Bản in
Phát triển thư viện trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự ra đời của nhiều ngành khoa học mới đã làm cho khối lượng thông tin gia tăng nhanh chóng, dẫn đến hiện tượng “bùng nổ” thông tin. Trước tình hình đó, nếu không kịp thay đổi thì sẽ dẫn đến việc người dân quay lưng với thư viện.

Ngày 29/6/ 2018, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ XVI Liên hợp thư viện Việt Nam về Nguồn tin KH&CN (sau đây gọi tắt là Liên hợp thư viện). Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và 160 đại biểu đại diện cho 80 thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện chuyên ngành và trung tâm thông tin trong cả nước.

Cơ hội đối với ngành thư viện

 “Thư viện” là một thiết chế được cả thế giới công nhận từ hàng trăm năm nay là nơi lưu giữ và cung cấp tri thức cho mọi người trong quá trình học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Thư viện là trung tâm của mọi môi trường giáo dục và nghiên cứu, là cầu nối trung gian giữa người tạo ra tri thức và những người sử dụng tri thức. Trong bất cứ một xã hội phát triển nào, thư viện luôn được quan tâm đầu tư và giữ vị trí quan trọng trong các chiến lược phát triển của quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh khẳng định: Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, thông tin KH&CN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Cốt lõi của Công nghiệp 4.0 là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều được thực hiện trên nền tảng các kho dữ liệu khổng lồ được tạo lập, xử lý, phân tích và cung cấp trong thời gian thực. Những nước có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới đều là những nước tạo lập và sở hữu các nguồn thông tin KH&CN phong phú và đa dạng nhất, đồng thời cũng là những nước khai thác và sử dụng các nguồn thông tin này nhiều nhất để tạo ra các tri thức và giá trị mới cho xã hội.

Ông Trần Đắc Hiến – Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết: Hiện nay, chúng ta đang trải qua thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số - công nghệ sinh học – công nghệ vật lý. Trong lĩnh vực công nghệ số, vốn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thông tin – thư viện, sự phát triển và ứng dụng của các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things) hay Trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi trong việc phát triển và cung cấp các dịch vụ thông tin tới người dùng. Các công trình khoa học được xuất bản và cung cấp đến tay người đọc một cách nhanh hơn, với nhiều tiện ích phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu. Xu thế tự xuất bản và truy cập mở cũng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, có tác động không nhỏ đến cách thức người dùng tiếp cận và sử dụng thông tin. 

  Toàn cảnh Hội nghị
 
Trong khi cần phải có những nghiên cứu và đánh giá thấu đáo về việc liệu “thư viện” đã trở nên lạc hậu hay chưa, thì vai trò của các thư viện hiện nay vẫn là kết nối bạn đọc tới các nguồn tài nguyên thông tin mới, dưới định dạng mới, với các thiết bị và công cụ mới hỗ trợ khả năng tiếp cận thông tin trong một môi trường  không ngừng được mở rộng. Trong khi các công nghệ vẫn liên tục phát triển và nhu cầu của bạn đọc cũng thay đổi không ngừng, thì chúng ta cần xác định lại vai trò và vị trí của thư viện một cách phù hợp với tình hình mới.

Ông Trần Đắc Hiến cho biết thêm: trong thời gian tới, một số xu hướng có thể ảnh hưởng tới việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong các thư viện như: Quản lý dữ liệu nghiên cứu, nâng cao trải nghiệm người dùng, bạn đọc là nhà sáng tạo, tái cấu trúc không gian thư viện, cộng tác chặt chẽ hơn giữa các thư viện, Mạng xã hội và thiết bị di động.

Ông Vũ Hùng Cường – Viện trưởng Viện Thông tin KHXH cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến hoạt động thư viện thông qua 2 hoạt động: hoạt động vươn trải tự động và hoạt động kết nối các thư viện với nhau trong việc trao đổi nguồn tin. Để đón đầu các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cho việc thúc đẩy hoạt động thông tin, thư viện chúng tôi cho rằng có 5 điều kiện cơ bản mà các thư viện cần phải chuẩn bị. Thứ nhất cần tư duy không gian đồng bộ thư viện, tiếp cận các nguồn thông tin và tổ chức các dịch vụ thư viện. Thứ hai là thư viện cần xây dựng được hạ tầng đủ mạnh có trang bị các phần cứng như hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ đủ mạnh để lưu trữ dữ liệu lớn. Thứ ba là cần có đường truyền Internet đủ mạnh. Thứ tư là cần có hệ thống phần mềm hiện đại đáp ứng được nhu cầu xử lý, khai thác thông tin. Thứ 5 cần có nguồn tài nguyên thông tin số đặc biệt.
 
Thư viện là môi trường ứng dụng các công nghệ số từ rất sớm. Từ năm 2004, khái niệm “thư viện không tường” đã được các nhà nghiên cứu sử dụng để chỉ các thư viện ứng dụng công nghệ thông tin để cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thư viện ảo mà không phụ thuộc vào các thư viện vật lý. Gần đây, khái niệm “Thư viện 4.0” cũng được các nhà thư viện học sử dụng để phản ánh xu thế áp dụng các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này. Thư viện 4.0 là nơi mà ranh giới giữa “thư viện vật lý” và “không gian số” bị xóa nhòa, cung cấp những tiện tích và dịch vụ ngày càng tốt hơn cho bạn đọc. 

Bộ KH&CN triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển nguồn tin KH&CN

Để hỗ trợ các thư viện Việt Nam có sự chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả trước những thay đổi của môi trường học thuật và công nghệ phát triển, vai trò của Liên hợp thư viện về nguồn tin KH&CN là hết sức quan trọng. Liên hợp thư viện là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích tăng cường năng lực thông tin cho các cơ quan thông tin thư viện Việt Nam, tiết kiệm kinh phí bổ sung, tránh trùng lặp, lãnh phí và thúc đẩy hợp tác cùng phát triển. Sau 14 năm hoạt động và 15 lần Hội nghị đã được tổ chức, Liên hợp đã gặt hái được những thành công nhất định, nổi bật nhất là việc hợp tác bổ sung các nguồn tin KH&CN quốc tế có giá trị và chia sẻ các nguồn tin KH&CN trong nước, góp phần thỏa mãn nhu cầu của người dùng tin trong cả nước.
 
Tuy nhiên, phối hợp bổ sung nguồn tin mới chỉ là hình thức hợp tác đơn giản nhất của Liên hợp thư viện. Trong bối cảnh mới hiện nay, cộng tác chặt chẽ hơn và chia sẻ dữ liệu và tài nguyên thông tin trở thành yếu tố trọng tâm để Liên hợp thư viện có thể phát triển bền vững và tận dụng sức mạnh của cả hệ thống. Việc chia sẻ giúp tăng cường tối đa các nguồn tin KH&CN phục vụ bạn đọc, cải thiện khả năng truy cập đa dạng cho bạn đọc của các đơn vị thành viên.

“Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chúng ta đang đứng trước những cơ hội to lớn đồng thời cũng gặp phải những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển, hướng tới mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong bối cảnh đất nước hiện nay, tất cả chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là yếu tố có thể mang lại thành công và sự phát triển của nền kinh tế”. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để nền KH&CN của Việt Nam bắt kịp trình độ phát triển KH&CN của thế giới, các nhà khoa học của Việt Nam rất cần được cập nhật những thông tin và tri thức khoa học mới nhất trên thế giới. Đó là nguồn thông tin tham khảo không thể thiếu được đối với mỗi nhà khoa học trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu của mình.. 
  
  
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
 
Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, Liên hợp thư viện đã đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác liên kết, bổ sung những nguồn tin KH&CN có giá trị phục vụ cho các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và mọi người dùng tin. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, kinh phí, nhân lực, song Liên hợp thư viện cùng các đơn vị thành viên đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để tăng cường và phát triển nguồn tin KH&CN, phục vụ cho các nhu cầu về nghiên cứu, giáo dục và phát triển kinh tế. Người dùng tin đã có cơ hội để tiếp cận và sử dụng nhiều nguồn tin KH&CN, đặc biệt là nguồn tin nước ngoài. 
 
Tuy nhiên, nguồn tin KH&CN có đặc thù là chi phí đặt mua cao, thời gian sử dụng ngắn. Trong khi đó, nguồn ngân sách bổ sung tài liệu của hầu hết các trung tâm thông tin và thư viện của Việt Nam còn rất hạn chế, không đủ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng tin. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp để một mặt tăng cường tối đa nguồn tin KH&CN trong phạm vi năng lực có thể của chúng ta, mặt khác tăng hiệu quả sử dụng của các nguồn tin đó. 

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 16 này, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra phương hướng giải quyết đối với các vấn đề như: Phân tích các tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với các thư viện Việt Nam và vai trò của Liên hợp thư viện trong việc góp phần nâng cao năng lực tiếp cận Công nghiệp 4.0;

Tăng cường hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn tin điện tử KH&CN của Liên hợp thư viện; Thúc đẩy phát triển và chia sẻ các nguồn tin KH&CN nội sinh của các cơ quan thông tin, thư viện của Việt Nam; Xác định một cơ chế tổ chức và vận hành Liên hợp thư viện phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, nhằm giúp đẩy mạnh các hoạt động của Liên hợp thư viện trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: Bộ KH&CN luôn quan tâm hỗ trợ cho công tác phát triển nguồn tin KH&CN của đất nước. Hiện tại, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược và ổn định lâu dài nhằm tạo lập và phát triển các nguồn tin KH&CN phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khoa học Việt Nam. Cơ chế liên hợp thư viện sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc triển khai Đề án này. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang chủ trì triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” và nhiệm vụ “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN”, tất cả đều nhằm hình thành kho tài nguyên thông tin KH&CN đầy đủ nhất phục vụ cho nghiên cứu, triển khai và đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao nền tảng tri thức khoa học cho toàn xã hội.

Để nâng cao hơn nữa hoạt động của Liên hợp thư viện, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ như: Nâng cao hiệu quả phối hợp bổ sung các nguồn tin KH&CN quốc tế: Cục Thông tin KH&CN quốc gia, các đơn vị thành viên Liên hợp thư viện, các tổ chức thông tin KH&CN bộ, ngành, địa phương và các thư viện đại học, chuyên ngành, đa ngành, thư viện công cộng nghiên cứu nhu cầu, xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để lựa chọn bổ sung các nguồn tin KH&CN cốt lõi, có trọng tâm, trọng điểm; Đẩy mạnh chia sẻ nguồn tin KH&CN nội sinh trong phạm vi Liên hợp thư viện cũng như với cộng đồng bằng cách tham gia chia sẻ dữ liệu trên Hệ tri thức Việt số hoá; Tăng cường hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn tin điện tử KH&CN của Liên hợp thư viện; Kiện toàn cơ chế tổ chức và vận hành Liên hợp thư viện; Nghiên cứu những tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với các thư viện Việt Nam và đề xuất những giải pháp nhằm vai trò của Liên hợp thư viện trong việc góp phần nâng cao năng lực tiếp cận Công nghiệp 4.0.
 
Trong thời gian tới, tin tưởng rằng với sự cam kết mạnh mẽ của các đơn vị thành viên cùng đóng góp chung vào sự nghiệp thông tin thư viện của cả nước, hoạt động của liên hiệp thư viện sẽ không ngừng phát triển và mở rộng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi phối hợp bổ sung nguồn tin điện tử, mà còn cùng nhau chỉa sẻ các nguồn tin nội sinh, hợp tác trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, thúc đẩy các dịch vụ thông tin hiện đại góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam.

Nhóm Phóng viên