Bản in
Thắp sáng đam mê khoa học từ Ngày hội STEM
Với chủ đề “Chạm vào cách mạng công nghiệp 4.0”, Ngày hội STEM 2018 sẽ giúp các em học sinh bắt đầu tập “học cách học” và học cách giải quyết vấn đề thông qua các thực hành, thực nghiệm công nghệ mới của thời đại 4.0 như in 3D, trí tuệ nhân tạo, lập trình robot tự hành, thực tế ảo…

STEM đã đi vào cuộc sống

Ngày hội STEM được tổ chức với mục đích phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM, một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai tại các nước Âu - Mỹ. Đây là cơ hội tốt để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và hướng nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn các nhà quản lý giáo dục – đào tạo và giáo viên tiếp cận phương pháp học qua hành hướng tới từng học sinh. Đồng thời cũng là dịp để các trường đại học, viện nghiên cứu mở cửa đón tiếp học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh tham quan và trải nghiệm hoạt động của trường, nhằm kết nối trường phổ thông và đại học.

Ông Phạm Trần Lê, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Khoa học và Phát triển cho biết, hiện nay đã có hàng vạn lượt trẻ em được tiếp cận với Ngày hội STEM, hàng nghìn thầy cô giáo tham gia. STEM không còn giới hạn trong các Ngày hội STEM mà đã đi vào đời sống, hình thành được các câu lạc bộ STEM và đi vào chương trình học của các trường. 

“Để thắp sáng niềm đam mê với khoa học, công nghệ cho các em học sinh từ nhỏ, thì cần để cho các em tiếp xúc với một trong những điểm đến của niềm đam mê ấy - không gian nghiên cứu trong các trường đại học. Vì thế, sự tham gia của các trường đại học vào chuỗi giáo dục STEM là rất cần thiết”, ông Phạm Trần Lê cho hay.

Năm 2017 Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tham gia vào ngày hội STEM và sự kiện rất thành công. Năm nay có sự tham gia của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Đặt câu hỏi về việc tại sao lại cần các đại học tham gia vào giáo dục STEM? Ông Phạm Trần Lê cho rằng, ngoài khía cạnh đây là một mắt xích, một khâu cuối trong quá trình giáo dục đối với các em, thì giảng đường đại học là một không gian văn hóa đặc thù, là nơi khởi nguồn tri thức mới, là nơi khởi nguồn ra các xu hướng đổi mới sáng tạo, các tiến bộ xã hội. Năm nay, không chỉ có các trường gần, mà nhiều trường từ những nơi xa xôi có thể tới, chạm tay vào những thiết bị hiện đại, tinh tế, tân tiến trong những phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Chia sẻ về Ngày hội STEM, PGS.TS. Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu bằng một câu nói của TS Đỗ Quốc Tuấn, người vinh dự đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học trẻ: “Được nghiên cứu cái mình thích là hạnh phúc nhất”, còn đối với trẻ em phổ thông, “học cái mình thích là hạnh phúc nhất”. Do vậy, việc Đại học Khoa học Tự nhiên tham gia Ngày hội STEM không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm xã hội của nhà trường. 

“Chúng tôi làm nghiên cứu cơ bản thì không chỉ tham gia nghiên cứu mà còn có trách nhiệm trong việc truyền bá khoa học, truyền bá sự đam mê đối với học sinh phổ thông. Chúng tôi cũng là một trong số ít các trường gắn kết chặt chẽ đào tạo khoa học với giáo dục phổ thông, vừa có đào tạo đại học, đồng thời có hệ đào tạo phổ thông ở Chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên…”, PGS.TS. Vũ Hoàng Linh cho hay.

Được biết, trước khi tham gia tổ chức Ngày hội STEM 2018 với vai trò là trưởng ban tổ chức, Đại học Khoa học Tự nhiên đã tổ chức ngày hội Open Day và có sự hỗ trợ của Liên minh STEM. Xa hơn nữa, Đại học Khoa học Tự nhiên có ý tưởng và đã tổ chức các hoạt động labtour cho các học sinh phổ thông đến thăm các phòng lab hiện đại, chạm vào máy móc, nghe các giảng viên giới thiệu về công việc nghiên cứu.

PGS.TS. Vũ Hoàng Linh bày tỏ, tham gia Ngày hội STEM 2018, chúng tôi hi vọng sẽ thúc đẩy được kết nối giữa mạng lưới các trường đại học với giáo dục phổ thông. Mong rằng, qua ngày hội này, xã hội, các bậc phụ huynh, các em học sinh sẽ tiếp cận được các thông tin về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, điều đặc biệt rất hữu ích trong bối cảnh CMCN 4.0. 

Học cách học

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động sâu rộng đến mọi mặt xã hội và từng cá nhân; tạo ra những cơ hội và thách thức to lớn về đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ. Trong số các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai, được dẫn dắt bởi CMCN 4.0, thì các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo công nghệ của Việt Nam đều có điểm số thấp.  

STEM 2018 sẽ mang tới cơ hội thực hành những thí nghiệm thú vị và thách thức khả năng sáng tạo của học sinh (Trong ảnh: Hoạt động tại Ngày hội STEM năm 2016)

Theo báo cáo “Readiness for the Future of Production Report 2018” (Sự sẵn sàng cho tương lai của nền sản xuất) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF - thực hiện năm 2017: Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp thứ 81/100 và 75/100; xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, nếu không tập trung vào đổi mới giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ không thể “nhảy tắt” lên đoàn tàu Cách mạng Công nghiệp 4.0. Do vậy, cần phải đổi mới sáng tạo, đổi mới giáo dục và đào tạo ngay theo hướng giúp người học “học cách học” suốt đời chứ không chỉ là “chỉ dạy kiến thức” và sẽ phải đạt được các mục tiêu sau: giúp trẻ yêu thích và học cách học; học cách hiểu, làm việc và hợp tác với mọi người; hiểu về những vấn đề phức tạp và xử lý được những vấn đề phức tạp, xử lý được những rủi ro. 

Giáo dục STEM giúp đáp ứng được những đòi hỏi đó. Tại Việt Nam, từ 4 năm nay Ngày hội STEM là sự kiện được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

TS. Đặng Văn Sơn, sáng lập Học viện sáng tạo S3 cho biết, Ngày hội STEM ngày càng thu hút sự tham gia của các địa phương khác nhau ở phía Bắc. Nhiều trường phổ thông trong cả nước đã tự tổ chức được Ngày hội STEM. Trước đó chỉ lác đác có vài trường tổ chức được. Năm nay, hai đại diện mới ngoài khu vực Hà Nội là trường THPT An Dương và trường THPT Chuyên Hưng Yên sẽ đem tới những ứng dụng STEM vào giải quyết các vấn đề thiết thực mang tính địa phương. Những điều đó cho thấy sự lan tỏa của Ngày hội STEM.

Ngày hội STEM cũng là cơ hội duy nhất cho các em học sinh được tham quan, thực nghiệm các thí nghiệm tại những phòng lab hiện đại của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) như phòng Thí nghiệm của Trung tâm Nano và Năng lượng – là phòng thí nghiệm hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Enzyme và protein, Phòng thí nghiệm trọng điểm phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm… Tại những phòng thí nghiệm này, đã có rất nhiều sáng chế, phát minh, công bố quốc tế trên các tạp chí hàng đầu về khoa học và công nghệ đã ra đời “thuần Việt” - bởi chỉ riêng các nhà khoa học Việt Nam.

Năm 2018 được UNESCO chọn là năm Quốc tế kỷ niệm Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Sự phát triển của Bảng Tuần hoàn các nguyên tố là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong khoa học và thống nhất khái niệm khoa học, có ý nghĩa rộng lớn trong Thiên văn học, Hóa học, Vật lý, Sinh học và các ngành khoa học tự nhiên khác.

Nhằm hưởng ứng sự kiện trên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ triển khai Cuộc thi tìm hiểu Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học cho đông đảo các bạn học sinh trên toàn quốc, trong đó tập trung chủ yếu vào đối tượng học sinh THPT.

Hi vọng rằng Ngày hội STEM 2018 sẽ mang tới cơ hội thực hành những thí nghiệm thú vị và thách thức khả năng sáng tạo của học sinh nhằm hướng tới giải quyết những vấn đề của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Bài, ảnh: Bảo Chi