Bản in
Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm triển khai nhiệm vụ KH&CN tại vùng Bắc Trung Bộ
Các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ cần tăng cường liên kết trong các hoạt động cũng như trong lựa chọn triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng tâm, có thế mạnh của vùng, địa phương. Đặc biệt là ưu tiên lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng nhằm giải quyết được vấn đề đồng bộ theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương và vùng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIII diễn ra vào chiều 21/6 tại Nghệ An.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, Lãnh đạo Sở KH&CN 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh.

KH&CN tại vùng Bắc Trung Bộ đã chuyển động mạnh mẽ

Giai đoạn 2016-2018, ngành KH&CN cả nước đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong hoạt động KH&CN. Điển hình là phát triển KH&CN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chủ trương kiện toàn sắp xếp cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19, Hội nghị TW6 Khóa XII; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) 2017…

Trong bối cảnh đó, các Sở KH&CN vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã tích cực chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện công tác quản lý, phát triển KH&CN trên địa bàn. Do đó KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu và phát triển KH&CN góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của từng địa phương và sự phát triển của Vùng.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, công tác tham mưu về chính sách KH&CN đã gắn với thực tiễn và khá cụ thể, phục vụ trực tiếp cho hoạt động KH&CN tại địa phương. Trong đó phải kể đến một số chính sách như: Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá của tỉnh Thanh Hóa; chính sách nhân rộng kết quả nghiên cứu ứng dụng KH&CN của Quảng Trị; kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế…. Hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN như Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, An toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý công nghệ, quản lý sở hữu trí tuệ, thanh tra... được chú trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được về KH&CN của Vùng, tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, hoạt động KH&CN của các tỉnh trong Vùng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH của từng tỉnh nói riêng và của cả vùng nói chung. Nhiều vấn đề đã được nghiên cứu, tạo lập cơ sở khoa học cho các cấp uỷ Đảng, Chính quyền làm tốt hơn công tác quản lý, điều hành, hoạch định chủ trương, chính sách phát triển KT-XH trên địa bàn. 

Nổi bật nhất là đóng góp từ hoạt động KH&CN của Vùng trong tái cơ cấu kinh tế nói chung tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp với việc đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, thử nghiệm các giống mới, giống lai có năng suất cao và chất lượng tốt đưa vào sản xuất, phù hợp với điều kiện từng địa phương; nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN theo chuỗi giá trị. Các tỉnh đã quan tâm nhiều hơn tới hỗ trợ lấy doanh nghiệp làm trụ cột trong triển khai các dự án, nhằm cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, làm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. 

Theo Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động KH&CN của các địa phương trong Vùng cũng còn một số hạn chế, nhất là trong việc lựa chọn các nhiệm vụ mang tính liên vùng nhằm giải quyết các vấn đề lớn còn ít; nhiệm vụ nghiên cứu triển khai còn dàn trải. Việc thu hút các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng còn chưa nhiều…

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ tại Hội nghị

Đổi mới nhận thức, quyết liệt hành động

Hiện nay, sự chỉ đạo của Chính phủ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như KH&CN nói riêng hiện nay rất quyết liệt, điều này đòi hỏi ngành KH&CN cũng phải vận động và thay đổi mạnh mẽ hơn, cả về nhận thức lẫn hành động. Bộ KH&CN đã và đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách đổi mới, gắn kết ngày càng sát thực hơn với các mục tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của đất nước. 

Với tinh thần đổi mới trong nhận thức và quyết liệt trong hành động, Hội nghị đã trao đổi các nội dung liên quan đến công tác quản lý, sự phối hợp giữa các Sở KH&CN trong Vùng với các đơn vị quản lý thuộc Bộ; đánh giá kết quả hoạt động KH&CN của các tỉnh trong vùng giai đoạn 2016-2018 trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; các kết quả nổi bật, đóng góp của KH&CN phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH của các địa phương; các giải pháp KH&CN khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, Vùng Bắc Trung Bộ… 

Các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW Khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; triển khai thực hiện Luật KH&CN 2013, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2020. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến phát triển KH&CN của Vùng nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội Vùng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội Vùng Bắc Trung bộ và Duyên Hải đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển KT-XH của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ đã có những bước chuyển động đáng mừng. Một số tỉnh trong vùng đã có Nghị quyết phát triển KH&CN. Bộ trưởng cũng đã đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của Lãnh đạo các Sở, đồng thời ghi nhận sự vào cuộc của các đơn vị thuộc Bộ trong việc xem xét, xử lý các đề nghị của địa phương. Các nội dung trao đổi là cơ sở gắn kết hơn nữa trong mối quan hệ phối hợp và cùng tham mưu cho Bộ những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

Để chuẩn bị cho việc tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển KH&CN cũng như Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 ở cả các địa phương cũng như cấp Quốc gia, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo thời gian tới hoạt động KH&CN của các tỉnh trong vùng sẽ tập cần chủ động, tích cực tham mưu trong việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức bộ máy của Sở theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW đảm bảo tinh gọn theo quy định song vẫn nâng cao được năng lực và tính hiệu quả trong hoạt động của bộ máy; tham mưu triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập theo Nghị quyết 54-NQ-CP và hướng dẫn của Bộ KH&CN đảm bảo thực hiện theo Nghị quyết 19-NQ/TW và phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. 

Theo đó, các Sở KH&CN trong vùng cần rà soát các chỉ tiêu, nội dung đề ra trong Chiến lược/Quy hoạch/Kế hoạch hoạt động KH&CN của các địa phương đến năm 2020, đối chiếu với các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 20-NQ/TW và Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia giai đoạn 2011-2020 để xây dựng Kế hoạch cụ thể cho từng năm, đảm bảo thực hiện tối đa các chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, các tỉnh cần tăng cường liên kết vùng trong các hoạt động, liên kết trong lựa chọn triển khai các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm, có thế mạnh của vùng, địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác và phát triển các sản phẩm có lợi thế của vùng, của địa phương. Đặc biệt là ưu tiên lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng nhằm giải quyết được vấn đề đồng bộ theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương và vùng.

Cùng với việc tăng cường ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất cần đẩy mạnh xây dựng và thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu của các sản phẩm theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm đặc sản của các địa phương trong vùng; ưu tiên hỗ trợ các hoạt động đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm ở nước ngoài; có giải pháp về nguồn lực nhằm hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc trao đổi, kết nối cung cầu công nghệ thông qua các kênh của thị trường công nghệ.

Lãnh đạo Bộ KH&CN tặng hoa Sở KH&CN Nghệ An và chúc mừng Sở KH&CN Quảng Trị chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tham gia các chương trình KH&CN quốc gia; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, tháo gỡ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KH&CN ở các địa phương được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật; hỗ trợ triển khai Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đăng ký thương hiệu và bảo hộ quyền SHTT; cung cấp thông tin xây dựng các luận cứ khoa học về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; về khai thác cơ sở dữ liệu KH&CN…. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã có trả lời những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và điều chỉnh trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và có hướng dẫn cụ thể về các lĩnh vực chuyên môn cho các địa phương.

Bài, ảnh: Bảo Chi