Bản in
Đưa KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Một trong những đóng góp nổi bật nhất của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng Trung du và miền núi phía Bắc là việc đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cây dược liệu, rau, hoa chất lượng cao, nghiên cứu đề xuất mô hình hợp tác mới trong phát triển kinh tế, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giới thiệu nhân rộng mô hình KH&CN...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết như trên tại Hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVII do UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức ngày 11/5/2018 tại Lào Cai.

Những kết quả khích lệ

Giai đoạn 2016-2018, ngành KH&CN cả nước đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong hoạt động KH&CN. Phát triển KH&CN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chủ trương kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII; Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi 2017… 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trước bối cảnh đó hoạt động KH&CN của các tỉnh trong vùng đã có những kết quả khích lệ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh nói riêng và của cả vùng nói chung. Các hoạt động KH&CN trong Vùng đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

“Một trong những đóng góp nổi bật nhất của hoạt động KH&CN trong Vùng là việc đưa nhanh các kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cây dược liệu, rau, hoa chất lượng cao, nghiên cứu đề xuất mô hình hợp tác mới trong phát triển kinh tế, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giới thiệu nhân rộng mô hình KH&CN...”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh. 

Công tác tham mưu và tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN được quan tâm thực hiện tốt, đầy đủ ở các lĩnh vực như Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, An toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý công nghệ, quản lý sở hữu trí tuệ , thanh tra KH&CN... 

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh khẳng định tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai và nhấn mạnh tỉnh đã và đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích phát triển KH&CN. Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du miền núi phía Bắc lần này chính là cơ hội để các tỉnh, những người trực tiếp làm công tác KH&CN trao đổi, cùng chia sẻ kinh nghiệm, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc thúc đẩy KH&CN của vùng nói chung, mỗi tỉnh nói riêng ngày càng phát triển. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục dành sự quan tâm cho các tỉnh trong vùng, thúc đẩy phát triển KH&CN phù hợp với đặc thù vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Bà Phạm Thị Hồng Loan, Giám đốc Sở KH&CN Lào Cai cho biết, mặc dù Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là một trong những khu vực có điều kiện khó khăn nhưng các Sở KH&CN trong vùng đã tích cực chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện công tác quản lý, phát triển KH&CN trên địa bàn. Do đó KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu và phát triển KH&CN góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và sự phát triển của Vùng.

Cụ thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều quan tâm và khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của KH&CN trong hệ thống các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong giai đoạn hiện nay. 

Sở KH&CN tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN, nhiều địa phương đã có chính sách khuyến khích tổ chức cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Cùng với đó các sản phẩm chủ lực của vùng, địa phương được quan tâm nhiều hơn trong đầu tư, khai thác và phát triển, nhiều sản phẩm đã phát huy giá trị kinh tế cao như sản phẩm chè, hoa hồi, rau, hoa xứ lạnh, hồng không hạt, cam quýt, lúa gạo chất lượng cao, cá nước lạnh, gỗ và sản phẩm từ gỗ rừng trồng, gia súc, gia cầm, các loại hình sản phẩm du lịch...

“Hoạt động liên kết và hợp tác giữa các địa phương trong vùng với các đối tác ở trong và ngoài nước nhằm phát triển KH&CN phục vụ phát triển KT-XH là một điểm sáng trong giai đoạn vừa qua”, bà Phạm Thị Hồng Loan cho hay.

Liên kết phát triển thế mạnh của Vùng

Từ năm 2016 đến nay, các tỉnh trong vùng đã có 888 nhiệm vụ, đề án KH&CN cấp tỉnh được triển khai, tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt từ 70 đến 75% trên các lĩnh vực chủ yếu như: Khoa học nông nghiệp, Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn, Y dược. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tỉnh chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương. Bên cạnh quan tâm tới việc đặt hàng nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu và tính ứng dụng trong thực tế thì các tỉnh đã chú trọng nghiên cứu để nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng hàng hóa là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương. 

Nhà khoa học cần tính bài toán kinh tế cho doanh nghiệp trong việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu 

Hội nghị giao ban lần này, ngoài việc trao đổi, thảo luận những vấn đề vướng mắc trong thực tế triển khai các hoạt động KH&CN trong Vùng, …các đại biểu tham dự cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cởi mở, đề xuất được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động KH&CN ở các địa phương trong Vùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho rằng khó khăn hạn chế hiện nay của Vùng là vấn đề kết nối thông tin về KH&CN còn ít, nhất là công nghệ tiên tiến đang ứng dụng vào thực tiễn. Thêm vào đó thủ tục hành chính trong thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN còn phiền hà, bất cập. Nhiệm vụ Tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn mờ nhạt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ông Tiến đã xuất Bộ KH&CN xem xét, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển dược liệu để phát huy thế mạnh của Vùng. 

Từ thực tế hoạt động KH&CN của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San đã thẳng thắn nhìn nhận, quan điểm của tỉnh Phú Thọ là không có chuyện thực hiện nhiệm vụ, đề tài, dự án mang tính nghiên cứu cơ bản tại tỉnh. Theo ông nghiên cứu cơ bản nên để các viện, trường lớn thực hiện. Theo đó, Phú Thọ tập trung vào nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cụ thể không nghiên cứu chung chung để biến những đề tài dự án kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Hiện, Phú Thọ đã có Chương trình về phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên cơ sở khảo sát kỹ thực tiễn… Ông Hà Kế San cho rằng các tỉnh cần cố gắng nâng cao chất lượng đề tài, nhiệm vụ KH&CN, tập trung vào thế mạnh phát triển của Vùng.

Để thúc đẩy phát triển KH&CN trong Vùng thời gian tới, các giải pháp đưa ra tại Hội nghị là tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH&CN, cơ chế chính sách và khuyến khích đầu tư cho KH&CN; phát triển doanh nghiệp KH&CN. Về định hướng trong giai đoạn 2018-2020, hoạt động KH&CN trong vùng tập trung vào các nhiệm vụ chính đó là, triển khai cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương; sắp xếp lại bộ máy tổ chức hoạt động đảm bào tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác và phát triển các sản phẩm có lợi thế của vùng, địa phương. Cùng với đó, Vùng cần đẩy mạnh xây dựng và thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ, thị trường KH&CN và đảm bảo tốt chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực KH&CN. 

Bài, ảnh: Bảo Chi