Bản in
Bàn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Chiều 12/6/2018, Ban Quản lý Dự án “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)” đã tiếp đón, trao đổi thông tin về các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam do VCIC hỗ trợ với Phái đoàn Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp được VCIC hỗ trợ đã trực tiếp giới thiệu về các dự án mà họ đang làm và hợp tác với VCIC gồm Công ty Cổ phần Đi chung, Công ty Cổ phần công nghệ cao Hachi, Công ty cổ phần Hà Yến, Công ty TNHH công nghệ và thương mại Gia Phạm. Các công ty này đã nhận được sự hỗ trợ của VCIC như hỗ trợ về tập huấn các khóa đào tạo liên quan đến xây dựng mô hình kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, kết nối chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ về các hoạt động truyền thông và xúc tiến đầu tư, tư vấn về kĩ thuật, marketing, thương mại hóa diện rộng,…

Tính đến tháng 3/2018, VCIC đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cuộc thi chứng minh ý tưởng lần 1 (POC1) thực hiện tốt 17 tiểu dự án. Tổ chức thành công cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần 2 (POC2), hiện đã có 15 doanh nghiệp được chọn nhận tài trợ tài chính, 4 doanh nghiệp nhận hỗ trợ kỹ thuật và đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, VCIC đã tổ chức thành công 3 khóa đào tạo tiền ươm tạo, tiếp cận thị trường, tăng cường năng lực quản lý doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được chọn nhận tài trợ. 85% các ý kiến phản hồi của đại biểu tham dự khẳng định sự phù hợp và cần thiết của các chương trình đào tạo do VCIC tổ chức.

Đặc biệt, VCIC đã và đang kết nối với các tổ chức có tiềm năng và kinh nghiệm trên thế giới từ Úc, Hà Lan, Hàn Quốc, Israel…cung cấp dịch vụ, chuyển giao công nghệ, đầu tư vốn phát triển năng lượng mặt trời, công nghệ lọc và quản lý nguồn nước, các kiến thức và kinh nghiệm mở rộng và xâm nhập thị trường công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. VCIC đã đạt và vượt hầu hết các chỉ số kết quả chính bao gồm 171.440 gia đình được tiếp cận công nghệ mới, giảm thiểu 176.131 tấn C02 phát thải ra môi trường, số lượng sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới được bán và lắp đặt là 237.419, số làm việc trực tiếp được tạo ra là 793, trong đó có 353 việc làm cho phụ nữ.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Đức Nghiệm – Giám đốc dự án VCIC đã chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam gặp phải. Theo ông Nghiệm hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang gặp đó là chính sách chưa đồng bộ, thiếu các chính sách thu hút nguồn lực từ xã hội, sự tham gia của các chủ thể, trường đại học đặc biệt là chính sách hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, các cá nhân các đầu tư thiên thần. Ông Phạm Đức Nghiệm cũng bày tỏ mong muốn được tiếp cận với các chuyên gia của WB làm thế nào để nhà nước bỏ tiền vào quỹ tư nhân để hình thành quỹ chung hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Cùng với đó là khó khăn về thuế. Đối với các nước đều có chính sách riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng ở Việt Nam đang áp dụng chung và có nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, khó khăn về chuyên gia, mạng lưới đỡ đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với các dự án sản xuất và thương mại hóa công nghệ đang bị cạnh tranh trực tiếp bởi các thị trường đặc biệt là thị trường Trung Quốc. 

“Trong thời gian tới, VCIC sẽ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp về nông nghiệp, về quản lý tài nguyên nước, công nghệ thông tin. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế gắn với thị trường và gắn với biến đổi khí hậu”, ông Phạm Đức Nghiệm chia sẻ thêm.

Ngoài ra, theo ông Phạm Đức Nghiệm, thách thức đối với VCIC cũng như của các dự án khởi nghiệp là tính bền vững của các dự án này. Sau khi hết vốn hỗ trợ của các tổ chức tài trợ, để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển đây vẫn là một bài toán khó. Để làm được điều này, rất cần sự đồng hành của hiệp hội doanh nghiệp, trường đại học, mạng lưới các tổ chức tư vấn và quỹ đầu tư. Trong dự án VCIC có 1 quỹ đầu tư khởi nghiệp, quỹ này có nguồn kinh phí do nhà nước cấp thông qua Bộ KH&CN và huy động từ quỹ đầu tư nước ngoài. VCIC mong muốn nhận được sự hỗ trợ tư vấn về quỹ này từ phía WB trong thời gian tới. 

Theo bà Jennifer Isern, Quản lý phụ trách Đông Á Thái Bình Dương của FCI, Worldbank cho biết, trong thời gian tới, có rất nhiều việc cần phải làm từ phía Chính phủ, nhà nước trong đó là việc ưu tiên hàng đầu là liên quan đến cải cách về thể chế chính sách, về môi trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thì mới có thể huy động được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước.

Bà Phạm Liên Anh – Chuyên gia lĩnh vực tư nhân cao cấp của WB cho biết, WB cũng có một chương trình hỗ trợ kĩ thuật cùng với Bộ KH&CN đó là dự án nghiên cứu về hệ thống chuẩn đoán hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại Việt Nam. Dự án này sẽ tập trung nghiên cứu vào các vấn đề như thể chế, chính sách hoặc vấn đề về tài chính… Hi vọng sau khi có nghiên cứu này sẽ đưa ra những kiến nghị đối với Việt Nam làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi và thảo luận xung quanh những vấn đề như: Làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiêp và doanh nghiệp trẻ Việt Nam biến những thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội kinh doanh; các doanh nhân/người khởi nghiệp gặp phải những cơ hội và thách thức nào trong các lĩnh vực chính sách của chính phủ, tiếp cận thị trường, văn hóa, vốn nhân lực, tài chính và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh; quan điểm chung của doanh nghiệp khởi nghiệp về lộ trình và phương hướng của chương trình đổi mới của chính phủ, làm thế nào để chính phủ có thể tạo điều kiện thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; ….

Tin, ảnh: Đăng Minh