai Bên.

Theo thỏa thuận, VNSC và USTH sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác đối với các chương trình đào tạo Vũ trụ và Hàng không về giảng dạy, cơ sở thực tập; Tổ chức/ đồng tổ chức các hoạt động phổ biến khoa học, các dự án giáo dục và phát triển cộng đồng; Phối hợp xây dựng, phát triển và thực hiện các chương trình/đề tài nghiên cứu phù hợp.

Cụ thể, phía VNSC sẽ cử chuyên gia tham gia giảng dạy cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; tạo điều kiện và tiếp nhận sinh viên của USTH đến làm việc, thực tập và tham gia các hoạt động khoa học tại VNSC.

Phía USTH tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ VNSC đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành tương thích; thúc đẩy hợp tác quốc tế, kết nối mở rộng hợp tác giữa VNSC với các trường Đại học, Viện nghiên cứu của Pháp và các nước khác thông qua các chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu song phương hoặc đa phương với nhiều cấp độ khác nhau. 

PGS.TS. Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc VNSC, GS. Patrick Boiron – Hiệu trưởng Trường Đại học USTH ký kết hợp tác

Vietnam Startup Day 2018 gắn kết cộng đồng khởi nghiệp Việt và quốc tế

Với sự bảo trợ bởi Đề án 844 của Chính phủ, ngày hội khởi nghiệp Việt Nam năm nay mang đến nhiều nét mới nổi bật dành cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, ngày hội hướng đến kết nối cộng đồng khởi nghiệp quốc tế qua việc thu hút hơn 20 startup đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Sáng ngày 24/8, tại TPHCM, Ngày hội khởi nghiệp Việt Nam lần thứ 6 – năm 2018 (Vietnam Startup Day 2018) diễn ra với sự tham dự của hàng trăm nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.

Ngày hội do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM (BSSC) phối hợp Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM.

Diễn ra trong hai ngày 24 – 25/8, Ngày hội Vietnam Startup Day 2018 là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp trên toàn quốc và là chương trình được thiết kế gồm tổ hợp các hoạt động thiết thực dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Lấy chủ đề độc đáo “Dance with Elephants – Khiêu vũ cùng những chú voi”, ngày hội năm nay góp phần truyền đi thông điệp “Vì ta cần nhau” dành cho những “chú voi” – vốn là các tập đoàn, công ty lớn và các startups.

Một trong những hoạt động được đón chờ nhất của Vietnam Startup Day 2018 là cuộc tranh tài và chứng minh khả năng “sống còn” của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại cuộc thi Vietnam Startup Wheel – cuộc thi lớn nhất VN hiện nay dành cho các mô hình, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động dưới 5 năm. Cuộc thi năm nay không giới hạn độ tuổi và mở rộng đối tượng, dành cho cả các nhà nghiên cứu khoa học có sản phẩm có khả năng thương mại hóa, tạo ra cuộc “cách mạng” trong nhiều ngành, lĩnh vực. (Theo Báo Tiền Phong ngày 24/8)

Khai mạc sân chơi khoa học lớn cho sinh viên

Ngày 25/8 báo Dân Trí đưa tin, sáng 25/8 tại Đại học Huế đã diễn ra lễ Khai mạc vòng sơ khảo giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức cùng Đại học Huế.

Lễ Khai mạc vòng sơ khảo giải thưởng SV nghiên cứu khoa học tại Đại học Huế sáng 25/8

SV nghiên cứu khoa học là giải thưởng hàng năm dành cho SV với mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ trong các trường đại học, học viện cả nước. Qua hơn 26 năm tổ chức, giải thưởng “SV nghiên cứu khoa học" đã trở thành sân chơi khoa học lớn có uy tín đối với SV ở các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Hàng năm, giải thưởng thu hút hàng trăm SV ở các trường với từ 300-400 đề tài tham dự các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau. Giải thưởng nhằm khuyến khích SV tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực tư duy sáng tạo, nâng cao khả năng làm việc nhóm của SV, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo…

Đề tài tham gia xét giải thưởng phải được hội đồng khoa học cấp cơ sở đánh giá xếp loại xuất sắc, có tính mới, tính sáng tạo, có giá trị khoa học và thực tiễn. 6 lĩnh vực khoa học và công nghệ được tham gia xét giải thưởng bao gồm: Khoa học Tự nhiên; Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; Khoa học Y Dược; Khoa học Nông nghiệp; Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn.

Giải thưởng năm nay được Bộ GD&ĐT giao cho Đại học Huế đăng cai tổ chức vòng sơ khảo, chung khảo, lễ tổng kết, trao giải thưởng và các hoạt động liên quan.

Ban Tổ chức đã nhận được 389 đề tài dự thi từ 88 trường đại học, học viện trong cả nước – tăng so với năm 2017 là 11 đơn vị, 53 đề tài. Tổng số SV tham gia vào các đề tài dự thi là 982 em, đặc biệt có cả SV Lào là thành viên của nhóm nghiên cứu.

Dựa vào số lượng và chuyên môn của các đề tài, có 20 hội đồng đánh giá và xét giải vòng sơ khảo với sự tham gia của 152 nhà khoa học. Các hội đồng sẽ họp trong 2 ngày 25,26/8 tại Đại học Huế để chấm và chọn ra các đề tài vào vòng chung khảo. Dự kiến vòng chung khảo sẽ được tổ chức tại TP Huế vào trung tuần tháng 10/2018.

Trong khuôn khổ lễ trao giải “SV nghiên cứu khoa học” 2018 dự kiến có các hoạt động khác như Triển lãm sản phẩm nghiên cứu khoa học của SV giới thiệu các đề tài vào vòng chung khảo; Diễn đàn SV nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học; Diễn đàn khởi nghiệp; Các hoạt động cộng đồng…

Hà Chi (Tổng hợp)