Bản in
Quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân và ứng phó sự cố
Với nhu cầu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội tăng trưởng nhanh, công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã đặt ra các thách thức cả ở Trung ương và địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động này ở Việt Nam. Vậy thời gian qua hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực này tại Việt Nam đã được triển khai ra sao? Những khó khăn vướng mắc gặp phải? Cần phải làm gì để đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an toàn an ninh bức xạ và hạt nhân ở nước ta?

Đó là những nội dung thông tin chính tại Phiên họp toàn thể với chủ đề “Công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh hạt nhân và ứng phó sự cố” diễn ra vào ngày 25/7. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần 3 diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 25-27/7/2018.

Thảo luận quản lý nhà nước về ATBXHN

Tại Phiên họp buổi sáng, ông Nguyễn Tuấn Khải - Cục trưởng Cục ATBXHN; ông Tạ Duy Thịnh - Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh và ông Vương Hữu Tấn - Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam làm chủ toạ. Các đại biểu đã được đã nghe các báo cáo tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế liên quan đến nội dung của phiên họp, trong đó có 4 báo cáo quốc tế do đại diện của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các nước về việc hợp tác trong lĩnh vực pháp quy hạt nhân. Nội dung báo cáo bao gồm: Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân ở Việt Nam sau Hội nghị lần thứ 2; Chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA hỗ trợ hạ tầng pháp quy về an toàn bức xạ và hạt nhân; Các Tiêu chuẩn an toàn IAEA về hạ tầng pháp quy đối với kiểm soát nguồn phóng xạ; Tổng quan các vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân trên thế giới và một số suy nghĩ cho Việt Nam trong thời gian tới; Hợp tác với EC về tăng cường năng lực của Cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam; Kinh nghiệm của Slovenia trong thanh tra an toàn các cơ sở bức xạ và hạt nhân; Những bài học kinh nghiệm và phương thức quản lý an toàn bức xạ đối với lỗi, tai biến trong chẩn đoán hình ảnh và xạ trị, ông Đặng Thanh Lương, Chuyên gia năng lượng nguyên tử.

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của ông Lê Quang Hiệp - Phó Cục trưởng Cục ATBXHN, ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục NLNT, ông Nguyễn Nhị Điền - Chuyên gia NLNT, Phiên họp tiếp tục với các bài trình bày liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ ở trung ương và địa phương. Cụ thể như: Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2017; Công tác Quản lý an toàn bức xạ tại TP. Hồ Chí Minh; Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực an toàn bức xạ trong y tế; Công tác cấp phép và quản lý các nguồn phóng xạ tại Việt Nam trong thời gian qua, các giải pháp tăng cường công tác quản lý trong thời gian tới; Các hoạt động hợp tác của Cục ATBXHN về an ninh hạt nhân; Công tác đảm bảo an toàn bức xạ trong hoạt động vận hành và khai thác lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt; Kinh nghiệm về quản lý đảm bảo an toàn bức xạ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu; Bảo đảm an toàn bức xạ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Hoạt động thu gom và ứng phó sự cố đối với nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và vật liệu hạt nhân nằm ngoài kiểm soát.

Phiên họp đã tập trung thảo luận về các chủ đề chính trong các báo cáo. Qua thảo luận, phiên họp đã ghi nhận những cố gắng và kết quả đạt được trong lĩnh vực pháp quy hạt nhân của Việt Nam từ Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ 2, những nỗ lực qua các chương trình hợp tác về hỗ trợ hạ tầng pháp quy và tăng cường năng lực của cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao và một số đề xuất về vấn đề an toàn và an ninh cho Việt Nam. 

Toàn cảnh Phiên họp

Phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân

Phiên họp cũng đã ghi nhận các tiến bộ, kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ tại địa phương và đảm bảo an toàn bức xạ tại các cơ sở bức xạ. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những thách thức, bất cập, khó khăn vướng mắc gặp phải, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa trung ương và địa phương và các giải pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN cho biết, trong những năm gần đây, các ứng dụng năng lượng nguyên tử đã phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ứng dụng trong y tế, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp trên các phương tiện thiết bị, công nghệ và kỹ thuật. Vì vậy, cần tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp và phân cấp hợp lý trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân cả ở Trung ương và địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh và hiệu quả đối với các hoạt động này ở Việt Nam.

Trong ba năm (2015-2017), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản phục vụ công tác quản lý Nhà nước về an toàn an ninh trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ và hạt nhân, ứng phó sự cố. Công tác cấp phép cho các hoạt động trong lĩnh vực NLNT đã được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không để tồn đọng hồ sơ. Công tác thanh tra, phối hợp với các sở KH&CN, thanh tra chuyên đề phối hợp với Thanh tra Bộ được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, đạt mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Cùng với đó, công tác xây dựng năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, sự phối hợp với các Bộ ngành được nâng cao thông qua các kênh hợp tác quốc tế, góp phần phục vụ hiệu quả việc triển khai các ứng dụng NLNT ở nước ta.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khải thách thức lớn nhất trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bưc xạ trong ba năm qua là nguy cơ thất lạc, mất mát nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và văn hóa an toàn.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATBXHN và khắc phục các hạn chế yếu kém thời gian qua, theo ông Nguyễn Tuấn Khải cần phải có một số giải pháp như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tăng cường công tác thẩm định cấp phép; tăng cường công tác thanh tra và xử lý vi phạm; Tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo về bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ; Áp dụng các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ công tác quản lý; Tăng cường năng lực cho công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân ở trung ương và địa phương.

Hoạt động cấp phép từ 2015-2017:

Giấy phép do Bộ KH&CN ký ban hành

- Cục ATBXHN đã hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình lãnh đạo Bộ KH&CN cấp 50 giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Giấy phép do Cục ATBXHN ký ban hành

- Theo thống kê số lượng hồ sơ liên quan đến hoạt động Cục ATBXHN tiếp nhận trong thời gian qua tăng trung bình khoảng 15-20% một năm.

- Cục ATBXHN đã thẩm định và ký ban hành tổng cộng 2487 giấy phép và 1895 chứng chỉ nhân viên bức xạ và chứng chỉ hành nghệ dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT;

Giấy đăng ký do Cục ATBXHN ký ban hành

- Thẩm định và ký ban hành tổng cộng 112 giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;

 - Trong tổng số 61 Sở KH&CN gửi báo cáo về công tác QLNN về ATBXNHN năm 2018, Hiện nay, có 3133 cơ sở có sử dụng thiết bị X quang trong chẩn đoán ý tế với 8536 thiết bị X quang đã được cấp phép trong chẩn đoán.

Giấy phép do Tỉnh ký ban hành

- Năm 2015, Các Sở  khoa học và Công nghệ đã cấp1397 giấy phép X quang (62/63);

- Năm 2016, Các Sở  khoa học và Công nghệ đã cấp 1685 giấy phép X quang (57/63);

- Năm 2017, Các Sở  khoa học và Công nghệ đã cấp1817 giấy phép X quang (61/63);

 

Bài, ảnh: Lê Chi